Nhiều nhóm trấn lột giả danh công an
> Đóng giả công an 'giải cứu' con bạc
> Giả công an, lừa đảo tiền chạy án
> Giả công an lừa tình, cưỡng dâm hàng chục nữ sinh
Nhiều đối tượng đã lợi dụng việc mua bán trang phục, công cụ hỗ trợ của ngành công an quá dễ dàng để đóng giả cảnh sát nhằm cưỡng đoạt tài sản của người dân.
Hiện nay, hành vi này ngày càng gia tăng, gây lo âu trong xã hội.
Xét xử 4 đối tượng giả danh cảnh sát cơ động cưỡng đoạt tiền của dân. |
Nhan nhản trang phục công an giả
Qua khảo sát của phóng viên, trên thị trường bình xịt hơi cay hiện có giá 350.000 đồng, súng bắn điện loại có bề ngoài không khác xa là mấy so với khẩu súng K59 thông thường có giá 2,5 triệu đồng. Còn loại roi điện kiểu dáng bao thuốc lá, điện thoại di động có giá 800.000 đồng. Để chứng minh hàng xịn, nhiều đầu nậu còn tuyên bố bảo hành các sản phẩm từ 6 – 12 tháng với lời khẳng định chắc nịch về mức độ sát thương cực cao... |
Khi một số đối tượng giả danh công an bị bắt, hầu hết các đối tượng đều khai con đường dẫn đến phạm tội của họ lại hết sức đơn giản: Do thấy việc mua bán quân phục, cảnh phục cùng các công cụ hỗ trợ của công an quá dễ dàng.
Đến phố Lê Duẩn (Hà Nội), chỉ cần lượn xe đoạn từ Ga Hà Nội đến ngã tư Lê Duẩn – Khâm Thiên, hỏi bất cứ cửa hiệu đặc chủng “quân phục” nào, ra yêu cầu sẽ được đáp ứng trọn vẹn. Dừng trước một cửa hàng hoành tráng nhất nhì dãy phố, phóng viên hỏi bà chủ: “Còn bộ ngành (công an) nào trong nhà không?”.
Bà chủ cửa hàng lại gần nói: “Cần bao nhiêu, gì, loại công an phường hay cảnh sát cơ động?”. Không đợi khách hỏi giá, vị này nói luôn: “Quần áo 300.000 đồng một bộ; dây lưng công an 150.000 đồng, quân đội 180.000 đồng; giày xịn của ngành 300.000 đồng một đôi, có đủ kích cỡ..., dùi cui cao su phải đặt tiền mới có, giá 200.000 đồng một gậy”.
Khi được đề nghị làm luôn biển hiệu, thì bà chủ cho lời khuyên lên mấy cửa hàng quảng cáo trên đường Nguyễn Thái Học sẽ có, giá khoảng 120.000 – 150.000 đồng. Thể hiện sự hiểu biết, bà chủ còn tuyên bố, nếu em muốn chơi như thật thì cứ đặt tiền trước, từ rùi cui điện, súng AK mà mắt thường khó nhận ra là giả... hay bất cứ đồ vật trang bị cho ngành, vài ngày sau sẽ có. Nếu không tin thì lên mạng mà dò, rao bán đầy.
Quả thật, đánh cụm từ “bán công cụ hỗ trợ” trên một trang tìm kiếm thì hiện ra hàng triệu thông tin về việc này. Thông tin rao bán công khai với danh mục đầy đủ: Roi điện, súng bắn điện, súng bắn đạn cao su, hơi cay, đèn pin nghiệp vụ kiêm dùi cui điện...
Hành vi phạm tội
Cuối năm 2012, TAND quận Long Biên (Hà Nội) đã xét xử sơ thẩm 4 bị cáo giả danh cảnh sát cơ động để vòi vĩnh tiền người tham gia giao thông. Các bị cáo gồm: Nguyễn Thanh Tùng (SN 1996, ở quận Long Biên); Nguyễn Thanh Hải (SN 1996, quận Hoàn Kiếm); Đỗ Mạnh Thắng (SN 1991, quận Hoàn Kiếm) và Hoàng Trọng Hiệp (SN 1995, quận Long Biên).
Tất cả đều bị xét xử vì tội cưỡng đoạt tài sản. Các bị cáo khai nhận đã đi mua trang phục, công cụ hỗ trợ đóng giả CSCĐ để “ăn” tiền của người vi phạm giao thông vào ban đêm. Các bị cáo đã bị tuyên phạt từ 12 - 15 tháng tù.
Thẩm phán Nguyễn Xuân Văn – Phó Chánh toà Hình sự, TAND TP. Hà Nội cho rằng, việc kinh doanh các mặt hàng quân dụng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở nhiều hành vi.
Trước hết, theo Nghị định 59/2006 của Chính phủ (quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện), khi các hộ kinh doanh tự ý mua, bán những sản phẩm này, hoàn toàn có thể truy cứu theo tội kinh doanh trái phép (Điều 159 Bộ luật Hình sự) hoặc tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm (Điều 155 Bộ luật Hình sự).
Luật sư Vũ Văn Vinh (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: “Giả thiết người bán hàng mua trực tiếp từ những đối tượng trộm cắp quân dụng, có thể xem xét họ về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Nếu chỉ là “hàng nhái”, có thể xem xét hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự”.
Theo Quyết Thắng
Dân Việt