Nhiều hiệu trưởng thông cảm với… phong bì

Nhiều hiệu trưởng cho rằng, "dư luận nhiều khi thổi phồng khi phụ huynh quan tâm các thầy cô giáo" Ảnh: Hồng Vĩnh
Nhiều hiệu trưởng cho rằng, "dư luận nhiều khi thổi phồng khi phụ huynh quan tâm các thầy cô giáo" Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Xung quanh vấn đề quản lý quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh, nhiều hiệu trưởng các trường THPT ở Hà Nội cho rằng khó cấm việc tặng quà giáo viên vì “văn hoá phong bì” đã phổ biến, giáo dục không thể ngoại lệ.

> Xem xét lại danh hiệu thi đua vụ 'tới tấp phong bì'
> 'Nếu không có phong bì, họ chích đau hơn'

Nhiều hiệu trưởng cho rằng,
Nhiều hiệu trưởng cho rằng, "dư luận nhiều khi thổi phồng khi phụ huynh quan tâm các thầy cô giáo". Ảnh: Hồng Vĩnh.

Không cấm tặng quà

Chủ nhật vừa qua, một số trường đã tổ chức họp phụ huynh dịp đầu năm học. Theo thông tin ban đầu chúng tôi nhận được, mức thu quỹ phụ huynh trường cũng như lớp tương tự mọi năm. Theo dự toán chi của một số ban đại diện cha mẹ học sinh trường, mức thu căn cứ vào mức chi năm ngoái, trong đó có các khoản tặng quà giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường các dịp lễ tết.

Khi được hỏi, nhiều phụ huynh không hề biết các công văn của Bộ GD&ĐT về việc chấn chỉnh lạm thu trong các cơ sở giáo dục, trong đó yêu cầu các ban đại diện cha mẹ học sinh không dùng quỹ để khen thưởng cho giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường.

Trao đổi với PV Tiền Phong, nhiều hiệu trưởng cho biết, họ đã nhận được Công văn số 8057 ban hành ngày 7-9 vừa qua của Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT về chấn chỉnh lạm thu. Tuy nhiên, một hiệu trưởng trường THPT nằm ở quận trung tâm Hà Nội cho biết, nhà trường có khống chế mức thu chung của quỹ phụ huynh trường, còn với quỹ của từng lớp thì trường không có ý kiến.

Hiệu trưởng một trường THPT ở huyện ngoại thành Hà Nội cho biết, trong các khoản chi của quỹ phụ huynh, việc trích ra một phần để tặng quà cho giáo viên là điều không thể thiếu. Hiệu trưởng này giải thích: “Bộ, Sở chỉ cấm khen thưởng cho giáo viên chứ không cấm tặng quà. Ngay cả cấm khen thưởng, tôi thấy không hợp lý. Người ta làm tốt phải khen thưởng, động viên!”.

Nhiều hiệu trưởng giải thích, truyền thống của người Việt Nam là tôn sư trọng đạo. Tình cảm đó biểu hiện ở hành vi đến thăm thầy, cô giáo của con nhân dịp lễ, tết. Đó cũng là dịp để thầy cô trao đổi với các bậc cha mẹ kỹ hơn về tình hình học tập của con em họ.

“Quà cáp chỉ mang tính tượng trưng, các thầy cô cũng không quan tâm quà gì nhưng dư luận nhiều khi cứ thổi phồng sự việc”, một hiệu trưởng nói. Nhưng một hiệu trưởng khác cũng cho biết, việc tặng quà cho phụ huynh với giáo viên giờ đây không đơn giản chỉ là cách biểu hiện tình cảm, lòng biết ơn cụ thể mà đã thành nếp chung.

Một năm có rất nhiều dịp để phụ huynh có “nghĩa vụ” tặng quà cho các thầy cô giáo: 20-10, 20-11, Tết Dương lịch, Tết cổ truyền, 8-3. Có phụ huynh chu đáo đến mức gửi quà cho cả vợ hoặc người yêu của thầy giáo vào ngày 20-10, 8-3.

Nên sòng phẳng?

Theo nhiều hiệu trưởng, dư luận xã hội cho rằng ban đại diện cha mẹ học sinh là ban thu tiền là chưa chính xác, thậm chí thiếu thiện chí. Dư luận thường chỉ nhìn vào hiện tượng mà chưa đánh giá hết vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh với các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Trên thực tế, những việc làm được của ban đại diện cha mẹ học sinh ít được phụ huynh để ý.

“Việc lựa chọn được ban đại diện tâm huyết, có thời gian, cùng nhà trường và các thầy cô bàn bạc đưa ra các giải pháp góp phần giáo dục học sinh về đức dục, trí dục... không phải trường nào, năm nào cũng có được. Nhưng nhìn chung tôi thấy các ban đại diện cha mẹ học sinh đều đáp ứng được các nhiệm vụ của họ”, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức nói.

Nhưng thầy Nguyễn Sĩ Khiêm, hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông thừa nhận, ban đại diện cha mẹ học sinh nhiều nơi chưa làm hết trách nhiệm dù họ là thành phần trong hội đồng sư phạm của một nhà trường, tuy nhiên họ cũng chẳng làm gì sai!

Khi chúng tôi đặt vấn đề quản lý hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, tất cả hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS được hỏi đều từ chối trả lời. Một số hiệu trưởng trường THPT đồng ý trao đổi nhưng yêu cầu không đăng tên họ lên báo.

 

Về các món quà tặng thầy cô giáo được trích ra từ các quỹ phụ huynh trường/lớp, nhiều hiệu trưởng có cái nhìn thông cảm với cả người tặng lẫn người nhận. Theo họ, phụ huynh hiện nay đều có điều kiện sống tốt, mỗi gia đình chỉ có 1 – 2 con nên các con đều được “chăm bẵm”. Thái độ săn sóc, quan tâm, chăm sóc các thầy cô giáo xuất phát từ nhu cầu được chăm lo cho con em của mình của các phụ huynh.

“Các thầy cô dẫu biết mình cũng chẳng giàu lên hay nghèo đi vì một vài trăm nghìn nhưng văn hoá phong bì là một nét chung trong đời sống xã hội, giáo dục khó mà nằm ngoài quỹ đạo này”, Hiệu trưởng một trường THPT ở quận Long Biên nói:

Một hiệu trưởng khác chia sẻ: “Dư luận xã hội chỉ nhìn vào một bộ phận nhỏ thầy cô dạy thêm nhiều, thu nhập cao mà không nhớ ra rằng đa số giáo viên đều có đời sống khó khăn. Quà tặng của mỗi lớp dẫu chỉ 100.000 đồng – 200.000 đồng mỗi dịp lễ tết nhưng nếu một thầy cô môn phụ dạy 10 lớp thì tổng số họ nhận được cũng là một khoản cải thiện đáng kể”.

Cùng quan điểm này, một hiệu trưởng cho rằng đồng lương của giáo viên hiện nay quá thấp so với mặt bằng thu nhập của người dân trong cộng đồng.

“Sở dĩ các trường có người nước ngoài đầu tư cấm tiệt chuyện phụ huynh phong bao phong bì ngày lễ ngày tết là vì họ trả lương cho giáo viên cao. Theo tôi, chính quyền nên sòng phẳng. Nguồn lực hạn chế thì nên bao cấp hạn chế, vấn đề làm sao trả lương xứng đáng cho giáo viên. Cứ bao cấp tràn lan, con người giàu đi học cũng đóng góp như con người nghèo, nhà nước thì thiếu nguồn lực để đầu tư cho giáo dục, các tiêu cực nảy sinh là điều không tránh khỏi”, vị hiệu trưởng này nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG