Bỏ bài kiểm tra 1 tiết
Thông tư số 26 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ tháng 10/2020 đã bổ sung một số điều về đánh giá, xếp loại học sinh. Theo đó, môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học: quy định có 2 điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên. Môn học có từ trên 35 tiết đến 70 tiết/năm học có 3 điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên. Môn học có từ trên 70 tiết/năm học có 4 điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên.
Trong mỗi học kì, một môn học có 1 điểm kiểm tra đánh giá giữa kỳ và 1 điểm kiểm tra đánh giá cuối kỳ; không còn điểm 1 tiết. Điểm trung bình môn học kì là trung bình cộng của điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên, điểm kiểm tra, đánh giá giữa kì và điểm kiểm tra, đánh giá cuối kì với các hệ số quy định. So với quy định hiện hành, tổng số đầu điểm kiểm tra đánh học sinh theo Thông tư 26 đã giảm, môn nhiều nhất cũng chỉ có 6 đầu điểm.
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Thông tư 26 là việc tăng cường khen thưởng toàn diện hoặc theo lĩnh vực nhằm khích lệ, động viên học sinh học tập và rèn luyện. Theo đó, ngoài danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến như hiện hành, còn có thêm danh hiệu học sinh đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện. Điều kiện để được công nhận học sinh giỏi cũng mở rộng khi đưa môn Ngoại ngữ vào vị trí tương xứng với môn Toán, Ngữ văn nhằm đẩy mạnh việc phát triển năng lực ngoại ngữ cho học sinh phổ thông, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của việc sử dụng ngoại ngữ trong cuộc sống.
Sẽ kiểm tra học sinh trên máy tính
TS. Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, trong năm học này, tất cả các môn học đều có đánh giá bằng nhận xét thay vì chỉ đánh giá bằng nhận xét ở một số môn học như trước đây. Giáo viên sẽ nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập. Học sinh sẽ được đánh giá nhiều lần, bằng nhiều hình thức khác nhau và có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân. Từ đó, kết quả của hoạt động kiểm tra, đánh giá sẽ sát thực với năng lực của học trò, giúp các em hình thành, phát triển được phẩm chất, năng lực cơ bản cần thiết trong cuộc sống.
Ngoài ra, điểm mới nữa cũng được áp dụng là các hoạt động đánh giá được cụ thể hóa hơn so với trước đây. Trong đó, kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua việc giáo viên hỏi - đáp; viết ngắn; thuyết trình; thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập gắn với chủ đề dạy học cụ thể.
Kiểm tra, đánh giá định kì gồm: kiểm tra, đánh giá giữa kì và kiểm tra, đánh giá cuối kì. Loại hình kiểm tra, đánh giá này cũng được đa dạng hóa thông qua bài kiểm tra (có thể thực hiện trên giấy, hoặc trên máy tính với thời gian từ 45 phút đến 90 phút, đối với môn chuyên tối đa là 120 phút); bài thực hành; dự án học tập.
Theo Vụ Phó Vụ Trung học - Sái Công Hồng, việc sử dụng hình thức kiểm tra, đánh giá thông qua bài thực hành, dự án học tập giúp mức độ đánh giá được rộng hơn, sâu hơn so với nội dung kiểm tra, đánh giá thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập trong đánh giá thường xuyên. “Tuy nhiên, trước khi thực hiện kiểm tra, đánh giá bằng sản phẩm học tập, bài thực hành, dự án học tập… giáo viên cần hướng dẫn và công bố công khai tiêu chí đánh giá trước cho học sinh, để bảo đảm khách quan, công bằng, tương đương về mức độ hay yêu cầu cần đạt so với các hình thức kiểm tra, đánh giá khác”, ông Hồng nói.
Năm học này, các nhà trường cũng lần đầu tiên áp dụng hình thức kiểm tra trên máy tính. Lãnh đạo Bộ lý giải, việc này nhằm tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin trong giảng dạy nói chung và hoạt động kiểm tra, đánh giá nói riêng. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ nên thực hiện ở những trường bảo đảm đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Do đó, việc áp dụng Thông tư này linh hoạt, không cứng nhắc khi sử dụng phương thức tổ chức bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ trên máy tính.