Quảng Nam: Nhiều người bệnh vẫn 'trầy trật' với hành trình chạy xuyên tỉnh sửa tên bệnh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 6/1, ông N.V. H. (51 tuổi) đi từ huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam ra Bệnh viện Đà Nẵng để xin sửa tên bệnh vì bệnh viện ghi…đúng nhưng thừa chữ. Không chỉ ông mà nhiều người khác cũng trầy trật với tên bệnh, dù lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu trong tháng 12/2024 phải giải quyết toàn bộ các vướng mắc trong Nghị quyết 29 để đối tượng yếu thế được hỗ trợ.

Ông H. cho hay ông nhập viện vào đầu tháng 12/2024, đến ngày 12/12 ông ra viện, được chẩn đoán bệnh chính là suy thận mạn giai đoạn 5.

Mới đây, ông đưa bản tóm tắt hồ sơ bệnh án lên xã để làm thủ tục xin hưởng trợ cấp theo Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh, nhưng cán bộ xã không đồng ý, yêu cầu phải sửa tên bệnh lại chỉ còn 2 chữ "suy thận", hoặc mở ngoặc thêm hai chữ "suy thận" phía sau suy thận mạn giai đoạn 5.

Quảng Nam: Nhiều người bệnh vẫn 'trầy trật' với hành trình chạy xuyên tỉnh sửa tên bệnh ảnh 1

Bệnh suy thận mạn giai đoạn 5 không được chấp nhận, bệnh nhân phải đi xuyên tỉnh xin sửa lại thành suy thận. Ảnh: Thanh Hiền.

Ông H. mang giấy tờ đến bệnh viện, được các bác sĩ giải thích đã ghi chính xác tên bệnh, riêng 4 chữ “mạn giai đoạn 5” thể hiện rõ ràng mức độ bệnh, không sai sót gì cả. Hơn nữa tóm tắt hồ sơ bệnh án của ông cũng ký, đóng dấu cách đây 20 ngày nên không thể sửa.

Nghe bác sĩ giải thích, ông H. gọi điện về trình bày lại với cán bộ xã, song vẫn không được chấp nhận, yêu cầu ông phải sửa đúng y “suy thận” như danh mục bệnh trong Nghị quyết 29.

Ông H. tiếp tục tìm đến khoa nơi trước kia ông điều trị nhờ các bác sĩ hỗ trợ nhưng cũng không sửa được. “Giờ muốn sửa, tôi phải nhập viện lại, để khi xuất viện làm lại giấy tờ mới, trong đó ghi tên bệnh khớp với trong Nghị quyết”, ông mệt mỏi.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Bệnh viện Đà Nẵng cho hay hiện vẫn còn nhiều trường hợp tới bệnh viện xin sửa tên bệnh lại cho đúng 42 tên bệnh trong danh mục Nghị quyết, như “nhồi máu cơ tim lần đầu”, “suy thận”... Có trường hợp đã hết bệnh, xuất viện cách đây cả năm, người bệnh vẫn phải tính đến cách nhập viện lại để có giấy tờ xuất viện mới ghi tên bệnh đúng với nghị quyết.

“Không phải trường hợp nào bệnh viện cũng sửa được, có những tên bệnh đã ghi quá rõ ràng vẫn bắt sửa thì bệnh viện không làm theo. Phía Quảng Nam cần sớm chỉnh sửa, hướng dẫn trong việc xem xét tên bệnh để người bệnh được giải quyết thủ tục, tránh gây phiền hà cho người dân”, một bác sĩ bày tỏ.

Quảng Nam: Nhiều người bệnh vẫn 'trầy trật' với hành trình chạy xuyên tỉnh sửa tên bệnh ảnh 2

Vẫn còn rất nhiều người dân Quảng Nam trầy trật với việc sửa tên bệnh cho khớp Nghị quyết. Ảnh: Thanh Hiền.

Trước đó, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Y tế và Sở LĐTB&XH phối hợp có công văn hướng dẫn cụ thể. Trong đó nêu rõ danh mục các bệnh hiểm nghèo, bệnh phải điều trị thường xuyên, tốn nhiều chi phí để địa phương thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 29. Ông lưu ý trong tháng 12/2024 phải giải quyết toàn bộ các vướng mắc, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương thực hiện đúng quy định tại Nghị quyết 29, đảm bảo cho đối tượng yếu thế được hỗ trợ từ chính sách hợp lý, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Tiếp đó, Sở Y tế Quảng Nam đã có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết 29. Trong đó đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thực hiện nghiêm việc chẩn đoán, xác định bệnh theo đúng quy định chuyên môn và phân loại bệnh theo bảng phân loại bệnh quốc tế ICD-10. Đối với những trường hợp có đầy đủ hồ sơ, có chẩn đoán xác định nằm trong danh mục 42 nhóm bệnh, loại bệnh ban hành kèm theo tại Phụ lục I Nghị quyết số 29, mà bản chất gồm 914 tên bệnh theo mã ICD-10 được Sở Y tế tổng hợp trên cơ sở góp ý của các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thì đề nghị Phòng LĐTB&XH các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cấp có thẩm quyền quyết định giải quyết chính sách phù hợp cho đối tượng.

MỚI - NÓNG