Sau kháng chiến chống Pháp, từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, nhạc sỹ Văn Cao không ở nhà được phân mà cùng gia đình chuyển đến thuê nhà sống tại 108 Yết Kiêu.
Nhạc sỹ Văn Cao |
Từ đây đến căn gác nhỏ ở số 45 phố Nguyễn Thượng Hiền chỉ vài bước chân. Nơi ấy có nhiều kỷ niệm thời hoạt động của Văn Cao và các đồng chí trước và trong những ngày cách mạng tháng Tám sục sôi. Những ngày ấy, ông đã được gặp Vũ Quý, được giao nhiệm vụ làm một bài hát cho các chiến sỹ cách mạng. Văn Cao cũng là người phụ trách đội Danh dự Việt Minh (đội trừ gian), bảo vệ cho Việt Minh diễn thuyết ở chợ Hàng Da, góp phần biến cuộc mít tinh ngày 17/8/1945 tại Nhà hát Lớn ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim thành cuộc mít tinh của ta. Người diễn thuyết là bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng. Hôm ấy, trong hào khí sục sôi của bài Tiến quân ca, lần đầu tiên nhân dân Hà Nội được nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên mặt tiền của Nhà hát Lớn.
|
Nhà 45 Nguyễn Thượng Hiền tháng 8/2024. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Trong những năm cuối đời, Văn Cao thường cùng vài người bạn cũ đến đối ẩm ở một quán rượu gần rạp xiếc, ôn lại những kỷ niệm xưa. Mỗi lần đi qua căn gác 45 Nguyễn Thượng Hiền ông đều dừng lại thật lâu, bồi hồi xúc động nói với bạn: “Ngôi nhà này có nhiều kỷ niệm với mình, mình đã sống ở đây từ năm 1944 đến ngày Toàn quốc kháng chiến…Có một đêm, thèm thuốc lào quá, không có lửa, ngó xuống thấy một chiếc xe có treo chiếc đèn chai, đỗ dưới đường. Mình chạy xuống xin lửa để hút thuốc, ai ngờ dưới mảnh chiếu rách, mấy cái chân người chết thò ra, hãi quá cả đêm không ngủ được. Bài Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc ra đời đêm đó… Thế rồi mình gặp Vũ Quý. Mình đâu có ngờ bài Tiến quân ca lại được chọn làm Quốc ca - Văn Cao trầm ngâm và lặng đi giây lát-Anh Vũ Quý đã hi sinh trên đường lên chiến khu trước ngày Cách mạng tháng Tám có mấy hôm…”.
Văn Cao kể lại hồi ức mùa đông năm 1944: “Khung cảnh ở đây chẳng có gì đặc biệt. Đấy là một căn gác nhỏ, chỉ rộng vài mét vuông, chẳng có đồ đạc gì ngoài một cái bàn làm việc đã cũ đặt bên ô cửa sổ nhỏ mở ra đường, bên kia là mấy hàng cây và một khoảng trời xám…”.
Một buổi sáng cuối tháng 8/2024, tôi đến thăm lại ngôi nhà ở 45 Nguyễn Thượng Hiền. Ngôi nhà lịch sử ấy đã trở thành một quán hàng ăn bình dân từ mấy chục năm nay. Đã 80 năm trôi qua kể từ khi Văn Cao viết Tiến quân ca, căn nhà 45 Nguyễn Thượng Hiền vẫn còn đó nhưng đã xây sửa lại. Phố phường ở đây đã khác xưa nhiều, không còn “Căn gác cũ, ọp ẹp với chiếc cửa xộc xệch mở ra đường. Bên kia là mấy hàng cây và một khoảng trời xám…”. Người chủ nhà mở quán ăn bình dân, bán cơm trưa.
Nơi ra đời Tiến Quân Ca/ Quốc Ca - ngôi nhà 45 Nguyễn Thượng Hiền là di tích lịch sử trong Cách mạng tháng Tám hào hùng của dân tộc ta. Nơi đây, thời gian có bao giờ lãng quên?