Nhiều nơi mở hội du xuân

Nhiều nơi mở hội du xuân
TP - Những ngày này, ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, người dân vui mừng du xuân, tham gia nhiều lễ hội ở địa phương đầy ý nghĩa.

> Yên Tử tưng bừng khai hội
> Biển người 'rước dâu' Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn

Yên Tử khai hội trước một ngày

Ngày 18-2, tại chùa Trình, Phương Đông, TP Uông Bí (Quảng Ninh), UBND tỉnh Quảng Ninh, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh tổ chức khai hội Yên Tử năm 2013.

Khác với thường lệ, Lễ hội Xuân Yên Tử 2013 khai mạc vào 20 giờ, ngày 18-2, sớm hơn 1 ngày so với mọi năm. Theo Ban tổ chức Lễ hội, một trong những lý do của việc khai hội sớm hơn một ngày là để đồng thời đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt của Chính phủ cho Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử.

Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan dự, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thay mặt Chính phủ trao tặng bằng di tích đặc biệt cho tỉnh Quảng Ninh cùng hàng nghìn du khách nhân dân tham dự buổi Lễ.

Với việc Yên Tử được trao bằng công nhận Di tích đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh có ba danh thắng được công nhận là di tích đặc biệt là Yên Tử, vịnh Hạ Long, bãi cọc Bạch Đằng.

Sau đêm khai hội, sáng 19-2 tại nhiều địa điểm khác trong khu danh thắng còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi động khác, chào mừng du khách, tăng ni, phật tử về với Yên Tử - từng được coi là Trung tâm Phật giáo Việt Nam, với Thiền phái Trúc Lâm nổi tiếng do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập và cũng là đệ nhất sư tổ.

Ông Nguyễn Trung Hải – Trưởng Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết, từ mùng 1 đến 6 Tết Yên Tử đã đón trên 150.000 khách, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, đêm khai hội thu hút khoảng 10.000 du khách, tăng ni, phật tử.

Nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách đến với Yên Tử, Công an TP Uông Bí sẽ bố trí thêm lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát kinh tế, hóa trang, mật phục tại những khu vực như chùa Trình, suối Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Đồng, ga cáp treo…, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực.

Theo Ban tổ chức, ngay trong buổi sáng ngày 18-2, đã có hàng ngàn du khách, và phật tử hành hương tới danh thắng Yên Tử.

Rước Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn

Hàng ngàn người dân vùng Sơn cước Tây Bắc và du khách thập phương tụ về ven sông Hồng đoạn chảy qua xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái tham dự lễ rước Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn (Mẹ Rừng) trong Lễ hội Sông Hồng năm 2013 vừa khai mạc sáng qua (18-2-2013).

Rước mẫu Đệ nhị Thượng ngàn ở Yên Bái. Ảnh: Tùng Duy
Rước mẫu Đệ nhị Thượng ngàn ở Yên Bái. Ảnh: Tùng Duy.

Lễ hội đền Đông Cuông nằm trong vùng Lễ hội Sông Hồng giàu bản sắc tâm linh và giá trị lịch sử chống giặc ngoại xâm được Yên Bái tổ chức hằng năm vào ngày Mão đầu tiên năm mới sau Tết Nguyên đán.

Đền tọa lạc bên bờ sông Hồng có non nước hữu tình, nổi tiếng linh thiêng trong hành trình cầu lộc cầu may của du khách và còn nguyên giá trị lịch sử, đậm chất thượng võ của đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao... Đền thờ Cao Quan Đại Vương, người đã có công chu du thiên hạ tìm phương thuốc quý để chữa bệnh cho nhân dân, khi mất lại linh ứng ngầm theo giúp các vị tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm.

Dân suy tôn, lại được vua ban sắc phong là Thần vệ quốc và đã hoá thân thành Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn (Mẹ Rừng).

Tương truyền vào khoảng cuối thế kỷ thứ 12, nghĩa quân của tướng Hà Đặc chống quân Nguyên Mông và bị thua trận, khi chạy đến nơi này, vì không muốn rơi vào tay giặc, tướng Hà Đặc đã nhảy xuống sông Hồng tự vẫn. Chính bởi vậy mà lễ rước mẫu qua sông đền Đông Cuông có từ đấy.

Một thủ lĩnh nữa họ Hà người Tày Khao được vua giao trấn giữ vùng này (Châu Quy Hóa) nổi tiếng thượng võ lập nhiều chiến công đánh giặc, sau mất đi được dân lập miếu Ghềnh Ngai bên kia sông Hồng (còn gọi là Đức Ông, chồng Bà Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn).

Lễ rước mẫu qua sông về miếu Ghềnh Nhai với nhiều nghi thức độc đáo, thành kính, trang trọng như cách con cháu tổ chức lại đám cưới hằng năm cho Bà Mẫu và Đức Ông.

Du khách đến nơi này đầu xuân có cơ hội hiểu sâu hơn về cội nguồn lịch sử, về truyền thống thượng võ của một vùng đất giàu truyền thống yêu nước chống xâm lăng.

Nhiều hoạt động lễ hội hấp dẫn du khách như treo giết trâu trắng khao quân, đua thuyền, đánh đu, kéo co, ném còn và tận hưởng ẩm thực Tây Bắc với các sản vật núi rừng.

Xứ Lạng mở hội xuân biên giới

“Hội Đồng Đăng” được mong chờ, tấp nập nhất trong mùa xuân, Lễ hội này được khai mạc hôm nay (19-2), mỗi năm đều có tới gần 10 vạn người tham dự.

Năm nay, thời tiết nắng ấm, chiều 18-2, đã có hàng nghìn khách thập phương đến chợ Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn), mua sắm; các loại đặc sản miền núi bán chạy, như: Mộc nhĩ, nấm hương, mật ong rừng, rau cải làn, cải ngồng. Khách các tỉnh: Hà Nội, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh mua nhiều, chất lên ô tô, mang về xuôi, làm quà cho người thân.

Một trong những nơi thu hút số lượng lớn người ghé qua, đó là đền Mẫu; trong thời điểm này, đông kín người đến cúng lễ, lấy lộc, cầu may. Các buổi tối, nhà đền tổ chức Lên đồng rất sôi động.

Lễ hội Đồng Đăng được coi là Lễ hội của tình hữu nghị. Các năm, đều có tới 4-5 vạn người, phần đa là thanh thiếu niên thuộc các địa phương: Nàm Chàm, Bằng Tường, Sùng Tả, Nam Ninh (thuộc Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc), sang vui xuân đón tết. Họ mua các loại hoa tươi của Việt Nam về lấy may.

Nhiều bà con Hoa kiều trước ở Đồng Đăng, nay trở về thăm thân, chúc tết. Ông Hứa Ngọc Minh, trú tại khu Lò Rèn, cho biết: Gia đình đã quay một con lợn chừng 40 kg, làm gần chục mâm cơm để khoản đãi bạn bè, người thân. Ông cho biết, nhiều cô dì, chú bác của gia đình từ Trung Quốc, Anh, thường về gia đình thắp hương, cúng tổ tiên trong dịp này.

Tại khu đền làng Tà Lài, cách Đồng Đăng không xa về khu vực biên giới, thuộc xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, ngày 17-2, có đông người dân từ bên kia biên giới sang dự hội bằng “giấy thông hành”.

Tại đây, người dân địa phương bán nhiều sản vật mang hương vị tết như: Thịt lợn quay nhồi lá mác mật, bánh Khẩu Sli, bánh Phồng phềnh, rượu men lá, mía mềm Thụy Hùng.

Lễ hội Đồng Đăng và Tà Lài, sôi động với những màn múa sư tử, các hoạt động thể thao dân tộc và hát Sli, hát Lượn. Nhân dịp này, các địa phương tổ chức Đại hội Thể dục thể thao cấp cơ sở và phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Nông dân đua tài trên lưng ngựa

Sáng 18-2, tại di tích lịch sử văn hóa quốc gia địa đạo gò Thì Thùng (xã miền núi An Xuân, huyện Tuy An, Phú Yên) sôi nổi diễn ra hội đua ngựa truyền thống với sự cổ vũ của hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh.

32 kỵ mã là những nông dân đến từ 5 xã An Xuân, An Lĩnh, An Thọ, An Hiệp và An Cư. Vì không chuyên nghiệp và không tập luyện thường xuyên nên trong cuộc đua có lúc “ngựa một nơi, nài một nẻo” nhưng cuộc đua vẫn hấp dẫn.

Chung cuộc, kỵ sĩ nông dân Lê Văn Thu với kỵ mã số 1 (xã An Hiệp) đoạt giải nhất; kỵ sĩ Nguyễn Văn Thành, ở xã An Xuân đoạt giải nhì; đồng giải ba thuộc về các kỵ sĩ Vũ Hồng Hưng và Võ Đông Lưu (xã An Xuân).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG