Nhìn từ chiến thắng của Quán quân Olympia năm 2024: Cuộc 'đấu trí' sòng phẳng bằng chiến thuật

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau chiến thắng của Võ Quang Phú Đức trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2024, nhiều khán giả đã tranh luận, đưa ra một số ý kiến trái chiều xoay quanh phần chơi của nam sinh xứ Huế. 

Trưởng thành từ chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 21 với giải Ba, nam sinh Nguyễn Việt Thái - sinh viên ngành Quan hệ quốc tế Học viện Ngoại giao đã đưa ra phân tích về tình huống của Phú Đức dựa trên lý thuyết trò chơi (game theory).

Theo Thái, lý thuyết trò chơi là một nhánh của toán học nghiên cứu hành vi chiến lược của các cá nhân hoặc tổ chức trong các tình huống mà kết quả của một người phụ thuộc vào quyết định của những người khác. Trong lý thuyết này, một "trò chơi" là một mô hình trừu tượng miêu tả cách các cá nhân tương tác và ra quyết định dựa trên mục tiêu tối đa hóa lợi ích của mình. Thái sử dụng một số khái niệm chính trong lý thuyết trò chơi như chiến lược tối ưu (Dominant strategy), trò chơi có tổng bằng không (Zero-sum game), cân bằng Nash (Nash equilibrium) để phân tích tình huống chơi của Phú Đức.

Nam sinh nhận thấy, phần thi Về đích được thiết kế sao cho mỗi thí sinh không chỉ cần tập trung vào việc trả lời câu hỏi, mà còn phải dự đoán và đối phó với hành động của các đối thủ. Đặc biệt, khi một thí sinh trả lời sai, cơ hội chuyển sang các thí sinh còn lại với quyền "cướp điểm". Trong tình huống này, thí sinh thi chính không bị mất điểm, trong khi thí sinh giành quyền cướp có rủi ro bị trừ 1/2 số điểm của câu hỏi nếu trả lời sai. Luật chơi này chính là một dạng trò chơi có tổng bằng không, khi một thí sinh giành được điểm, thí sinh khác sẽ giảm đi số điểm tương ứng.

Yếu tố lý thuyết trò chơi trở nên rõ ràng trong tình huống cướp điểm này: thí sinh cần cân nhắc khả năng trả lời đúng câu hỏi và đồng thời dự đoán nước đi của các đối thủ. Điều này tạo ra tình thế "chicken game" (trò chơi hù dọa), nơi mỗi thí sinh phải quyết định liệu có nên mạo hiểm cướp điểm hay không, khi biết rằng mình có thể mất điểm nhưng cũng có cơ hội lớn để lật ngược tình thế.

Nhìn từ chiến thắng của Quán quân Olympia năm 2024: Cuộc 'đấu trí' sòng phẳng bằng chiến thuật ảnh 1Nhìn từ chiến thắng của Quán quân Olympia năm 2024: Cuộc 'đấu trí' sòng phẳng bằng chiến thuật ảnh 2

Sau chiến thắng của Võ Quang Phú Đức trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2024, nhiều khán giả đã tranh luận, đưa ra ý kiến trái chiều xoay quanh phần chơi của nam sinh xứ Huế.

Tình huống cụ thể của Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 minh họa rất rõ ràng việc các thí sinh cần sử dụng chiến thuật dựa trên lý thuyết trò chơi. Ở câu hỏi cuối cùng, điểm số của các thí sinh Nguyên Phú (215 điểm), Nhật Minh (85 điểm), Phú Đức (235 điểm), Trung Kiên (145 điểm). Nhật Minh là người thi chính và lựa chọn câu hỏi 30 điểm nhưng trả lời sai, dẫn đến việc các thí sinh còn lại có quyền cướp điểm.

Theo Thái, có hai chiến lược chính mà các thí sinh có thể lựa chọn dựa trên điểm số hiện tại. Đầu tiên, Nguyên Phú (215 điểm) có thể giành chiến thắng nếu bạn trả lời đúng câu hỏi và có thêm 30 điểm, nâng tổng số điểm của mình lên 245. Đây là chiến lược tấn công (attacking). Tuy nhiên, nếu bạn bấm chuông nhưng không trả lời đúng, chỉ bạn mất 15 điểm vì chỉ thí sinh cướp mới chịu rủi ro, nghĩa là bạn vẫn thua cuộc.

"Phú Đức (235 điểm) ở trong tình thế có lợi. Bạn ấy có thể bấm chuông và dù trả lời sai, số điểm chỉ giảm xuống còn 220, vẫn cao hơn 215 của Nguyên Phú, đảm bảo giành chiến thắng. Điều này tạo nên một chiến lược tối ưu (dominant strategy), trong đó Phú Đức không cần phải lo ngại về rủi ro trả lời sai. Do đó, bấm chuông trở thành một quyết định lý tưởng mà không cần cân nhắc nhiều", Thái nhận định. Đây chính là một tình huống mà chiến lược tối ưu của mỗi thí sinh sẽ khác nhau, phụ thuộc vào điểm số hiện tại của họ và tình thế trên bảng xếp hạng.

Trong tình huống của Phú Đức, chiến lược của bạn ấy rõ ràng dựa trên sự tính toán rủi ro (lose) và phần thưởng (gain). Điều này tạo nên một trạng thái gần như cân bằng Nash: Phú Đức không có lý do để không bấm chuông, bởi vì dù trả lời sai, bạn ấy vẫn thắng. Không có cách nào cải thiện tình hình cho các đối thủ nếu Phú Đức chọn chiến lược này.

Nhìn từ chiến thắng của Quán quân Olympia năm 2024: Cuộc 'đấu trí' sòng phẳng bằng chiến thuật ảnh 3

Võ Quang Phú Đức trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2024. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

"Từ góc độ lý thuyết trò chơi, hành động của Phú Đức là hợp lý và tối ưu trong bối cảnh của cuộc thi. Một số người cho rằng việc "cướp điểm" của Phú Đức là không công bằng với các thí sinh khác, nhưng điều này bỏ qua bản chất của trò chơi.

Trong mọi cuộc thi, chiến lược và tính toán đều là một phần không thể thiếu, và luật chơi của Đường lên đỉnh Olympia đã thiết lập một hệ thống trong đó việc bấm chuông cướp điểm là hoàn toàn hợp lệ và được khuyến khích. Đây là một trò chơi, và mục tiêu chính là chiến thắng. Phú Đức chỉ đơn giản là người vận dụng tốt nhất các quy tắc có sẵn để đảm bảo chiến thắng của mình", Thái nói.

Tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia 21, Nguyễn Việt Thái giành giải Ba.

Việt Thái là sinh viên ngành Quan hệ quốc tế Học viện Ngoại giao. Khác với hình ảnh một chàng trai vô tư 3 năm trước, Thái hiện hướng đến hình ảnh tự tin, năng động trên sân khấu trong vai trò người dẫn chương trình.

MỚI - NÓNG