Nhiều vụ việc liên tiếp xảy ra: Chấn chỉnh trường học, đặt quyền lợi học sinh lên trên hết

TPO - Sau một số vụ việc giáo viên mắng chửi, túm cổ áo học sinh hay thậm chí mâu thuẫn với phụ huynh, nhà trường đình chỉ học sinh, sáng nay (5/10), Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu tất cả các trường học trong mọi tình huống phải đặt quyền lợi học sinh lên trên hết đồng thời thành lập đường dây nóng, hòm thư góp ý để nhanh chóng nắm bắt thông tin. 

Không chèn giờ học liên kết vào chính khóa

Ông Đào Tân Lý, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Hà Nội) yêu cầu các cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa phải thực hiện đầy đủ tiết học bắt buộc, không được cắt xén, giảm bớt chương trình đồng thời, phải đảm bảo thực hiện hết định mức làm việc của giáo viên phổ thông. Theo quy định hiện nay, giáo viên tiểu học dạy 23 tiết/tuần.

Theo đó, nhà trường phải phân công giáo viên thực hiện hết định mức này, tránh tình trạng giáo viên chưa hết định mức đã phải thực hiện ngoài giờ lên lớp. Hiệu trưởng có trách nhiệm khảo sát, tổng hợp nhu cầu tham gia hoạt động ngoài giờ chính khóa để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trên cơ sở đảm bảo tinh thần tự nguyện.

“Thời gian qua, dư luận phản ánh về việc triển khai hoạt động ngoài giờ nhưng chưa đảm bảo tinh thần tự nguyện, khiến nhiều cha mẹ học sinh bức xúc. Do đó, các trường không xếp tiết hoạt động ngoài giờ xen vào giờ chính khóa nếu lớp đó không đủ 100% học sinh không tham gia", ông Lý nói.

Cũng theo ông Lý, việc sắp xếp các giờ học, hoạt động ngoài giờ và chính khóa thật sự phù hợp, không được gây quá tải hay áp lực cho học sinh. Các trường có thể đưa ra nhiều nội dung, chương trình nhưng cần khuyến cáo để học sinh chọn 1-2 nội dung đảm bảo vừa sức. Ngoài ra, triển khai các tiết học tăng cường như giáo dục STEM, ông Lý cho rằng, bản chất đây là pháp dạy học, không phải nội dung dạy học do vậy chương trình phù hợp, nhà trường mới áp dụng, không nhất thiết tất cả đều quy vào STEM, gây lãng phí.

Chỉ đạo này được đưa ra trong bối cảnh đầu năm học mới, nhiều phụ huynh phản ánh việc nhà trường chèn môn liên kết vào giữa giờ học chính, khiến phụ huynh phải đăng ký 100%. Vì nếu không đăng ký, học sinh sẽ phải lang thang ngoài cửa lớp, sân trường.

Không ngồi phòng lạnh chỉ đạo

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chia sẻ, đầu năm học mới ngành đã có văn bản hướng dẫn, triển khai, quán triệt từng nội dung cụ thể để cơ sở giáo dục triển khai. Tuy nhiên, Thủ đô Hà Nội có số lượng trường học lớn, học sinh đông (gần 2,3 triệu), bên cạnh những nhà giáo tâm huyết, trường học nỗ lực dạy học vẫn có nơi để xảy ra một số sự việc đáng tiếc.

Ví dụ như: sự việc ở trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn chỉ vì một chiếc bánh học sinh đặt sai, giáo viên có cách hành xử không đúng mực; hay sự việc giáo viên mắng chửi học sinh ở Trường THPT Phan Huy Chú, huyện Thạch Thất, giáo viên bạo hành trẻ ở Gia Lâm… Các việc kể trên khiến dư luận bức xúc, ngành cũng bị ảnh hưởng. Hiện tại, các trường đang chờ cơ quan công an xem xét và ngành sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định.

