FHFA cho biết đang phát đơn kiện nhiều định chế tài chính trong đó có các ngân hàng Bank of America, Goldman Sachs, Citigroup, JPMorgan Chase, Deutsche Bank, HSBC, Barclays và Nomura.
Thông cáo của FHFA nói: "Các vụ kiện viện dẫn những vi phạm luật chứng khoán liên bang và luật chung trong việc bán các chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp." Các ngân hàng trên đã gộp các khoản thế chấp và bán cho các nhà đầu tư trong đó có cả các công ty bảo đảm thế chấp Fannie Mae và Freddie Mac trong vụ bong bóng bất động sản.
FHFA lập luận rằng các ngân hàng này đã không có đủ bằng chứng rằng thu nhập của các chủ sở hữu nhà đã tăng giả tạo. Khi những chủ nhà này không có khả năng trả nợ, những chứng khoán này đã mất giá trị.
Fannie Mae và Freddie Mac thua lỗ tổng cộng hơn 30 tỷ USD vì những chứng khoán này. New York Times nói rằng FHFA đang tìm cách buộc các ngân hàng trả lại tiền cho những thiệt hại đó.
Trong một diễn biến khác cùng ngày 2/9, Bộ Lao động Mỹ thông báo trong tháng Tám, số việc làm trong khu vực tư nhân tăng 17.000, nhưng đổi lại, số việc làm trong khu vực công cũng giảm với mức độ tương đương. Như vậy đây là lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc vào năm 1945, nền kinh tế hàng đầu thế giới không bổ sung thêm việc làm mới nào trong một tháng.
Cũng theo Bộ Lao động Mỹ, trong tháng Tám, số người thất nghiệp của Mỹ duy trì ở mức 14 triệu và tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn đứng ở mức 9,1%. Để giảm mạnh tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao từ 9% trở lên trong 28 tháng qua (từ tháng 5/2009), nền kinh tế Mỹ phải tạo ra 250.000 việc làm mới mỗi tháng.
Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2011 xuống 1,7% và năm 2012 là 2,6%.
Theo Vietnam+