Nhiều rào cản, rủi ro trong tích tụ đất nông nghiệp

Quá trình tích tụ ruộng đất nông nghiệp còn hạn chế. ảnh: hồng vĩnh
Quá trình tích tụ ruộng đất nông nghiệp còn hạn chế. ảnh: hồng vĩnh
TP - Hội thảo “Rào cản trong phát triển thị trường đất nông nghiệp Việt Nam”, do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NTNT (Ipsard), Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 30/10, nhiều đại biểu cho rằng, quá trình tích tụ đất nông nghiệp còn hạn chế, do rào cản về thể chế, pháp lý và nhiều rủi ro.

Hà Nam là một trong những “điểm sáng”, trong việc thực hiện chương trình thí điểm tích tụ ruộng đất thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, với sự tham gia của nhiều DN lớn: VinGroup, Masan, Vinamilk, Vinaseed… Nói về chương trình này, ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nam cho biết, chính quyền cấp huyện, xã đứng ra thuê đất của nông dân trong thời hạn 20 năm trở lên, sau đó, tỉnh sẽ đứng ra ký hợp đồng cho DN thuê lại với giá và thời gian như đã ký với nông dân. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông dân vẫn giữ.

Cùng đó, để chia sẻ với DN, Hà Nam cũng thí điểm việc ứng ngân sách trả tiền thuê đất cho các hộ dân trong thời gian thuê đất 20 năm, sau đó DN trả tiền thuê đất 10 năm đầu ngay sau khi ký hợp đồng, sau 10 năm nộp trả hết số tiền thuê đất còn lại. Đến nay, Hà Nam đã quy hoạch 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích trên 650 ha, trong đó sản xuất trong khu nhà kính cho doanh thu 3-4 tỷ đồng/ha/năm, ngoài trời 1,2-1,4 tỷ đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, từ thực tế tích tụ ruộng đất ở địa phương, ông Ngọc cho biết: “Nhiều nông dân còn băn khoăn về chủ trương tích tụ ruộng đất, cho rằng cho thuê đất là mất đất, khi hết thời gian thuê đất DN trả lại đất thì mặt bằng ra sao có sản xuất được hay không”.

Trong khi đó, Luật Đất đai ràng buộc việc triển khai tích tụ ruộng đất, vừa khó cho cơ quan đứng ra thuê quyền sử dụng đất, DN ký hợp đồng thuê đất với tỉnh cũng nhiều băn khoăn, do dự về tính pháp lý của hợp đồng.

“Luật đất đai không quy định chính quyền được ký hợp đồng thuê đất của dân và không cho phép tỉnh ký hợp đồng cho thuê đất khi chưa có quyết định thu hồi bồi thường giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, Luật ngân sách không cho phép ứng tiền ngân sách để trả tiền thuê đất của dân sau đó thu của DN nhiều lần để hoàn trả. Mặt khác, quy định về hạn điền đã hạn chế việc các hộ dân đứng ra tích tụ, tập trung đất đai không được quá 10 lần…”, ông Ngọc chỉ ra những rào cản.
Từ thực tế trên, ông Ngọc cũng kiến nghị Chính phủ sớm phê chuẩn đề án thí điểm tích tụ, tập trung đất đai để thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Hà Nam và tỉnh Thái Bình. Theo đó, T.Ư cần xem xét, đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013. Bởi nếu để DN thỏa thuận với các hộ dân để thuê đất đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao như quy định của Luật sẽ rất khó thực hiện.

Ngoài ra, về việc đánh giá tác động môi trường cần nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục, phân cấp cho địa phương thẩm định với dự án nông nghiệp. “Chứ chuyển 10 ha đất lúa mà chuyển lên Bộ TN&MT giá thì không biết bao giờ xong, vì cứ lên Hà Nội là “tắc đường”, nên muốn cải cách để tốt hơn”- ông Ngọc nói.

Theo bà Trần Thị Thanh Nhàn (Viện Ipsard), diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam rất manh mún. Qua khảo sát, khoảng 70% thửa đất sản xuất nông nghiệp có diện tích nhỏ hơn 0,5ha, nhỏ hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, nhiều DN “khát” đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn…vẫn bế tắc trong tìm kiếm đất sạch đầu tư.

MỚI - NÓNG