Nhìn trẻ tự kỷ khác hơn qua ảnh

Thực hiện bộ ảnh, anh Nguyễn Việt Tuấn muốn trẻ tự kỷ không bị thiệt thòi và mọi người có cái nhìn lạc quan hơn với các em.
Thực hiện bộ ảnh, anh Nguyễn Việt Tuấn muốn trẻ tự kỷ không bị thiệt thòi và mọi người có cái nhìn lạc quan hơn với các em.
TP - Với mong muốn mọi người có cái nhìn tích cực, lạc quan hơn về trẻ tự kỷ, TS Nguyễn Việt Tuấn (Viện Khoa học Công nghệ TDTT- trường Đại học Thể dục Thể thao Đà  Nẵng) đã thực hiện bộ ảnh ghi lại những khoảnh khắc “vàng” của các bé trong suốt quá trình anh đồng hành cùng các em vượt qua căn bệnh này.

Từng trải qua cú sốc mất đi người thân rồi bị trầm cảm trong một thời gian dài, anh Tuấn hiểu những khó khăn mà bản thân và người xung quanh phải đương đầu. Anh đã đến cơ sở giáo dục hòa nhập Ước Mơ Xanh  thuộc Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục đặc biệt giúp đỡ các bé tự kỷ bằng chương trình kết hợp điều trị tâm lý, cơ vận động và kiểm soát hành vi. Đây là chương trình được anh đúc kết từ kiến thức, kinh nghiệm trong thời gian học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài.

Chàng tiến sĩ trẻ cùng các tình nguyện viên đã đưa các bé ra không gian mở có cây xanh, thảm cỏ, đồ chơi phong phú, vừa luyện tập thể trạng cho các bé, vừa hướng dẫn phụ huynh cách chơi cùng con. Anh còn mời cả giáo viên Yoga về bày thêm cách hít thở để các bé tập trung và ngủ tốt hơn. Riêng về vấn đề tâm lý, mỗi cháu một mức độ tâm lý khác nhau, có cháu ủ rũ, có cháu lại không chịu ngồi yên tới 5 giây, còn “nghiện” những trò nguy hiểm như chơi dây điện, quấn cổ… Cả trung tâm phải chia ra mỗi thầy kèm một cháu, có khi phải đóng vai bạn để tương tác nhiều hơn.

Suốt quá trình đồng hành, anh nhận thấy học trò nhí của mình đã thay đổi tích cực và có những khoảnh khắc rất đáng yêu, khác với hình ảnh ủ dột thường ngày. “Nếu không lưu lại những khoảnh khắc đáng quý ấy, thì phụ huynh và tất cả mọi người sẽ khó có thể hình dung ra con mình cũng có những giây phút năng động, tình cảm, dễ thương đến vậy. Họ cũng nhụt chí khi mài sắt mãi mà không nên kim”, anh Tuấn nói về lý do thực hiện dự án nhỏ mang tên “Angel’s Smile”.

Cứ sau mỗi giai đoạn giáo dục, anh và các tình nguyện viên lại dựng phông, lắp ống kính chụp cho ảnh cho các bé. Lần bấm máy nào cũng vã mồ hôi vì phải chiều ý từng “mẫu nhí”. Những thợ ảnh nghiệp dư phải thuộc lòng sở thích từng bé từ con vật, màu sắc, có lúc phải làm trò để “mẫu” thoải mái trước ống kính. Bộ ảnh tươi mới với nụ cười ngây thơ trong trang phục ngộ nghĩnh của các bé chuyền tới tay phụ huynh, nhiều người đã trào nước mắt khi nhìn con thật khác.

Chị Trần Thị Như Mai (quận Cẩm Lệ), có con đang được giáo dục tại cơ sở cho hay, khi nhìn ảnh các cháu, chị rất xúc động và thấu cảm hơn về căn bệnh tự kỷ. “Sắp tới đây tôi cũng cho con chụp để lưu giữ hình ảnh tươi vui của con. Qua những bức ảnh này, tôi hiểu thêm rằng trẻ tự kỷ cũng có những mong muốn, nhu cầu rất đời thường. Nếu mình hiểu và chịu đồng hành thì mỗi ngày của trẻ đều vui như trên ảnh”.

“Thấy sự “lột xác” của con qua ảnh, ba mẹ các bé đã chịu thay đổi những thói quen không tốt để giúp bé, như chịu chơi, nói chuyện với con, cùng con tập thể dục… Thời gian tới đây, tôi sẽ cố gắng đưa môn bóng rổ vào dạy để các bé có thể linh hoạt hơn, sau đó là chương trình giáo dục giới tính nữa”, anh Tuấn dự định.

MỚI - NÓNG