Nhiều nơi dùng chất độc tạo nạc

Nhiều nơi dùng chất độc tạo nạc
TP - “Qua kiểm tra phát hiện nhiều nơi người nuôi lợn dùng chất độc tạo nạc. Cuối tháng 3 sẽ có thông tin tỷ lệ thịt nhiễm độc trên thị trường, khi đó sẽ công khai cho dân biết”.

> Chất tạo nạc bán tràn lan tại Đồng Nai
>Phát hiện gần 2,5 tấn chất tạo nạc cho lợn
>Kinh hoàng heo siêu nạc

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết như vậy khi trả lời báo chí chiều 13-3.

Quản lý thị trường Đồng Nai kiểm tra phát hiện thức ăn gia súc có thành phần chất tạo nạc tại Cty Thiên Hưng Phát Ảnh: Mạnh Thắng
Quản lý thị trường Đồng Nai kiểm tra phát hiện thức ăn gia súc có thành phần chất tạo nạc tại Cty Thiên Hưng Phát Ảnh: Mạnh Thắng.

Giá lợn giảm vì chất tạo nạc

Ông Nguyễn Thanh Sơn, cho biết thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện ở một số đại lý bán thuốc thú y, cơ sở chăn nuôi lợn, sử dụng một số chất cấm. Kết quả kiểm tra vừa rồi số mẫu còn nhỏ, chưa thể kết luận được thịt bán ra thị trường là 30 hay 40% có chất kích thích tăng trọng. Tuy nhiên, thông tin trên, khiến giá lợn giảm từ 10-15% so với thời điểm sau Tết.

Cục Thú y, Cục Chăn nuôi đang tiếp tục kiểm tra, lấy mẫu phân tích, đánh giá, và công khai tỷ lệ thịt lợn trên thị trường nhiễm chất độc hại ra sao cho người tiêu dùng biết. Theo kế hoạch, cuối tháng 3, chúng tôi sẽ có kết quả.

Thưa ông, hiện loại chất cấm nào đang sử dụng phổ biến trong chăn nuôi?

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, lực lượng này đang tập trung phối hợp với các đơn vị chức năng khác, tập trung kiểm tra 4 địa phương có sử dụng chất cấm là Đồng Nai, TPHCM, Bình Dương, Bình Phước.

Với một số chất chúng tôi thu giữ được, đang quá trình kiểm tra, phân tích.

Người dân nên hết sức thận trọng, cần mua thịt ở địa chỉ tin cậy, nhất là ở những vùng đã phát hiện chất cấm trên.

Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 54 (năm 2010), quy định chi tiết về quy trình kiểm tra các chất tồn dư, trong đó có ba chất rất quan trọng là Salbutamol, Clenbutarol và Ractobamine.

Đây là những chất tạo nạc, ít nước sử dụng, và chúng ta đều cấm. Trong đó, hai chất Salbutamol và Clenbutarol đều thuộc nhóm Beta agonits, rất độc hại.

Hằng năm, chúng tôi đều kiểm tra, đánh giá về tình hình sử dụng chất này, nhưng tỷ lệ không đáng kể. Gần đây, một số mẫu của cơ quan chức năng lấy phân tích, phát hiện tỷ lệ khá cao, nhưng số mẫu còn nhỏ.

Các mẫu (máu, nước tiểu) chủ yếu lấy ở các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, người dân bỏ trực tiếp vào thức ăn cho lợn. Còn các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn, qua kiểm tra đều không phát hiện các chất trên. Tuy nhiên, điều nguy hại hiện nay là có hiện tượng một số thương lái, khuyến khích người chăn nuôi sử dụng chất cấm tạo nạc.

Làm sao để phát hiện được thịt lợn có sử dụng chất cấm trên thị trường, thưa ông?

Nếu nhìn bằng mắt thường rất khó phát hiện. Không phải thịt nạc nhiều, đều là sử dụng chất cấm. Với những giống lợn hiện nay, tỷ lệ nạc có thể tới 64%, tỷ lệ mỡ rất ít. Tuy nhiên, thông thường, thịt lợn nếu sử dụng chất cấm, có màu đỏ khác thường.

Lo mất thị trường xuất khẩu

Thưa ông, vừa rồi, Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thịt từ Việt Nam, liệu có ảnh hưởng tình hình chăn nuôi trong nước?

Đây là tin không vui với người chăn nuôi. Thời gian qua, chúng ta không xuất chính ngạch sản phẩm thịt sang nước bạn, nhưng có xuất qua tiêu ngạch từ 2.000-5.000 tấn, chủ yếu thịt lợn.

Con số này chiếm 0,5-1% tỷ lệ thịt sản xuất trong nước, nên không ảnh hưởng lớn tình hình sản xuất trong nước. Tuy nhiên, vấn đề này có thể gây tâm lý, khiến các thương lái có thể ép giá người chăn nuôi, nhất là khi nguồn cung trong nước dồi dào.

Ngoài ra, phía bạn cũng cấm thịt tạm nhập tái xuất từ Việt Nam sang, ít nhiều ảnh hưởng tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp. Dẫu vậy, số lượng này cũng chỉ vài ba chục nghìn tấn mỗi năm.

Có phải Trung Quốc dừng nhập khẩu thịt của Việt Nam vì chúng ta có sử dụng chất siêu nạc?

Trong văn bản của họ, có nêu lý do là Việt Nam đang có dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Họ cũng không khẳng định là chúng ta có hiện tượng chăn nuôi sử dụng chất cấm. Thực tế, phía Trung Quốc, cũng phát hiện có những nơi sản xuất, sử dụng lén lút chất cấm, và họ xử lý rất triệt để.

Trung Quốc dừng nhập thịt của ta như vậy, liệu có ảnh hưởng thị trường xuất khẩu thịt của Việt Nam?

Hiện chúng tôi mới nhận được văn bản phía Trung Quốc. Đối với các thị trường truyền thống mà chúng ta xuất sang (chủ yếu là lợn choai, lợn sữa) như Hồng Kông, Malaysia, Đài Loan chưa có phản ứng gì.

Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta phải có những biện pháp quyết liệt, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ việc sử chất cấm, vì có thể ảnh hưởng những thị trường truyền thống nói trên.

Trước tình hình trên, Việt Nam có động thái gì với phía Trung Quốc khi họ xuất thịt sang nước ta?

Thực tế, Việt Nam cũng nhập khẩu thịt từ Trung Quốc chủ yếu qua tiểu ngạch, thậm chí có lúc nhập lậu, khó kiểm soát. Trong quan hệ thương mại, nhiều nước cũng sử dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản phẩm trong nước.

Hiện các cơ quan chuyên môn của Việt Nam cũng đang nghiên cứu, nhất là khi phía bạn công bố có thông tin việc buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tuy nhiên, việc này cần phải cân nhắc và uyển chuyển.

Ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?

Các loại chất độc tạo nạc nằm trong nhóm Beta Agonists có khả năng làm giảm lượng mỡ của cơ thể, kích thích phát triển cơ ở gia súc (lợn, cừu) và gia cầm. Việc sử dụng trái phép này trong thức ăn chăn nuôi (nhất là nuôi lợn) dẫn đến việc tồn dư các chất này trong sản phẩm động vật thịt nạc có màu đỏ và đẹp hơn.

Người tiêu dùng ăn các sản phẩm có hoóc môn trên, làm tim đập nhanh, rung cơ, hồi hộp lo lắng, và ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất; người ăn sẽ bị ngộ độc, nếu nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.