Nhiều khó khăn, vướng mắc được doanh nghiệp giãi bày

Dây chuyền sản xuất bút bi Thiên Long Ảnh: Hồng Vĩnh
Dây chuyền sản xuất bút bi Thiên Long Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Ngày 23/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ đối thoại với hơn 1.000 lãnh đạo doanh nghiệp (DN).

Đây là diễn đàn để Chính phủ lắng nghe và tháo gỡ vướng mắc cải thiện môi trường kinh doanh, thể hiện cam kết Chính phủ đồng hành, kiến tạo cùng DN. Tại buổi đối thoại, rất nhiều lãnh đạo DN đã thẳng thắn nêu những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, mong sớm được giải quyết để yên tâm làm ăn.

Đề nghị bảo vệ lợi ích nhà đầu tư, DN 

Đây là lần thứ 3 trong nhiệm kỳ này Thủ tướng trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe và trao đổi với DN để tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tại hội trường lớn của Trung tâm Hội nghị Quốc gia số lượng doanh nhân có mặt vượt kỳ vọng của người đứng đầu Chính phủ. Hội nghị bắt đầu từ sáng, kéo dài 5 tiếng liên tục.

Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân góp ý, để kinh tế tư nhân phát triển, Nhà nước cần chứng minh cho người dân và nhà đầu tư thấy sự bền vững của thể chế rằng: Mọi khoản đầu tư, mọi DN được bảo vệ quyền lợi trước pháp luật; Chính sách cải cách quyết liệt hơn để vừa cởi trói cho DN, vừa tạo việc làm cho lao động.

Ông Thân kiến nghị Chính phủ thực hiện Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trong đó có cam kết miễn thuế thu nhập DN trong 2 năm kể từ khi doanh nghiệp có thu nhập. Các DN thành lập mới từ hộ kinh doanh được giảm thuế thu nhập DN xuống 10 -15%; Chính phủ chuyển giao một số dịch vụ công từ bộ ngành, địa phương cho các hiệp hội. Qua đó, góp phần giảm chi phí của DN, giảm chi phí Nhà nước. “Sau khi Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa ra đời, cộng đồng DN kỳ vọng rất lớn nhưng thực tế DN được thụ hưởng rất ít lợi ích so với quy định của luật. Đề nghị Thủ tướng tổng kết để có hình thức hỗ trợ phù hợp, sát thực tế, tạo động lực cho DN phát triển”, ông Thân kiến nghị. 

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hiệp hội gỗ TPHCM lại nêu vướng mắc, từ khi trồng rừng tới lúc khai thác phải mất 5 đến 7 năm, nhưng kỳ hạn vốn vay không kéo dài tương ứng. Điều đó dẫn tới người trồng phải thu hoạch sớm hơn do khoản vay vốn tín dụng đến hạn trả. Vì vậy, ông Khanh kiến nghị cơ quan chức năng tạo điều kiện để người dân được vay vốn với chu kỳ dài hơn, để đầu tư trồng rừng nguyên liệu mang giá trị cao hơn. Trả lời kiến nghị này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, sẽ giao các tổ chức tín dụng, cơ quan chức năng nghiên cứu đưa ra giải pháp phù hợp.

Ông Lê Tiến Trường, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị nên: Giảm thuế thu nhập DN; không thu thuế giá trị gia tăng (VAT) với sản phẩm có nguyên liệu trong nước; quy hoạch các khu công nghiệp dệt may có đủ hạ tầng để phục vụ chuỗi cung ứng; Ngân hàng có giải pháp đảm bảo vốn lưu động cho ngành này, thay vì “siết” tín dụng, khiến DN đã tồn kho lớn lại gặp khó khăn hơn.

Tương tự, với lĩnh vực công nghiệp mới như sản xuất ô tô, xe máy, đặc biệt phương tiện chạy điện, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Vingroup Nguyễn Việt Quang kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho lĩnh vực này. Đi kèm đó là chính sách khuyến khích cho nhà sản xuất, phân phối và tiêu dùng để mở rộng thị trường. “Có như vậy mới tạo động lực để DN làm ra sản phẩm Made in Vietnam có đẳng cấp, có thể cạnh tranh không chỉ ở thị trường trong nước mà còn tiến ra thế giới”, ông Quang nói.

Các DN cũng kiến nghị, Chính phủ cần có giải pháp để hỗ trợ DN liên kết cùng lớn mạnh, tạo sức cạnh tranh. “Tất cả các ngành đều có người giỏi, nhưng thiếu những tập thể giỏi. Do đó, chúng ta cần những tập thể giỏi với sản phẩm quy mô lớn, chất lượng ổn định để cạnh tranh toàn cầu”, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco Group góp ý.

MỚI - NÓNG