Gọi hai ông Thần
Tết Ất Tỵ năm 2025, người trẻ ở huyện đảo Phú Quý hay nói về chuyện khởi nghiệp, làm ăn, vì lượng khách du lịch ra đảo năm 2023 là 95.000 người, năm 2024 là hơn 160.000 và cứ tăng mãi. Còn những năm trước đây, chiếm trọn câu chuyện trong ngày xuân vẫn là đề tài về cụ Bùi Quang Diêu cùng các cụ đi thuyền buồm từ đảo vượt biển ra kinh thành Huế vào năm 1901 để xin giảm xâu thuế, kêu kiện việc tàu của quan Công sứ Pháp ở Phan Thiết ra đảo bắt 50 thanh niên đi xâu làm đường, hoặc đưa qua bên kia đại dương.
![]() |
Ông Trần Thanh Phong, người sáng tác nhiều vở tuồng chèo và làm thơ để gìn giữ nét xưa cù lao Khoai Xứ. Ảnh: Văn Chương |
Hai câu thơ đầu trong ký sự Đi kinh: “Tháng 6 mùng 3 ngày Dần/Bổn điền nhóm lại lạy Thần ra đi”. Ông Huỳnh Do cầm cuốn sách chữ Nho ký sự về chuyến đi Huế của cụ Bùi Quang Diêu và đọc 2 khổ thơ đầu tiên. Vị thần trong thơ là Thần Nam hải Đại tướng quân và thầy Sài Nại. Người dân đảo mỗi khi đi biển gặp nạn thì gọi tên hai vị thần sau đó kêu lên “mong hai thần tới độ trì, cứu con”.
Sách Địa chí tỉnh Bình Thuận chỉ ghi vắn tắt “năm 1844, một số ngư dân ở Đàng Ngoài đi đánh lưới chuồn và đặt chân lên đảo”. Còn dân gian thì lưu truyền rất nhiều câu chuyện dài về cư dân ra đảo. Chùa Linh Sơn trên đảo được bà Trần Thị Tấn khai sơn từ năm 1836, chùa Linh Quang được thiền sư Nguyễn Văn Cảnh lập ra từ năm 1747.
Ở đảo Phú Quý, ai cũng biết ông Huỳnh Do với cái tên thân mật là Tư Do. Ông Do so sánh rằng, đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, rồi đảo Cù Lao Chàm của tỉnh Quảng Nam chỉ cách đất liền có 15-18 hải lý, trong khi cù lao Khoai Xứ này cách tới 56 hải lý và nằm ở khu vực thường hay xuất hiện gió, lốc, xoáy, vậy nên gặp nạn thì phải gọi cả hai ông là Thần Nam hải (cá Ông) và thầy Sài Nại. Mộ thầy Sài Nại hiện nay là nơi linh thiêng trên đảo.
Ông Trần Thanh Phong 70 tuổi nguyên Bí thư kiêm Chủ tịch xã Long Hải, là người đã sáng tác 400 bài thơ và rất nhiều vở tuồng (hát bội) kể về tích xưa, thời ông bà ra khai phá đảo. Ông Phong khi nghe tôi hỏi cũng gật đầu và cho biết, mỗi khi đi biển gặp lốc xoáy, rồi thời ghe chở khách nhỏ xíu gặp sóng lớn thì người ta đều gọi tên hai quý nhân là “cá Ông và thầy Sài Nại”, sau đó tát nước, hạ buồm, bình tĩnh xử lý.
![]() |
Bài thơ Đi kinh đã ăn sâu vào đời sống cư dân đảo và cũng là cách để người dân thể hiện lòng biết ơn với vị quan làng đã ra gặp vua để kêu cho dân. Vì thời đó, người dân bị bắt đi xâu và còn phải è cổ nộp các loại thuế: thuế vải bông (bạch bố), thuế vảy đồi mồi, thuế thân 2 đồng 2 hào/năm (thời đó 100 kg gạo có giá 5 đồng).
“Thời trước đi vô đất liền hết 14 giờ sau còn 12, rồi 9 giờ, nguy hiểm vô cùng, luôn gặp sóng dữ, vậy nên bà con phải có chỗ dựa về tinh thần là cá Ông và thầy Sài Nại. Tới giờ này thì người ta gọi Trạm tìm kiếm cứu nạn của Bộ đội Biên phòng đóng tại đảo”, ông Phong kể.
Bài thơ Kiều Huy Tạng viết về công lao sự nghiệp của một nhân vật huyền tích có công lớn với đảo do ông Trần Thanh Phong viết dài 700 câu, mở đầu là 4 câu thơ kết hợp các thể viết lối, vọng cổ, xế xảng: “Xem mây xanh tứ phía/ Ngó bốn bên sóng biển trùng trùng/ Vang danh nổi tiếng anh hùng/ Ngã tánh tự Kiều Huy Tạng là danh…”.
Lưu giữ tích xưa
Trước năm 1975, ông Huỳnh Thàng sinh năm 1914, cha của ông Tư Do chỉ bày cho con học chữ, phong tục, truyền thống ông bà, rồi sau mới truyền nghề biển. Năm gần 30 tuổi, Tư Do nắm lái chiếc thuyền buồm và nhìn trăng, sao để định hướng, cho thuyền ngang dọc khắp biển cả, vô Bà Rịa – Vũng Tàu, tới tận đảo Côn Sơn, Thổ Chu. Sau năm 1975, Tư Do tham gia làm cán bộ, giữ cương vị Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý 2 nhiệm kỳ (1992-2002).
![]() |
Ông Huỳnh Do với bài ký sự 1.282 câu thơ lục bát kể chuyện ra kinh thành Huế (bản photo). Ảnh: Văn Chương |
Lúc Tư Do ra làm cán bộ xã thì ông Phong vẫn quyết chí theo học cho đỗ đạt. Việc rời đảo vào đất liền để học văn hóa là một chuyện hiếm vào thập niên 70. Khi học xong và trở về đảo làm cán bộ văn hóa, ông Phong thường bám theo các đoàn nghiên cứu để nghe câu chuyện về cù lao Khoai Xứ, lòng luôn thương xót các bậc tiền hiền ra khai phá đảo, ông sáng tác thơ kể về các tráng sĩ từng là nhân vật có thật ở đảo.
Ông Phong viết vở tuồng Tiếng trống còn vang kể về người có công khai phá đảo, đó là công chúa Bàn Tranh, sinh năm 1458, là con gái của vị vua Po Kathit, hiệu Bàn La Trà Nguyệt, thuộc Tiểu quốc Chămpa Panduranga. Công chúa đã bị đày ra đảo vì phạm điều cấm kỵ, yêu chàng trai Po Saminpan là người không theo đạo Bà La Môn.
Buổi sáng đến nhà của ông Phong đã nghe vang tiếng hát tuồng của gánh hát Tân Lập (nay là gánh hát tuồng Đồng Tâm đã 139 năm tuổi). Ông Phong đang chuẩn bị các tiết mục để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Ất Tỵ năm 2025. Tất cả những vở hát bội ông viết đều phác họa lại những nhân vật và câu chuyện có thật từng xảy ra trên đảo.
![]() |
Một góc đảo Phú Quý. Ảnh: Văn Chương |
Nhớ Tết khoai củ
Lão niên Tư Do và ông Phong cùng các bậc trưởng thượng cứ tới ngày xuân lại kể những câu chuyện thương nhớ cù lao Khoai Xứ. Chuyện mấy trăm năm trước, ngư dân ở miền Trung đi đánh lưới chuồn bị gió xiêu ra tận đảo, năm sau quay trở lại thì ngư dân thấy mẩu rễ củ lang (khoai lang) bỏ lại đã mọc thành những bụi rất lớn trên nền đất núi lửa nên quyết định quay ra định cư. Vì đảo không có lúa gạo nên chỉ ăn ngô, đậu mèo, củ lang với cá, mực. Mãi đến năm 1990, bữa cơm củ, ngô và đậu mèo ở đảo Phú Quý mới bắt đầu lắng dần, thay bằng cơm gạo trắng.
Đảo Phú Quý từng bạt ngàn những ngôi nhà ngói mứt và giờ đây nhà cổ đang biến mất rất nhanh trước làn sóng du lịch, đổi mới. Nhà ngói mứt được xây dựng bằng gạch táp lô và lợp ngói như vảy cá. Một bao xi măng trộn với cát, đất, đá để đổ ra 80 viên gạch táp lô. Vì chở được chục bao xi măng ra tới đảo từng là một kỳ công.
Tư Do luôn thương nhớ cù lao Khoai Xứ nên cứ sống trong ngôi nhà cổ hơn 200 năm tuổi. Còn ông Phong thì luôn thao thức với những trang viết tái hiện lại ông bà mình trăm năm ra khai phá đảo để cứ mỗi dịp xuân về thì tiếng hát tuồng lại vang lên: “Kể từ ngày bọn cướp biển Tàu Ô xâm chiếm quê hương/Thì loan quân cùng phụ thân luôn ở trước…trận tiền”.