Nhịp cầu yêu thương

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 30, 31/7, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, Tỉnh Đoàn Nghệ An và báo Tiền Phong tổ chức lễ khởi công 3 công trình cầu dân sinh “Cầu nối yêu thương - Cùng em tới trường” tại các huyện miền núi Con Cuông, Tân Kỳ, Quế Phong (Nghệ An).

Những ngày mưa lũ tràn về, nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa khu vực miền núi Nghệ An thường bị ngập lụt sâu, có nơi bị cô lập hoàn toàn do nước dâng từ thượng nguồn. Hàng ngàn học sinh không thể tới trường, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều công trình cầu tràn, cầu treo dân sinh được xây dựng nhưng chỉ giải quyết được phần nào thực trạng này. Ở nhiều nơi, những cây cầu tạm bằng tre nứa được bắc lên, tiềm ẩn nguy cơ khó lường, Nhiều vụ tai nạn, đuối nước thương tâm đã xảy ra.

Nhịp cầu yêu thương ảnh 1

Đại biểu thực hiện nghi lễ khởi công công trình “Cầu nối yêu thương - Cùng em tới trường”

Nhằm chia sẻ những khó khăn, hỗ trợ trẻ em, người dân khu vực vùng sâu, vùng xa ổn định cuộc sống, sản xuất, học tập và chào mừng Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII, Đại hội Đoàn toàn quốc XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027; Cùng với đó, tiếp nối thành công của công trình “Cầu thanh niên - Cùng em vượt lũ” tại bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu, (huyện Kỳ Sơn), Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, Tỉnh Đoàn Nghệ An trong các ngày 30, 31/7/2022 đã cùng báo Tiền Phong khởi công 3 công trình “Cầu nối yêu thương - Cùng em tới trường” tại các huyện Con Cuông, Tân Kỳ, Quế Phong. Tuỳ từng địa hình, công trình sẽ được thiết kế theo kĩ thuật cầu tràn liên hợp hoặc cầu thép dân sinh. Những cây cầu vượt lũ không chỉ đưa học sinh qua sông…

Nhịp cầu nối những bờ vui

Nhịp cầu yêu thương ảnh 2

Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong phát biểu tại buổi lễ

Từ sáng sớm ngày thứ Bảy, 30/7, hàng trăm người dân, học sinh dân tộc Thái của bản Chai, bản Liên Đình, xã Chi Khê (huyện Con Cuông) đã có mặt để cùng Ban tổ chức thực hiện nghi lễ khởi công công trình “Cầu nối yêu thương - Cùng em tới trường”. Trên khuôn mặt của mỗi người dân hiện lên nụ cười rạng rỡ, họ đã khao khát, chờ đợi từ rất lâu một cây cầu nối liền hai bản. Vượt hàng trăm cây số đến chia vui với người dân, có GS-TS Thái Văn Thành- Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An; ông Lê Minh Toản- Phó Tổng biên tập báo Tiền phong; anh Lê Văn Lương- Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An và Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng.

Nhịp cầu yêu thương ảnh 3

Người dân bản nghèo sẽ không phải đi qua những cây cầu tạm

Ông Lô Văn Thuyền (trưởng bản Chai) xúc động: “Gần 200 hộ dân bản nghèo chúng tôi thật sự vui mừng và trân quý khi được Ban tổ chức chọn là địa điểm để xây cầu. Khi được thông báo đến giờ, từ con trẻ đến các bậc cao niên đều háo hức chờ đợi từng ngày. Chúng tôi thức dậy thật sớm để được chứng kiến lễ động thổ, cây cầu sẽ giúp cho 2 bản đổi thay, thuận lợi về giao thông, sản xuất, an toàn về tính mạng khi mưa lũ. Mỗi người dân đều tình nguyện hỗ trợ để cây cầu được xây dựng nhanh nhất và bảo quản thật tốt khi hoàn thành”. Sau lễ cúng theo tập tục địa phương, từng xẻng cát của đại biểu đánh dấu khởi công xây dựng cầu dân sinh trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt. Hàng cờ Tổ quốc tung bay phấp phới trong nắng gió bên bờ suối Khe Chai của xã Chi Khê như hòa cùng niềm vui của người dân bản địa.

