Nhiều lao động trẻ nguy cơ không có lương hưu

Nhiều lao động trẻ nguy cơ không có lương hưu
Theo các chuyên gia, hệ thống BHXH đang bộc lộ sự lỏng lẻo, hệ thống lương hưu thiếu bền vững.

Nhiều lao động trẻ nguy cơ không có lương hưu

Theo các chuyên gia, hệ thống BHXH đang bộc lộ sự lỏng lẻo, hệ thống lương hưu thiếu bền vững.

Theo các chuyên gia, cách tính lương bình quân đóng BHXH để tính lương hưu chưa hợp lý
Theo các chuyên gia, cách tính lương bình quân đóng BHXH để tính lương hưu chưa hợp lý.
 

Nguy cơ cạn kiệt nguồn quỹ

Với chính sách hiện nay, nếu không kịp thời chấn chỉnh thì quỹ lương hưu ở nước ta sẽ không tránh khỏi nguy cơ cạn kiệt như các tổ chức dự báo. Nguy hiểm hơn, nếu tiếp tục duy trì bất ổn, có thể xảy ra tình trạng, nhiều lao động trẻ hiện đang đóng BHXH, nhưng tương lai sẽ không được hưởng lương hưu.

Mới đây, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp với bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức công bố báo cáo "Dự báo cân đối quỹ bảo hiểm xã hội và các khuyến nghị pháp lý". Theo công bố kết quả nghiên cứu của ILO, hiện nay, độ tuổi nghỉ hưu của Việt Nam đang quá thấp, đặc biệt là đối với nữ. Một số nhóm lao động lại được phép về hưu sớm cộng với dân số đang già hóa, tuổi thọ người dân tăng cao và tỷ suất sinh giảm khiến tỷ lệ lao động trên số người hưởng lương hưu thấp. Điều này tạo áp lực nặng nề lên quỹ bảo hiểm xã hội. Cũng theo báo cáo của ILO, mặc dù nguồn thu bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng từ 6,3 nghìn tỷ đồng năm 2001 lên 89,6 nghìn tỷ đồng năm 2012, nhưng chỉ 47% tổng số doanh nghiệp đóng bảo hiểm bắt buộc (trong năm 2010).

Với số lượng người trong độ tuổi lao động giảm đi và chế độ lương hưu hào phóng, ILO khuyến cáo rằng, quỹ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có thể bắt đầu thâm hụt từ năm 2021 và hoàn toàn cạn kiệt năm 2034 nếu không có thay đổi kịp thời về mặt chính sách.

Đánh giá về báo cáo trên, Thứ trưởng bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân nhận định, dự báo của ILO tạo cơ sở cho việc hoạch định chính sách bảo hiểm xã hội nói chung và chính sách hưu trí nói riêng của Việt Nam.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Chu Quang Cường, nguyên Vụ trưởng vụ Kế hoạch tài chính (bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phân tích: Kết luận của ILO xuất phát từ hệ thống chính sách của nước ta. Ngay từ đầu, chúng ta chưa thực hiện được từ nguyên tắc đóng hưởng nên quỹ càng ngày càng hạn hẹp đi. Rồi khi chúng ta bắt đầu chuyển sang cơ chế đóng hưởng thì đầu tư của quỹ đó lại không có hiệu quả. Ngoài ra, do lịch sử hình thành và phát triển quỹ bảo hiểm của ta qua rất nhiều thời kỳ. Những tồn đọng còn lại từ thời bao cấp cũng là một gánh nặng cho quỹ BHXH và lương hưu. Không chỉ có Tổ chức lao động quốc tế ILO mà còn có rất nhiều phép tính mà các đơn vị khác đưa ra liên quan đến vấn đề này. Mức dự báo có thể chênh lệch nhau, song nguy cơ cạn kiệt là đều được dự báo trước. Chính vì thế, nếu không có những chính sách sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thì an ninh quỹ sẽ không được đảm bảo.

Theo ông Cường, phải có sự tính toán sao cho cân đối giữa mức đóng và mức hưởng tương đương nhau để đảm bảo sự tồn tại của quỹ. Chúng ta cũng đã xem xét đến điểm này trong luật Bảo hiểm ra đời vào năm 1993, tuy nhiên, khi đi vào thực tế, nó lại có nhiều điểm chưa sát, chưa đáp ứng được. Chẳng hạn như cách tính lương bình quân đóng BHXH để tính lương hưu chưa hợp lý.

Liên quan đến vấn đề trên, một cán bộ từng làm việc tại bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng bày tỏ quan điểm: Vấn đề tiền lương, vấn đề BHXH, trợ cấp người có công với cách mạng... còn rất nhiều điều phức tạp. Hiện nay, mức đóng so với mức hưởng là không tương xứng. Ngoài ra, tuổi về hưu của người lao động Việt Nam còn thấp nên cũng ảnh hưởng đến quỹ BHXH. Hiện nay, lương hưu trả trên mức bình quân mức đóng của 5 năm hay 10 năm cuối là không hợp lý. Bởi mức đóng của những năm cuối không đại diện cho toàn bộ thời gian đóng BHXH của người lao động. Mức đóng của thời gian này thường là mức đóng cao nhất của cả quá trình tham gia BHXH. Chi theo mức này sẽ thâm vào nguồn quỹ. Do lương những năm cuối cao hơn nên khi nghỉ hưu họ hưởng lương hưu cao hơn mức đóng BHXH.

Vấn đề cốt lõi vẫn là thu nhập

Bàn về giải pháp cho tình trạng trên, ông Chu Quang Cường tỏ ra quan ngại trước ý kiến cho rằng, để nguồn quỹ trả lương hưu an toàn, nên dùng nguồn quỹ BHXH đầu tư vào những kênh tài chính đảm bảo mà lại có lãi cao nhất. Theo vị chuyên gia này, hệ thống tài chính của ta chưa ổn định, an ninh và vĩ mô về tài chính còn nhiều điểm chưa tốt nên không thể nói là hoạt động đầu tư đó sẽ an toàn được. Trong khi việc đảm bảo an ninh quỹ vẫn là mục tiêu hàng đầu. Nếu đầu tư vào những vùng an toàn thì hiệu quả thấp, nhưng đầu tư vào những vùng hiệu quả cao thì nguy cơ rủi ro cũng không ít. Chính vì thế, những người hoạch định chính sách phải cân đối những vấn đề đó, xem xét nên lựa chọn phương án nào là hợp lý.

Liên quan đến phương án mở rộng đối tượng tham gia BHXH, ông Cường nhận định: Việc tăng đối tượng là điều tất yếu. Tuy nhiên, họ đóng vào và sau này họ cũng là người hưởng, nên việc tăng đối tượng tham gia BHXH là để bảo đảm an sinh xã hội chứ không phải là giải pháp cứu quỹ hưu trí. Nếu như bảo hiểm y tế là nhiều người đóng cho một số ít người hưởng thì BHXH lại khác, số người hưởng bằng số người đóng.

Nhìn nhận một cách tổng quan, theo ông Cường, điều cốt lõi là phải xem xét mức đóng và những chính sách đầu tư sao cho hợp lý, hiệu quả. Hiện nay ở các quốc gia khác, mức đóng bảo hiểm rất cao, có những nước tổng tất cả các mức đóng lên tới 40-50%. Tuy nhiên, đó là mức thu nhập của họ cao. Thế nên, cái gốc của vấn đề chính là thu nhập, thu nhập cao thì mới tính đến chuyện bảo hiểm cao được.

Theo Người đưa tin

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG