Nhiêu khê cái bánh trách nhiệm

Nhiêu khê cái bánh trách nhiệm
TP - Luật An toàn Thực phẩm (ATTP) có hiệu lực từ 1-7-2011, vậy mà đến giờ này, nghị định hướng dẫn một số điều của luật này chưa thể ban hành vì nhiều lý do, trong đó có lý do “cái bánh trách nhiệm” vẫn chưa biết chia thế nào cho hợp lý nếu phải hợp luật.

Từ tháng 7-2011 đến nay, các doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp sản xuất trong nước chạy loạn các bộ để xin công bố hợp quy và đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) đối với hàng nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp bị quản lý thị trường niêm phong hàng vì các sản phẩm chưa được chứng nhận hợp quy khi cả ba bộ (Y tế, Công Thương, và Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn) đều chưa có văn bản hướng dẫn công bố hợp quy.

Một giám đốc DN làm xúc xích than trời, nói như khóc khi không biết làm sao tìm đến đủ các cửa quan để làm thủ tục nhập khẩu: “Thịt thì do thú y kiểm tra, kiểm dịch. Muối do Bộ NNPT&NT chịu trách nhiệm nhưng ai kiểm. Tinh bột do Bộ Công Thương chịu trách nhiệm nhưng chưa biết ai kiểm. Xưa nay chỉ y tế kiểm mọi thứ cũng đã phải chủ động lắm mới kịp cho sản xuất. Hơn hai tháng trời mà chưa giải tỏa, tập kết xong hàng một container về nhà máy.

Sinh chuyện nếu các bộ tiếp tục cục bộ

Luật Chất lượng Sản phẩm Hàng hóa (CLSPHH) có đưa ra nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý đối với ATTP là theo quá trình, trong đó Bộ NNPT&NT quản lý quá trình sản xuất ban đầu (chăn nuôi, trồng trọt) đến sản phẩm tươi, sống (sơ chế, đông lạnh); Bộ Y tế quản lý quá trình sản xuất hàng tiêu dùng (thực phẩm chế biến sẵn để ăn ngay và thực phẩm bao gói sẵn); v.v...

Luật ATTP lại phân trách nhiệm cho ba bộ (trong đó có Bộ Công Thương) theo nhóm sản phẩm và xuyên suốt từ trang trại đến bàn ăn, món ăn và hàng nhập khẩu. Vì thế đã tạo ra sự chồng chéo về quản lý tại các cửa khẩu và tạo ra nhiều cửa quan trong quản lý công bố hợp quy.

Hệ quả là sự phân công trách nhiệm trong Luật ATTP không thống nhất với nguyên tắc phân công trách nhiệm trong Luật CLSPHH. Sự phân công ấy cũng trái với nguyên tắc, chủ trương điều hành của chính phủ là “mỗi bộ chịu trách nhiệm một lĩnh vực”.

Làm sao cho Luật ATTP đi vào thực tiễn cuộc sống? Làm sao không gây chồng chéo trách nhiệm, thống nhất “một cửa một lĩnh vực” trong công bố hợp quy và kiểm tra nhập khẩu, không gây khó khăn, đình đốn trong sản xuất và góp phần bình ổn giá thực phẩm tiêu dùng? Đây thực sự là một việc quá khó nếu các bộ cứ tiếp tục cục bộ. Những tác động đến an sinh xã hội và lòng tin cần được đánh giá để khỏi phải trả giá ở tầm vĩ mô.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG