Nhiều quy định “mở cửa” cho… thuốc lá lậu?

TP - Trong khi cuộc chiến chống thuốc lá lậu ngày càng khốc liệt, gian nan thì một số quy định lại bộc lộ bất hợp lý, thậm chí có dấu hiệu tạo khe hở cho buôn lậu thuốc lá gia tăng.

Buôn thuốc lá lậu đánh chết quản lý thị trường

Vụ việc chủ lô thuốc lá lậu ở Long An đã huy động 11 người khác cùng nhiều ghe máy đuổi theo quản lý thị trường cướp lại tang vật, đánh chết cán bộ quản lý thị trường vào đêm ngày 15/9/2016 đã tiếp tục cho thấy tính chất hết sức phức tạp, khó khăn trong việc chống lại nạn buôn lậu thuốc lá hiện nay. 

Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, qua một năm có dấu hiệu lắng dịu, sang năm 2016, tình hình buôn lậu thuốc lá lại bùng phát rất mạnh trở lại, đặc biệt là tại các tỉnh biên giới phía Tây Nam. Các hoạt động buôn lậu thuốc lá diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và việc vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu hoàn toàn công khai đã thực sự thách thức các nỗ lực chống buôn lậu.

Nhiều quy định “mở cửa” cho… thuốc lá lậu? ảnh 1

Thuốc lá lậu bị bắt giữ tại cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị. Ảnh: Minh Tuấn.

Theo quy định pháp luật hiện hành, sản phẩm thuốc lá điếu được sản xuất và kinh doanh hợp pháp phải chịu các mức thuế suất cao và ngày càng tăng, bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt 70% (và sẽ tăng lên 75% từ 01/01/2019), thuế nhập khẩu ưu đãi là 135% (đối với thuốc lá nhập từ nước ngoài), thuế giá trị gia tăng (10%), đồng thời còn phải chịu khoản đóng góp bắt buộc vào Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá là 1,5% (sẽ tăng lên 2% từ 01/5/2019). Ngoài ra, thuốc lá hợp pháp phải in cảnh báo sức khỏe, cả hình ảnh và chữ, chiếm ít nhất 50% diện tích của mặt chính trước và mặt chính sau trên bao, tút, hộp; phải tuân thủ giới hạn hàm lượng Tar và Nicotin, và phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Theo thống kê lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam trong ba năm 2012, 2013 và 2014 luôn ở mức rất cao, lần lượt là 20,1 tỷ điếu, 21,3 tỷ điếu và 19,8 tỷ điếu".

Những quy định trên làm cho kinh doanh thuốc lá nhập lậu trở nên đặc biệt hấp dẫn vì chi phí thấp do trốn nộp thuế và hút khách do không in hình cảnh báo. Do vậy sản phẩm thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam luôn ở mức rất cao, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 20% tổng lượng tiêu thụ sản phẩm thuốc lá tại Việt Nam. 

Theo thống kê của International Tax and Investment Center và Oxford Economics, lượng sản phẩm thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam trong ba năm 2012, 2013 và 2014 luôn ở mức rất cao, lần lượt là 20,1 tỷ điếu, 21,3 tỷ điếu và 19,8 tỷ điếu. Theo thống kê riêng Việt Nam, năm 2012, thất thu thuế ước tính là 6.500 tỷ đồng; năm 2013 lên tới 6.700 tỷ đồng và khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm gần đây.

Quy định “mở cửa” cho…thuốc lá lậu?

Trao đổi với Tiền Phong, Luật sư Vũ Cát Tường - Giám đốc Công ty Luật TC&Cộng sự cho rằng đang có mâu thuẫn lớn trong quy định về xử lý buôn lậu thuốc lá. Tại Nghị định 43/2009/NÐ-CP đã đưa “thuốc lá điếu nhập lậu” vào danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh. Tại Ðiều 9 của Luật phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 cũng quy định “mua bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá nhập lậu” là những hành vi bị nghiêm cấm. 

Tuy nhiên Luật Ðầu tư 2014 không quy định cấm đầu tư kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu trong khi lại quy định sản xuất kinh doanh thuốc lá điếu là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. “Ðiều này dễ gây hiểu nhầm là thuốc lá điếu nhập lậu không phải là hàng cấm mà thuộc ngành nghề có điều kiện và tạo ra khó khăn trong xử lý hình sự đối với kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu trong thực tiễn”, luật sư Vũ Cát Tường khẳng định. Bộ luật hình sự 2015 cần sửa đổi để quy định rõ thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm để có thể xử lý hình sự.

