Đối thoại với người từng “móc túi” doanh nghiệp ở cửa khẩu:

Nhiều vấn đề khó nói lắm

Nhiều vấn đề khó nói lắm
TP - Phóng viên Tiền Phong có cuộc đối thoại thẳng thắn với nhân viên hải quan, đội làm thủ tục nhập khẩu từng có hành vi móc túi doanh nghiệp. Sau đây là lược ghi từ cuộc đối thoại.

>> Bấm vào đây để nghe cuộc phỏng vấn
>> Thực hiện ngay việc rà soát lại các thủ tục về hải quan
>> Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xử lý cán bộ hải quan móc túi
>> Video clip: Nhân viên hải quan nhận tiền và mắng dân

Nhiều vấn đề khó nói lắm ảnh 1
Bài báo đăng trên Tiền Phong ngày 1/6/2009 phanh phui nhân viên hải quan nhận tiền thu hút sự chú ý lớn của độc giả. Ảnh: TP

- Phóng viên (PV): Các anh có cảm thấy áy náy khi nhận tiền của doanh nghiệp?

- L.V.H. N (Kiểm tra viên, cửa số 10): Có ghi âm không?

- PV: Điều đó không quan trọng.

(…)

- PV: Anh bình luận thế nào về việc nhân viên hải quan nhận tiền của doanh nghiệp?

- L.V.H.N: Bàn tay có ngón ngắn ngón dài, có người này người khác. Có người đòi hỏi, có người không đòi hỏi. Trong một xã hội mà khi anh đi nhậu xong, dắt cái xe ra, anh bảo tính tiền đi. Nó bảo đây không tính tiền. Rồi dắt xe ra một phát ngon lành không trầy xước gì cả. Anh đưa tiền bồi dưỡng. OK ngay, không đáng bao nhiêu. Trong kinh tế thị trường, anh làm tốt cho tôi, tôi…

- PV: Đó là chuyện dắt xe, còn trong trường hợp này (nhân viên hải quan nhận tiền doanh nghiệp)?

- L.V.H.N: Có ai không biết đâu

- PV: Anh có cho những hành vi của các anh như thế (nhận tiền bất chính của doanh nghiệp) là nhận hối lộ?

- L.V.H.N: Người ta không gọi là nhận hối lộ. Xin phép, tôi không rành về lý luận gì cả nhưng tôi thấy hiện tượng đó là bo, bồi dưỡng. Hối lộ theo giải thích chính xác là người có chức có quyền nhận hối lộ và người đưa hối lộ nhận được lợi ích gì đó trong vấn đề đó. Đằng này vẫn bình thường, không có gì hoạnh họe. Hiện tượng như thế không có gì là hối lộ.

Nhiều vấn đề khó nói lắm ảnh 2
Một kiểm tra viên luồn tay lấy tiền kẹp trong tập hồ sơ khai hải quan của doanh nghiệp để dưới ngăn kéo bàn làm việc

- PV: Theo anh, việc đó …

- L.V.H.N: Việc đó là sai rồi (nghe điện thoại). Hiện tượng đó luật pháp không cho phép, cả cơ quan không cho phép.

- PV: Biết không cho phép nhưng vẫn làm?

- L.V.H.N:  Có nhiều vấn đề … (im lặng hồi lâu ). Khó nói lắm.

- PV: Anh thấy nhận tiền như thế có chính đáng ?

- L.V.H.N: Xấu hổ lắm chứ. Xấu hổ lắm chứ. Xấu hổ chứ! (…) Đâu phải cái nào cũng nhận...

Ông hỏi nhiều câu khó trả lời

- PV: Trường hợp nào thì các anh nhận ?

- L.V.H.N: Bạn bè thân thiết với nhau. đưa tiền sau đó rủ đi nhậu. Mình lại trả tiền nhậu như vậy chẳng bao giờ không nhận. Bạn bè quá thân thiết rồi, đúng không? Nói chung là ông hỏi nhiều câu khó trả lời, trả lời mà ông đăng báo có phải chết tôi không.

- PV: Tiền nhận của doanh nghiệp, các anh có chia cho nhau, cấp dưới chia cho cấp trên?

- L.V.H.N: Không. Nhận tiền biết được là kỷ luật chứ sao lại chia?

- PV: Nhưng tôi thấy, ví dụ như trường hợp của người nhận tiền mà Tiền Phong phản ánh trong video clip, thể hiện rõ việc nhận tiền công khai chẳng lẽ nội bộ các anh không biết?

- L.V.H.N: Một số người biết thôi. Khi vào làm việc, mọi người mải làm. Chỉ có một số người làm lộ liễu. Có người kín đáo chứ không phải tất cả đều lộ liễu.

- PV: Tôi có cảm giác anh biện bạch cho hành vi  nhận tiền doanh nghiệp của các anh.

- L.V.H.N: Bao giờ cũng vậy, mẹ nào chả bênh con. Đồng nghiệp mình thì mình phải bênh. Mình nói xấu người ta thì coi như mình nói xấu mình.

- PV: Có những cái xấu mà tôi thấy anh vẫn làm đấy.

