Nhiều giống biến đổi gene đã thẩm lậu vào Việt Nam?

Giống ngô biến đổi gene
Giống ngô biến đổi gene
TP - Hàn Quốc vừa phát hiện, cảnh báo về một số lô đu đủ từ Việt Nam xuất sang nước này là đu đủ biến đổi gene và yêu cầu tái xuất hoặc tiêu hủy. Theo Cục Trồng trọt, Việt Nam chưa ghi nhận chính thức có giống đu đủ chuyển gene, tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo nhiều giống cây trồng chuyển gene có thể đã thẩm lậu vào Việt Nam nhưng không kiểm soát được.

Hàn Quốc cảnh báo đu đủ Việt Nam có biến đổi gene

Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT vừa phát đi cảnh báo cho các đơn vị kiểm dịch thực vật, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc liên quan đến đu đủ biến đổi gene. Theo đó, cục này đã nhận được thông báo từ Bộ Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc về việc phát hiện một số lô đu đủ đã qua chế biến từ Việt Nam là sản phẩm chuyển đổi gene. Theo quy định của Hàn Quốc, các sản phẩm chuyển đổi gene sẽ không được chấp nhận, buộc phải tái xuất hoặc tiêu hủy.

Cục BVTV đã yêu cầu các nhà xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Hàn Quốc phải theo dõi và tuân thủ đúng các quy định về an toàn thực phẩm của thị trường này, tránh gây thiệt hại và ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam. Đối với đơn vị xuất khẩu, cần rà soát quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu của công ty và thực hiện ngay các biện pháp phòng ngừa, nhằm đảm bảo kiểm soát được nguồn gốc đu đủ ban đầu, tránh tái phạm.

Theo lãnh đạo Phòng ATTP và Môi trường (Cục BVTV), từ đầu năm 2018 đến nay, Hàn Quốc đã cảnh báo hai lần về đu đủ biến đổi gene nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có một lô xuất vào đầu năm 2018. Các loại đu đủ Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là đu đủ đông lạnh, cắt miếng. Trước đó, hồi năm 2013, EU cũng đã cảnh báo có lô hàng đu đủ chuyển đổi gene nhập khẩu từ Việt Nam.

“Hiện có một số giống đu đủ của Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) có khả năng nhiễm virus đốm vòng đu đủ và chủ yếu là giống chuyển gene. Còn ở Việt Nam đã xuất hiện giống chuyển gene đó chưa, cần kiểm tra, xác minh lại”, vị này cho biết.

Trao đổi với PV Tiền Phong về thông tin trên, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tỏ ra bất ngờ  và cho biết: “Cơ quan quản lý chưa ghi nhận, sự hiện diện của đu đủ biến đổi gene được trồng ở vùng nào”.

Theo ông Sơn, Việt Nam mới chỉ cho phép giống ngô biến đổi gene của tập đoàn Syngenta và Monsanto (được tập đoàn Bayer mua lại) được lưu hành trên thị trường. Ngoài ra, Việt Nam đã có chủ trương cho phép khảo kiểm nghiệm và lưu hành các giống đậu tương, bông biến đối gene. Tuy nhiên, hiện tại chưa có tổ chức, cá nhân nào đăng ký khảo nghiệm để sản xuất kinh doanh giống cây trồng mới này.

“Thông tin từ Hàn Quốc phản hồi là một kênh thông tin đáng lưu ý. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại sự lưu hành các giống đu đủ trong sản xuất, liệu có giống chuyển đổi gene hay không”- ông Sơn nói.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt cũng cho biết, đu đủ không phải là cây trồng chính, cho nên các tác giả được tự khảo nghiệm và xin công nhận lưu hành giống. Dẫu vậy, đến nay cũng chưa có tổ chức, cá nhân nào đăng ký công nhận giống đủ đủ mới. “Với các giống bản địa nói chung, vì không có chủ sở hữu, nên không có ai đứng ra xin công nhận giống đó. Vì thế, chúng tôi sẽ đề xuất có điều tra, lấy mẫu khảo sát lại để đánh giá, phân tích gene liệu có hay không giống đu đủ biến đổi gene xâm nhập vào Việt Nam”- ông Sơn cho biết.

Nhiều giống biến đổi gene đã thẩm lậu vào Việt Nam? ảnh 1 Hàn Quốc đã cảnh báo yêu cầu tái xuất hoặc tiêu hủy lô đu đủ biến đổi gene từ Việt Nam. (Ảnh: minh họa)

Nhiều giống biến đổi gene đã có mặt ở Việt Nam?

Trao đổi với PV Tiền Phong, GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho biết, theo Luật Đa dạng sinh học, Pháp lệnh giống cây trồng, với cây trồng biến đổi gene, trước khi đưa vào sử dụng phải được khảo kiểm nghiệm, đánh giá kỹ lưỡng mức độ rủi ro về đa dạng sinh học, sức khỏe con người cũng như về môi trường.

Ở Việt Nam, ngoài một số giống ngô chuyển đổi gene đã được cấp phép, chưa có giống cây biến đổi gene nào được đưa vào sản xuất cả. “Việc có giống đu đủ chuyển đổi gene để kháng với virus đốm vòng là có ở các nước và nhiều khả năng được nhập chui về Việt Nam để lưu hành nhưng chúng ta chưa kiểm soát được”- GS Long nói.

“Theo quy trình của Việt Nam, các sản phẩm được làm từ thực phẩm biến đổi gene chiếm 5% trở lên phải dán nhãn, minh bạch để người tiêu dùng biết và lựa chọn. Tuy nhiên, việc này có vẻ như không ai làm”.

 GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam

Ông Long cho biết, một số giống đu đủ của Thái Lan là giống chuyển đổi gene. Một số giống đu đủ ruột đỏ và Nông Hữu (từ Đài Loan) không phải là biến đổi gene, mà là giống ưu thế lai. Nếu nhập về, kiểm soát tốt sẽ không sao, vì năng suất rất cao. “Với đu đủ ưu thế lai, một cây có thể cho 60 kg quả, nhưng một cây đu đủ địa phương của Việt Nam chỉ cho 5-6 kg quả”- GS Long cho biết.

Nói về giống cây chuyển đổi gene, GS Long cho rằng, vẫn có nhiều trường phái với các quan điểm khác nhau, từ ủng hộ hoàn toàn (như ở Mỹ), cấm hoàn toàn (như ở EU), còn ở Việt Nam không cấm, nhưng phải kiểm soát chặt chẽ. “Theo quy trình của Việt Nam, các sản phẩm được làm từ thực phẩm biến đổi gene chiếm 5% trở lên phải dán nhãn, minh bạch để người tiêu dùng biết và lựa chọn. Tuy nhiên, việc này có vẻ như không ai làm”- Giáo sư Long đánh giá.

Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng, để xác định chính xác có giống đu đủ biến đổi gene trên thị trường hay không, cơ quan chức năng cần điều tra, lấy mẫu phân tích từ nơi trồng, chế biến, trên thị trường. Ở đây, cơ quan chức năng có thể lần từ công ty xuất khẩu đu đủ sang Hàn Quốc bị nước này cảnh báo, để truy xuất lại nguồn gốc nếu muốn làm đến nơi, đến chốn. Tuy nhiên, cũng có thể có thực tế là trên thị trường Việt Nam không chỉ có có ngô hay đu đủ biến đổi gene, mà nhiều loại giống cây trồng khác như nho, táo, cam, cà chua… cũng chuyển đổi gene nhưng chúng ta không kiểm soát được và cũng không có số liệu chính thức về giống chuyển đổi gene. 

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.