Nhiều quy định “mở cửa” cho… thuốc lá lậu? ảnh 2

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam hỗ trợ gia đình cán bộ Quản lý Thị trường tỉnh Long An hy sinh ngày 15/9/2016.

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 được thông qua có thay đổi không phù hợp với thực tế so với BLHS năm 1999. Cụ thể, các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm được BLHS 2015 điều chỉnh tại Ðiều 190 và 191 đã bỏ quy định về số lượng mặt hàng phạm pháp theo các tiêu chí: lớn, rất lớn, và đặc biệt lớn khi xác định tội danh và khung hình phạt như vốn đã quy định trước đây tại BLHS 1999. Thông tư liên tịch số 36/2012 quy định đối với thuốc lá điếu nhập lậu, số lượng từ 1.500 bao đến dưới 4.500 bao được coi là số lượng lớn và có thể bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên vướng mắc xảy ra khi tại BLHS 2015, hàng cấm bao gồm thuốc lá điếu nhập lậu muốn xử lý hình sự thì giá trị hàng phạm pháp tổi thiểu phải bằng 100 triệu đồng. Mức 100 triệu đồng này được Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho là quá cao so với quy định cũ. Nếu tính giá do các đối tượng buôn lậu bán buôn trung bình đối với 2 loại thuốc lậu chủ yếu là Jet và Hero hiện ở mức khoảng 15.000 đồng/bao thì 1.500 bao sẽ chỉ tương đương 22,5 triệu đồng! Như vậy để có thể xử lý hình sự theo BLHS 2015, lượng hàng lậu bắt được phải lớn hơn 4,4 lần số lượng theo quy định cũ!

Quy định xử lý hình sự căn cứ trên giá trị hàng cấm tại BLHS 2015 đang đi ngược lại với chính sách tăng cường các biện pháp chống buôn lậu thuốc lá trong thời gian gần đây. Chỉ thị số 30/CT-TTg năm 2014 đã nêu rõ một nguyên nhân của tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra nghiêm trọng là do “các chế tài xử lý chưa mang tính răn đe” và yêu cầu sửa đổi quy định “theo hướng quy định giảm số lượng bao thuốc lá nhập lậu làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự”. 

Tại Nghị định 124/2015 thì “hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên (so với mức 1.500 bao tại Thông tư liên tịch số 36 ở trên) thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng để truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Ngoài ra, quy định cơ sở định tội và định khung dựa trên giá trị hàng cấm dẫn đến yêu cầu phải định giá hàng cấm mới có thể xử lý hình sự. Trong khi đó về bản chất, thuốc lá nhập lậu là mặt hàng cấm, do vậy các giao dịch đối với mặt hàng này đều không hợp pháp, và không được pháp luật công nhận. 

Bộ luật Dân sự cũng quy định rõ rằng, giao dịch dân sự “có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của luật” thì vô hiệu. Vì vậy, việc định giá hàng cấm như quy định tại BLHS 2015 là không đảm bảo nguyên tắc “bảo đảm tính khả thi” của pháp luật. Hơn nữa, nếu thực hiện, việc định giá để xác định giá trị hàng phạm pháp là thuốc lá lậu phục vụ mục đích xử lý hình sự này sẽ phức tạp, mất thời gian và tốn kém hơn nhiều so với việc xác định theo số lượng bao trước đây.     

Tỉ lệ các thành phần độc hại (như coumarin, cadimi) trong khói thuốc lá Jet và Hero (hai loại thuốc lá nhập lậu chiếm 80-90% tổng lượng thuốc lá lậu tại Việt Nam) có hàm lượng vượt quá mức cho phép của Bộ Y tế. Lượng cadimi trung bình của 54 nhãn hiệu thuốc lá điếu hợp pháp lấy mẫu là 1,48 mg/kg. Trong khi đó, hàm lượng cadimi trong Hero là 2,69mg/kg và Jet là 2,11mg/kg. Tại Việt Nam, Coumarin đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong thực phẩm nhưng  vẫn đang hiện diện trong thuốc lá nhập lậu.  

(Báo cáo của Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an và Viện Thuốc lá)

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.