Sáng 20/9, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, triển khai phương án, nhiệm vụ thi năm 2024.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, kỳ thi năm 2024 sẽ vẫn giữ ổn định như năm 2023 và là năm cuối cùng tổ chức kỳ thi theo phương thức cũ. Thí sinh là học sinh lớp 12 dự kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ thực hiện các bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 trong 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Trong đó bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Kỳ thi nhằm mục đích xét tốt nghiệp; đánh giá chất lượng dạy học ở bậc phổ thông và là căn cứ để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý các địa phương dù kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm luôn có lượng thí sinh đăng ký dự thi hơn 1 triệu em, huy động nhiều lực lượng cùng tham gia tổ chức và có lắm rủi ro đòi hỏi các địa phương tổ chức tránh tâm lý chủ quan.
TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, rút kinh nghiệm qua các năm tổ chức thi, kỳ thi tốt nghiệp năm 2023 Bộ GD&ĐT đã chủ động công bố đề thi minh hoạ sớm để học sinh, giáo viên chủ động ôn tập. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trước trong và sau kỳ thi. Các khâu trọng yếu trong công tác tổ chức thi bao gồm: ra đề, in sao, vận chuyển đề thi được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo an toàn.
TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT). |
"Để chuẩn bị cho kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung sửa một số điểm liên quan đến kỹ thuật, khắc phục hạn chế trong các khâu tổ chức kỳ thi", ông Chương nói.
Phương án thi từ năm 2025
Về phương án thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025, theo Bộ GD&ĐT mục đích tổ chức thi nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. Lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Về môn thi: Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức theo môn bao gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Tin học.
Trong đó, môn Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Nội dung thi, bám sát yêu cầu cần đạt về năng lực và kiến thức chủ yếu của lớp 12 trong chương trình GDPT mới. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực phù hợp với quy định và lộ trình triển khai chương trình GDPT 2018 của học sinh.
Phương thức xét tốt nghiệp là kết hợp giữa đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp.
Về lộ trình, giai đoạn 2025 - 2030 thí sinh vẫn sẽ thực hiện bài thi trên giấy; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính. Sau năm 2030 phấn đấu ứng dụng công nghệ thông tin tổ chức thi trên máy tính với các môn thi trắc nghiệm.
TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho rằng, phương án thi tốt nghiệp ảnh hưởng đến việc dạy học của học sinh, giáo viên các nhà trường do đó Bộ GD&ĐT cân nhắc, cẩn trọng, lấy ý kiến các chuyên gia, 63 Sở GD&ĐT.
Chương trình GDPT 2018 đánh giá theo chuẩn đầu ra hướng tới hình thành 5 phẩm chất, 10 năng lực của học sinh tuy nhiên khó có thể đánh giá hết tất cả năng lực qua bài thi trên giấy. Cho đến thời điểm này, các bài thi trên giấy đều tập trung vào đánh giá năng lực đặc thù gắn với mục tiêu quan trọng của bậc THPT đó là định hướng nghề nghiệp.