Nhiều lựa chọn khác để vào lớp 10
> TPHCM : Gần 1.700 HS 30 điểm trượt lớp 10 sẽ được học công lập
Trong số hơn 50 ngàn thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2011- 2012 tại TP.HCM, chỉ gần 35.000 em được học lớp 10 công lập. Số còn lại sẽ có lựa chọn khác để học phổ thông.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Ông Lê Hồng Sơn- Giám đốc Sở GD- ĐT TP.HCM cho biết: "Còn rất nhiều mô hình trường lớp để những em này có thể học lớp 10. Chẳng hạn như các trường dân lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), hệ bổ túc văn hóa của các trường TCCN, CĐ hoặc ĐH… Tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình cũng như trình độ học vấn của từng học sinh (HS) mà các em tự chọn cho mình chương trình học phù hợp".
Đa dạng lựa chọn
Trong hệ thống trường lớp năm học 2011- 2012 do Sở GD- ĐT công bố có hơn 60 trường dân lập, tư thục thực hiện tuyển sinh lớp 10.
Có trường tuyển đầu vào với điều kiện vào khá gắt gao. Chẳng hạn như trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký, thời gian tuyển sinh là 2 tháng, bắt đầu từ ngày 30-5 đến 30-7 và tuyển những HS hạnh kiểm khá, học lực cuối năm lớp 9 từ khá trở lên, điểm trung bình môn văn, tiếng Anh từ 6,5 trở lên và toán từ 7 trở lên. Chi phí cho mỗi tháng học tập tại trường, nếu học bán trú bao gồm các khoản học phí, phí bán trú, phí tăng cường tiếng Anh là 3,4 triệu đồng/tháng/ HS. Nếu học nội trú, tổng cộng gần 9 triệu đồng/tháng/HS.
Trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến chỉ tuyển những HS có điểm trung bình cả năm lớp 9 các môn toán, vật lý, hóa học, ngữ văn và tiếng Anh từ 7 điểm trở lên. Mức học phí được quy định, với bán trú là 3,7 triệu đồng/tháng/HS, nội trú là 6,6 triệu đồng/tháng/HS.
Những trường khác yêu cầu thấp hơn như trường THPT dân lập Trí Đức tuyển khoảng 400 HS có học lực trung bình trở lên với mức học phí từ 2 triệu đồng đến 4,2 triệu đồng/tháng/HS (bán trú hay nội trú).
Chi phí tiết kiệm
Phần nhiều phụ huynh không có điều kiện cho con em vào các trường ngoài công lập, trong trường hợp này, hệ GDTX là một lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại lo lắng về chất lượng giảng dạy cũng như nền nếp kỷ luật ở hệ này.
Về vấn đề này, ông Phạm Anh Ba - Trưởng phòng GDTX Sở GD-ĐT, cho biết: “Bắt đầu từ năm học này, 24 trung tâm GDTX của các quận, huyện được đưa về Sở quản lý. Từ đó, Sở sẽ thực hiện đổi mới nâng cao chất lượng toàn diện từ nhân sự, cơ sở vật chất đến phương pháp giảng dạy. Sự thay đổi này sẽ tạo điều kiện cho các trung tâm có cơ hội làm mới mình, thu hút được giáo viên có trình độ sư phạm...”.
Học phí hệ này được áp dụng chung với mức 65.000 đồng/tháng nhưng không yêu cầu về hộ khẩu thường trú nên HS có thể tự do đăng ký vào học nơi nào có uy tín. Hiện nay, tại TP.HCM có một số trung tâm có chất lượng giáo dục tốt như Trung tâm GDTX Q.3, Q.4, Q.12, Q.Tân Phú, Q.Gò Vấp, phân hiệu Bổ túc văn hóa của Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Trung Trực, Trần Hưng Đạo....
Trường nghề, CĐ và ĐH cũng nhận học sinh rớt lớp 10
Các trường trung cấp chuyên nghiệp, CĐ hoặc ĐH cũng là những địa chỉ tiếp nhận HS không trúng tuyển vào lớp 10 năm nay. Nói về mô hình tuyển sinh này, ông Lê Hồng Sơn cho rằng: "Sau khi tốt nghiệp, các em vừa có bằng tốt nghiệp THPT để có thể thi ĐH-CĐ nếu có khả năng, vừa có trong tay bằng nghề".
Hiện nay, TP.HCM có 19 trường tuyển với các yêu cầu: Bảng điểm tốt nghiệp THCS, điểm tổng kết các môn học 4 năm THCS, điểm tổng kết các môn học năm cuối cấp THCS.
Trường CĐ Giao thông vận tải (Q.3) tuyển 200 chỉ tiêu vào các ngành sửa chữa khai thác thiết bị ô tô, điện công nghiệp, xây dựng cầu đường bộ với mức học phí 1.350.000 đồng/học kỳ. Nhận hồ sơ đến ngày 1-9. Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Phú Lâm tuyển 500 chỉ tiêu cho các ngành điện tử, điện lạnh, điện công nghiệp, may - thiết kế thời trang, kế toán… với học phí khoảng 1 triệu đồng/học kỳ. Nhận hồ sơ đến ngày 29-7...
Theo Bích Thanh
Thanh Niên