Nhớ tên quan chức

Nhớ tên quan chức
TP - “Thiếu một hệ thống thông tin đầy đủ, nhớ cho hết tên các quan chức còn khó, chứ chưa nói gì đến việc đánh giá cho đúng đắn, khách quan…” - ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vừa trả lời phỏng vấn Tiền Phong liên quan đến việc các vị dân biểu sẽ bỏ phiếu tín nhiệm quan chức.

> Lấy phiếu tín nhiệm - Trước mắt tập trung các chức danh thuộc Chính phủ

Nhìn lại hệ thống thông tin về quan chức như hiện nay, thấy thật khó cho các vị dân biểu. Hầu hết quan chức đều có lý lịch, bằng cấp sáng trưng, đều là những đảng viên gương mẫu, liên tục nhận các danh hiệu thi đua danh giá… Nhiều vị cho đến tận khi bị phát giác sai phạm nghiêm trọng, thì các văn bản nhận xét, đánh giá tốt đẹp về phẩm chất đạo đức, năng lực từ các ban bệ còn ký chưa ráo mực.

Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi vừa trình Quốc hội, quy định lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước phải thường xuyên công khai, minh bạch danh tính, nhiệm vụ, lương và các khoản thu nhập. Có thể hiểu đây là một cách cung cấp thông tin để các đại biểu thực hiện được chức năng giám sát, bỏ phiếu tín nhiệm.

Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế sẽ chẳng dễ dàng. Bởi không đợi đến bây giờ, quy định kê khai tài sản của cán bộ, công chức đã hô hào từ lâu. Các ban bệ phòng chống tham nhũng cũng đã rải khắp từ trung ương đến tận thôn xã.

Nhưng tham nhũng vẫn ngày càng nghiêm trọng mà chẳng mấy ai mất chức. Có chăng chỉ là mấy anh quan xã, quan huyện, quan sở bị “trảm” với ít mét đất, vài chục triệu đồng “cố ý làm trái”.

Cũng có lẽ bởi cơn “dư chấn tập đoàn” thời gian qua quá dữ dội, nên Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi mới soi vào các vị này ? Nhưng còn các dạng tham nhũng kiểu mới được “hành chính hóa, nội bộ hóa” một cách tinh vi phục vụ lợi ích nhóm như nhận xét của một vị đại biểu Quốc hội, thì thật khó có địa chỉ, con người cụ thể để quy trách nhiệm, gọi tên tội danh, cho dù cả xã hội đều dễ nhận ra.

Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi nghiêm khắc buộc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thường xuyên kiểm tra giám sát để phát hiện hành vi tham nhũng trong cơ quan, đơn vị.

Nếu để xảy ra tham nhũng thì người đứng đầu phải “chịu trách nhiệm trực tiếp”, bị kỷ luật, hoặc bị truy tố hình sự. Phải lãnh cái tội to thế, thử hỏi có được mấy vị thủ trưởng thật thà, tích cực khui ra tiêu cực của cấp dưới để rước họa vào thân? Rốt cuộc, sai phạm rồi vẫn sẽ kín bưng.

Vào cái thế ấy, các vị dân biểu muốn kiểm tra, giám sát còn bó tay, nói gì đến dân thường. Vậy nên dân có nhớ được tên quan chức thì cũng chỉ để mà… nhớ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.