> Uể oải như công sở 'ngái... nghỉ' sau ngày Tết
Ngày không hợp tuổi
Một số doanh nghiệp tư nhân rất thận trọng trong ngày làm việc đầu năm, trước khi tới trụ sở xông đất, một số lãnh đạo đi hết thầy này đến thầy khác để chọn giờ lành ngày tốt, xem tuổi, xem mệnh phù hợp mới quyết định khởi động ngày làm việc đầu năm.
Nhiều nhân viên của Cty Data Star… nằm trên phố Quang Trung đến trụ sở từ sáng sớm, rồi ngồi vỉa hè vật vã chờ cho đến 15 giờ vẫn không thấy ông chủ tới mở cửa xông đất nên đành bỏ về. Anh Nguyễn Minh T, nhân viên của Cty Data Star… cho hay, trước khi có kế hoạch nghỉ tết, lãnh đạo thông báo ngày mùng 8 (30-1) sẽ xông đất mở cửa nhưng kế hoạch lại bị thay đổi.
Theo anh Nguyễn Minh T, sau khi lãnh đạo đi coi bói và được phán rằng tuổi không thể xông đất vào ngày mùng 8, nên phải lui lại một hai hôm.
Anh Trần Văn Tuấn, Cty thiết bị Công nghệ Sinh học nằm trên đường Trung Hòa (Cầu Giấy), được thầy phán rằng, tuổi của vợ không hợp cho việc khai trương ngày mùng 8 và phải lùi lại đến ngày 12 mới được mở cửa. Toàn thể nhân viên sẽ được nghỉ thêm 3 ngày nữa.
Công sở, công ty nhà nước phải tuân thủ quy định, nên nhiều vị lãnh đạo nhờ người khác xông trụ sở hoặc không đến trụ sở vào hôm qua. Anh Trần Văn P, làm việc tại một đơn vị sự nghiệp hành chính trên địa bàn quận Ba Đình (Hà Nội) cho hay, anh được lãnh đạo nhờ mở cửa xông trụ sở và thay mặt lãnh đạo mừng tuổi cho cán bộ, nhân viên.
Điện không nghe, cửa không mở
Phòng công chứng số 4 TP Hà Nội ngày làm việc đầu năm chỉ có hai trường hợp đến giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Tuấn Nguyễn. |
Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, tại hầu hết các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính trong ngày làm việc đầu tiên không khí rất ảm đạm.
Tại phòng công chứng số 4 TP Hà Nội (tầng 1, N4D, đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân) suốt cả ngày 30-1 chỉ có hai trường hợp đến công chứng hợp đồng ủy quyền nhà đất của ông bà cho con cái của họ.
Buổi chiều không có trường hợp nào. “Thông thường phải 3 - 4 ngày sau người dân mới đến công chứng các loại giấy tờ. Chủ yếu là các thủ tục về hợp đồng mua bán nhà đất, thế chấp tài sản, giải quyết việc thừa kế” - ông Võ Đình Nho, Phó Trưởng phòng công chứng số 4 TP Hà Nội cho biết.
Trong khi đó, tại trụ sở tiếp dân phường Khương Đình (quận Thanh Xuân), chị Võ Thị Quyên, cán bộ tư pháp cho biết: buổi sáng tại đây có bốn người đến xác nhận sơ yếu lý lịch, đóng dấu chứng thực các bản sao, photocopy.
Buổi chiều có một người đến làm giấy chứng tử cho thân nhân. “Bây giờ mới đầu năm, người ta thường dành thời gian đi lễ chùa cầu may mắn, an lành. Thông thường sang tháng Hai âm lịch người dân mới đi công chứng các loại giấy tờ” – chị Quyên nói.
Cũng theo chị Quyên, nhiều nhất là dịp hè khi người dân có nhu cầu đi công chứng hồ sơ xin việc, và dịp cuối năm nhu cầu làm thủ tục kết hôn, chứng tử. Đầu năm, ở đây công việc khá nhàn rỗi.
Các ngân hàng, công ty, nhà máy,… phần lớn đã làm việc từ hôm thứ 7 (mùng 6 Tết). Chị Lan, phụ trách phòng nhân sự ở một ngân hàng trên phố Nguyễn Chí Thanh cho biết, tới 9h mọi người mới có mặt đông đủ để họp mặt tòan cơ quan đầu năm. Sau đó, xếp chúc tết mọi người, các phòng ban chúc lẫn nhau. Trưa, nhiều nhóm còn rủ nhau đi lễ chùa, rồi chúc nhau vài chén rượu cùng bánh kẹo ở phòng làm việc.