Nhiều 'ông lớn' ách tắc cổ phần hóa vì sở hữu quá nhiều quỹ đất

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam còn 301 địa chỉ chưa hoàn thành
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam còn 301 địa chỉ chưa hoàn thành
TPO - Các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa quy mô lớn như VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Mobifone… hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để xác định giá trị doanh nghiệp.

“Không dám làm, không muốn làm”

Đề cập đến hiện trạng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Kiểm toán nhà nước (KTNN) Khu vực V cho biết, trong giai đoạn 2017 – 2020, có 127 DNNN phải thực hiện cổ phần hóa và hoàn thành trong năm 2020. Trong đó các tỉnh, thành chiếm 70,4% và các bộ, ngành chiếm khoảng 29,6%. Tuy nhiên, đến tháng 7/2020 mới tiến hành cổ phần hóa được 37 DNNN, bằng 28% kế hoạch đề ra. Số đơn vị còn phải thực hiện trong năm nay là 91 doanh nghiệp.

Những địa phương, bộ ngành có nhiều DNNN phải sớm hoàn thành cổ phần hóa, như: TP.HCM 38 doanh nghiệp (trong đó có 11 Tổng công ty), thành phố Hà Nội có 13 doanh nghiệp (gồm 4 tổng công ty), Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có 6 doanh nghiệp (gồm 3 tập đoàn và 3 tổng công ty); Bộ Công Thương có 4 tổng công ty…

Theo cơ quan kiểm toán, một số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa quy mô lớn như: VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Mobifone, Argibank… hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp (GTDN).

Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa trong giai đoạn này có quy mô lớn, phức tạp về tài chính, nhiều đất đai, phạm vi hoạt động rộng nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất đai, xác định GTDN có khó khăn, vướng mắc, thời gian thực hiện kéo dài nên khó hoàn thành theo kế hoạch. Điển hình như Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Ngoài ra, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong việc sắp xếp, xử lý, phê duyệt phương án sử dụng nhà đất còn chưa tốt. Thậm chí có tình trạng sợ trách nhiệm, để kéo dài, nhiều thủ tục hành chính làm tăng thời gian xử lý.  Điển hình như Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam chưa thể phê duyệt phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất của công ty mẹ nên đề nghị lùi thời điểm xác định GTDN về ngày 1/10/2021.

Tương tự, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam mới phê duyệt được 93% địa chỉ nhà đất, còn 301 địa chỉ chưa hoàn thành; Tổng Công ty lương thực Miền Bắc gửi phương án sử dụng đất cho các tỉnh, thành phố từ gần 1 năm vẫn chưa được phê duyệt...

“Những người chịu trách nhiệm chính về thực hiện CPH chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện, còn hiện tượng không dám làm, không muốn làm, lấy lý do khó khăn, vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện”, Kiểm toán nhà nước cho hay.

Nhiều 'ông lớn' ách tắc cổ phần hóa vì sở hữu quá nhiều quỹ đất ảnh 1 Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam chưa thể phê duyệt phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất của công ty mẹ nên đề nghị lùi thời điểm xác định GTDN về ngày 1/10/2021.

Xác định giá trị tăng thêm hàng nghìn tỷ

Trong nhiều năm qua, KTNN đã thực hiện kiểm toán công tác cổ phần hóa đối với nhiều doanh nghiệp, trong đó có những DNNN lớn như Công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty: Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển khu công nghiệp và đô thị Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Becamex…

Từ ngày Nghị định 126/2017/NĐ-CP có hiệu lực, KTNN có trách nhiệm kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi định giá đối với các doanh nghiệp: Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước; các DNNN có vốn nhà nước từ 1.800 tỷ đồng trở lên; các công ty TNHH một thành viên cấp II có vốn chủ sở hữu từ 1.800 tỷ đồng trở lên; các công ty TNHH một thành viên khác khi có yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ hoặc đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Ngoài ra, tuy không thuộc nhiệm vụ của KTNN, nhưng theo yêu cầu của các bộ ngành, địa phương, KTNN cũng đã thực hiện kiểm toán quyết toán phần vốn nhà nước tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần.

Đáng lưu ý, qua thực hiện kiểm toán, KTNN đã xác định GTDN tăng thêm so với giá trị do đơn vị tư vấn đề nghị là hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng ở mỗi DNNN.

MỚI - NÓNG