Chiều cùng ngày, chúng tôi ngược rừng đến bản Ỏn, xã Tiên Kỳ (huyện Tân Kỳ) để cùng người dân nơi đây làm lễ khởi công công trình cầu dân sinh thứ 2. Cũng giống như ở bản Chai, bản Liên Đình, người dân tộc Thái ở bản Ỏn cùng các ĐVTN, thầy cô giáo tề tựu đông đủ tạo ra một không khí vui tươi, hứng khởi. Những ngày trước, màu áo xanh tình nguyện của đoàn viên, thanh niên đã khai quang con đường đến địa điểm xây cầu rộng rãi và sạch đẹp để chào đón sự kiện mà người dân địa phương cho là trọng đại nhất từ trước tới nay diễn ra tại bản. Sẽ không còn những lo sợ khi mùa mưa lũ, không còn hoang mang bị nước cô lập, người dân mong đợi sự tốt lành khi cây cầu hiện hữu.

Nhịp cầu yêu thương ảnh 4

Ban tổ chức cùng học sinh, người dân, giáo viên bản Khủn Na, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong chụp hình lưu niệm

Sau một đêm ngủ vùi vì mỏi mệt, ngày 31/7, chúng tôi tiếp tục vượt hơn 200 km qua những cung đèo uốn lượn, cơn mưa mịt mù nơi miền biên viễn, tiếp cận bản Khủn Na, xã Đồng Văn (huyện Quế Phong) để khởi công cây cầu thứ 3, nhịp cầu nối những bờ vui cho người dân nghèo miền sơn cước đang ngóng chờ. Chẳng quản chặng đường xa, Ban tổ chức muốn tạo nên một ngày hội thật sự cho người dân bản Khủn Na. “Cầu nối yêu thương - Cùng em tới trường” đã làm được điều đó khi chúng tôi chứng kiến nụ cười hồn nhiên của trẻ nhỏ, thấy khuôn mặt mừng vui của già làng trưởng bản, thấy những người phụ nữ rực rỡ trong trang phục truyền thống và thấy cả sự chuyển mình, tươi sáng giữa núi rừng hoang vu. Em Lang Bảo Khanh chia sẻ: “Mỗi lần nước thượng nguồn đổ về nhiều, suối dâng cao, chúng em không thể đến trường nhưng có cây cầu thì em và các bạn sẽ chuyên cần tới lớp, học tập thật ngoan”.

Sau 2 tháng vận động, Ban tổ chức đã nhận được sự quan tâm, sẻ chia của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, giáo viên, đoàn viên thanh niên ủng hộ với tổng số tiền khoảng 2,7 tỷ đồng. Kết hợp nguồn đối ứng của các huyện Con Cuông, Tân Kỳ, Quế Phong, 3 cây cầu sẽ sớm hoàn thành nơi sơn cùng, thủy tận.

Phát biểu tại các lễ khởi công, Nhà báo Lê Minh Toản - Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong tâm sự: “Trước đây, chúng tôi lặng người khi nghe tới sự cố chìm thuyền ở Chôm Lôm và Nhà báo Quang Long - Trưởng đại diện báo Tiền Phong tại Nghệ An đã cùng với Ban biên tập kêu gọi những nhịp cầu ở xã Lạng Khê, xoa dịu nỗi đau mất mát mà người dân gánh chịu. Thế nên, xây dựng “Cầu nối yêu thương - Cùng em tới trường” là chúng ta nối những tấm lòng thiện đến với nhau, nối những tình cảm của con người đến với con người, nối những tình cảm hảo tâm. Những em nhỏ - mầm tương lai của đất nước, một cây cầu hiện hữu sẽ nối muôn cây cầu khác nữa và chúng ta sẽ tiếp nối sự yêu thương đó, chăm sóc cho cả một thế hệ để tất cả con em được đến trường, được bảo vệ, được an toàn”. Lãnh đạo báo Tiền Phong yêu cầu đơn vị thi công triển khai nhanh, đảm bảo chất lượng để nhịp cầu sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Như vậy, sau vụ đắm đò thảm khốc cướp đi sinh mạng của 19 em học sinh trường THCS Lạng Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An), từ năm 2007 đến nay báo Tiền Phong đã phối hợp với Tỉnh Đoàn và Sở GD&ĐT Nghệ An vận động quyên góp, xây dựng 5 chiếc cầu dân sinh tại các huyện Con Cuông, Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Quế Phong với kinh phí hơn 10 tỷ đồng…

MỚI - NÓNG