Uống rượu để chết trong suốt 20 ngày đêm. Chỉ có một người bạn thân thiết nhất được báo trước về cái chết được báo trước ấy. Để đến khi người bạn vong niên tìm đến gõ cửa, không còn thấy cái đầu quen thuộc của chủ nhà thò ra, với câu nói quen thuộc: “Tôi đi vắng rồi!”.
Người ấy là danh họa Dương Bích Liên.
Viết về 50 năm ngày hy sinh của nhà văn Dương Thị Xuân Quý, tôi lò mò đi khắp 5 tuyến phố ở Đà Nẵng mang tên những người trong cùng một gia đình. Dương Thị Xuân Quý và cha là Dương Tụ Quán. Hai người anh ruột của ông Dương Tụ Quán là Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm.
Và rồi, một con đường nhỏ nữa chạy giữa khu dân cư gần bên biển Thanh Khê, mang tên Dương Bích Liên- người anh con bác ruột của chị Quý. Một con đường như mọi con đường bàn cờ mới tạo lập chừng một thập niên lại đây của thành phố biển miền Trung này. Yên tĩnh, và thiếu cá tính. Từ nhà cửa, tới những chậu cây cảnh còi cọc xếp đặt thò thụt ngẫu hứng.
Danh hoạ Dương Bích Liên
Nghệ sĩ dị kỳ, cô đơn cô độc như Dương Bích Liên tôi biết sẽ không bao giờ chọn cho mình một tên đường. Như đã chối từ mọi cuộc triển lãm trong cuộc đời. Chọn cái chết cho mình giữa tháng Chạp lạnh lẽo năm 1988 sau khi hủy đốt quá nhiều tác phẩm. Như giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật được truy tặng năm 2000 nhưng vẫn chưa có người nhận. Như lời nhắn lại, rằng sau khi chết, đám tang chỉ để một chú bé mặc áo vest, cài nơ đi sau xe chở xác. “Tôi muốn/giã từ thành phố, buổi sáng/một chú bé áo cài nơ đỏ/ sau linh cữu/màu son”. Vương Biên Hương, một người bạn đã viết trong tập thơ in chung của chúng tôi năm 1994, như vậy.
Như hơn mười năm trước tôi đã viết “Liên”: “mũ đựng đầy gió/cái đầu không/bóng ngã/dài hơn kiếp/… trước nửa bước/đằng sau nửa bước/cái đầu không/và mũ gió/đi/về”.
Như Enest Hemingway - cha đẻ của “Giã từ vũ khí” đã dùng vũ khí để giã từ đời sống.
Dương Bích Liên. Vừa qua dịp 30 năm ngày diễn ra cái chết cô độc và vững chãi (ngày 12 tháng 12 năm 1988). Và sắp đến kỷ niệm 95 năm ngày sinh rồi. Người sinh ngày 17 tháng 7 năm 1924.