Tối 6/12, nhiều khán giả bức xúc khi kênh Next Sports phát trên Youtube đã tắt tiếng Quốc ca Việt Nam trong trận đội tuyển Việt Nam gặp Lào và chạy dòng chữ: “Vì lí do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm”. Sự việc này khiến khán giả Việt Nam vô cùng bức xúc.
Đây là lần thứ 2, Quốc ca Việt Nam đã không được phát trong trận đấu bóng đá của Việt Nam ở sân chơi quốc tế để khán giả hâm mộ cùng hát tiếng hát, chào cờ cùng với đội bóng.
Sự lo ngại này bắt nguồn từ sự việc trước đó. Trước đó, trong trận Việt Nam - Ả Rập Xê Út diễn ra tối 16/11 tại Việt Nam, kênh YouTube của FPT (đơn vị có bản quyền tiếp sóng trận đấu này) đã không thể thu được tiền vì lí do trận đấu dùng bản ghi Tiến quân ca do hãng đĩa nước ngoài sản xuất.
NSX chương trình thông báo (Ảnh chụp qua màn hình) |
Trao đổi với Tiền Phong ngày 7/12, đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết, theo Luật Sở hữu trí tuệ, khi muốn sản xuất 01 tác phẩm thì nhà sản xuất phải liên lạc và có sự đồng ý từ tác giả của tác phẩm đó.
Với tác phẩm Tiến quân ca của nhạc sỹ Văn Cao đã được Quốc hội Việt Nam lựa chọn là Quốc ca vào năm 1976 và tới năm 2016, gia đình cố nhạc sỹ Văn Cao đã hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam. Văn phòng Quốc hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức Lễ tiếp nhận. Chính vì thế, Tiến quân ca hiện nay thuộc Chính phủ và đơn vị nào muốn sản xuất, khai thác tác phẩm này đều phải có sự đồng ý từ cấp Chính phủ Việt Nam. “Việc một đơn vị nước ngoài tự ý sản xuất và khai thác một tác phẩm âm nhạc mà chưa xin phép chủ sở hữu thì điều đó hoàn toàn vi phạm”, đại diện VCPMC cho biết.
Các tuyển thủ bóng đá Việt Nam hát Quốc ca trước trận đấu Việt Nam- Lào (Ảnh chụp qua màn hình) |
Với tác phẩm Tiến quân ca, đại diện VCPMC cho rằng hiện nay trung tâm hoàn toàn không biết đơn vị sản xuất Tiến quân ca tại nước ngoài có xin phép chủ sở hữu là Chính phủ Việt Nam hay chưa. Tuy nhiên, việc họ tự ý khai thác bản quyền dẫn đến sự cố tại các trận đấu có đội tuyển Việt Nam tham dự như vừa qua là điều không thể chấp nhận được.
“Đề nghị các cơ quan chức năng mà Quốc hội đã giao nhiệm vụ để giữ gìn tài sản này cần sớm vào cuộc để làm rõ vấn đề này. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm cần phải xử lý nghiêm, kịp thời để tránh gây dư luận không tốt. Đây là tài sản quý báu của Tổ quốc, của nhân dân, không một cá nhân hay tổ chức nào có thể tìm cách lách luật để kiếm lời”, đại diện VCPMC cho biết.