Nhiều vụ việc liên tiếp xảy ra: Chấn chỉnh trường học, đặt quyền lợi học sinh lên trên hết ảnh 1

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu chỉ đạo các trường học.

Theo ông Cương, tất cả các sự việc, tình huống trong nhà trường, đối với học sinh yêu cầu phải đặt quyền lợi học sinh lên trên hết. Không vì bất cứ lý do gì, giáo viên hay quản lý trường học có thể có những lời nói xúc phạm, hành động “cho dừng học” như sự việc ở Trường THPT Lạc Long Quân vì mâu thuẫn với phụ huynh mà đình chỉ việc học của học sinh.

"Trong các trường học có khẩu hiệu: Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm và tôi cho rằng, cần đưa chữ tình thương lên đầu tiên. Hơn ai hết, trong trường học, thầy cô phải thương học trò và có ứng xử phù hợp”, ông Cương nói.

"Trong các trường học có khẩu hiệu: Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm và tôi cho rằng, cần đưa chữ tình thương lên đầu tiên. Hơn ai hết, trong trường học, thầy cô phải thương học trò và có ứng xử phù hợp. Tất nhiên, học trò vi phạm kỷ luật vẫn phải xử phạt trên tinh thần răn đe, giáo dục vì trường học là môi trường giáo dục học sinh nhằm hướng các em rèn luyện nhân cách tốt đẹp hơn”, ông Cương nói.

Người đứng đầu ngành giáo dục Thủ đô cũng yêu cầu Phòng GD&ĐT các quận, huyện; các trường học phải làm tốt công tác cán bộ. Ở đâu lãnh đạo chỉ đạo thông suốt, tâm huyết với ngôi trường, giao việc rõ vai chắc chắn nơi đó phát triển.

“Hiệu trưởng cũng phải làm nhiệm vụ lên lớp giảng dạy theo số giờ quy định, không được coi mình là quản lý thì không đứng lớp nữa. Có như vậy, mới thấu hiểu và đánh giá được chất lượng trường học. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT cũng phải đi kiểm tra sâu, sát từng cơ sở giáo dục, không ngồi phòng máy lạnh để chỉ đạo. Khi cơ sở xảy ra sự việc mới biết là không được”, ông Cương yêu cầu.

Thấu hiểu công việc nhà giáo trong bối cảnh đổi mới với nhiều áp lực, thu nhập không đáp ứng nhu cầu chi tiêu cuộc sống, ông Cương đề nghị cơ sở giáo dục thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, nhân viên kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ.

"Cấm" sử dụng điện thoại trong giờ học

Chia sẻ về giải pháp trong việc ngăn ngừa các hành vi sai phạm của nhà giáo thời gian qua, theo ông Trần Thế Cương, các nhà trường cần thành lập đường dây nóng, hòm thư góp ý để kịp thời tiếp nhận, xử lý những sự việc có thể gây bức xúc, đồng thời cũng cần đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm an toàn, xây dựng văn hóa trường học.

Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, quy định hiện nay học sinh được dùng điện thoại phục vụ cho mục đích học tập hoặc phụ huynh tiện liên lạc đưa đón. Tuy nhiên, việc học sinh mang điện thoại vào lớp học, không ít em chơi điện tử, lướt mạng xã hội, xao nhãng học tập. Nên chăng, các nhà trường có nội quy, yêu cầu học sinh tắt điện thoại hoặc gửi vào địa điểm an toàn từ đầu giờ đến cuối giờ học mới lấy lại. Mọi nội quy, quy chế các trường làm sao đảm bảo việc dạy học hiệu quả nhất.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng thông tin, để chấn chỉnh kịp thời các vấn đề liên quan thu, chi; dạy thêm học thêm, trong thời gian tới sẽ thành lập các đoàn kiểm tra tình hình triển khai các nội dung kể trên và sẽ xử lý nghiêm các đơn vị xảy ra sai phạm.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.