- L.V.H.N: Đúng, có thể là lúc không cầm lòng được ấy, những lúc mà bạn bè thân thiết đưa, thôi cứ cầm đi. Lâu lâu mới thử một lần. Mà đó là những bạn bè cực kỳ thân, mà lấy của tụi nó rồi khi rủ đi nhậu mình cũng trả hết.

- PV: Mỗi lần như thế các anh nhận khoảng bao nhiêu?

- L.V.H.N: (Im lặng lúc lâu) Video Clip anh thấy rồi. Đó là cao nhất đấy.

- PV: Tôi thấy là một chuyện, với chứng cứ  có được. Kể cả trường hợp của anh, tôi thấy rõ hết. Có điều, tôi muốn các anh tự nói ra điều đó thôi.

Nếu đưa lịch sự thì tôi nhận

- L.V.H.N: Dĩ nhiên là tôi chẳng giấu, không bao giờ tôi nói chả có, nhưng có thì nó tế nhị hơn, kín đáo hơn, bởi cái đó là không tốt, không đúng. Xấu hổ lắm chứ, phải giấu giếm.

Đâu phải hồ sơ nào cũng có đâu. Nếu đưa vào mà đưa lịch sự thì tôi nhận, còn đưa vào kiểu bố thí, thì quên đi, làm sao mà nhận được. Mình có lòng tự trọng cuả mình chứ, đúng không?

- PV: Tôi có nghe điều này, không biết đúng hay không nhưng cũng muốn được chia sẻ với các anh. Đó la, nếu hồ sơ nào đưa vào mà không kẹp tiền trong đấy thì gần như  bị ách tắc, ít nhất là cũng phải chờ đợi lâu. Anh nghĩ thế nào về ý kiến đấy?

- L.V.H.N: Chín người mười ý, nhưng có những trường hợp là chờ vì chưa tới số (thứ tự) thì phải chờ. Còn những bộ hồ sơ khai, chỉ cho họ khai thì người bảo mình bắt bẻ. Doanh nghiệp bây giờ quái lắm. Những người đi làm nhiều khi không phải của công ty mà làm dịch vụ (…).

Không phải hồ sơ nào cũng khai đúng đâu. Nếu tâm lý bị phải đưa tiền thì hoàn toàn không có nụ cười. Người ta vẫn vui vẻ cười đấy thôi. Như vậy là việc đưa (tiền) ấy không phải là hối lộ.

- PV: Nhưng tôi cũng nhìn thấy nhiều nụ cười gắng gượng, rất đau khổ, thậm chí bị quát mắng nhưng vẫn phải cười.

- L.V.H.N: Ví dụ một ngày mà ông mở năm trăm tờ khai, không nhẽ phải có bốn trăm lần chỉ (hướng dẫn)? Anh thử đặt anh vào trường hợp chịu áp lực của ngày làm việc như thế, nhất là sau những ngày lễ như 30/4. Việc dồn lại, mà phải làm hết việc, chứ không hết giờ. Mệt mỏi.

Có trường hợp giải thích, doanh nghiệp cố tình không hiểu, hoặc giả bộ ngây ngô không hiểu, cho nên phải to tiếng chứ làm sao không to tiếng được. (…) Đâu cũng có người xấu người tốt, đúng không. Mà anh đi làm nhà đất cũng thế, muốn cho nhanh chi ít tiền…

- PV: Ở đây các anh gọi khoản đó là tiền gì?

- L.V.H.N: Hồi nãy nói rồi, hiểu là tiền bo hay bồi dưỡng (…) chứ không phải hối lộ. Hối lộ thì phải thoả thuận.

- PV: Nói như thế, việc nhận tiền của các anh không vi phạm pháp luật?

- L.V.H.N: Vi phạm pháp luật có thể không có, nhưng vi phạm cơ quan là có. Chưa đến mức vi phạm pháp luật, pháp luật còn to hơn thế nữa. Biết là vi phạm rồi. Ai dám công khai, chỉ giấu giấu giếm giếm. 

Ngày 12/6, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh có văn bản do Cục trưởng Lê Kiên Trung ký, gửi Báo Tiền Phong thông báo về kết quả xử lý cán bộ công chức liên quan đến vấn đề “Móc túi ở cửa khẩu (Tiền Phong ngày 1/6/2009). Theo đó:

1.Kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức Nguyễn Huỳnh Bảo Khuyên. Tuy nhiên, công chức Nguyễn Huỳnh Bảo Khuyên trình bày đang mang thai. Khoản 6, điều 5, Nghị định số 35/2005/NĐ-CP, ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về việc xử lý cán bộ, công chức quy định: “Không áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với cán bộ, công chức nữ khi đáng có mang thai và cán bộ, công chức đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”. Vì vậy, Cục Hải quan Thành phố sẽ tổ chức kiểm tra sức khoẻ và báo cáo kết quả để Tổng cục Hải quan xem xét giải quyết.

2.Kỷ luật cảnh cáo đối với công chức Vũ Duy Thăng

3.Kỷ luật khiển trách đối với công chức Trần Hoàng Tâm

4.Chuyển công tác đối với ông Lê Trung Trực-Phó Chi cục Trưởng Hải quan Cửa khẩu Khu vực I và ông Tống Lê Dân-Đội trưởng Đội Thủ thục Nhập khẩu. 

Còn tiếp

Đại Dương
Thực hiện 

MỚI - NÓNG