Cụ thể chiều 30/7, một lãnh đạo Cục thuế TP Hà Nội cho biết, sau khi công khai danh sách đơn vị, dự án nợ thuế, nhiều doanh nghiệp (DN) bị nêu tên cũng như không có tên đã chủ động nộp số thuế còn nợ, hoặc có công văn, liên hệ trực tiếp cam kết tiến độ nộp.
Theo thống kê đến tối 30/7, đã có 136/268 đơn vị nộp tổng cộng 704,783 tỷ đồng (trong đó, 25/38 chủ đầu tư các dự án bất động sản nộp 524,810 tỷ đồng và 111/230 doanh nghiệp nộp 179,973 tỷ đồng).
Riêng các trường hợp nợ thuế xử lý sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; đơn vị đang hoạt động sản xuất kinh doanh, có doanh thu bán hàng, có dòng tiền luân chuyển nhưng vẫn nợ thuế; các dự án được gia hạn nhưng quá hạn chưa nộp tiền sử dụng đất; các dự án đã bán hàng, thu tiền nhưng vẫn nợ tiền sử dụng đất, Cục thuế TP Hà Nội kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng.
Trong thời gian tới Cục thuế Hà Nội tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp công tác thuế năm 2015, đặc biệt đối với nhóm giải pháp quản lý, đôn đốc thu hồi nợ đọng Cục thuế sẽ có biện pháp thể hiện sự kiên quyết của cơ quan Thuế trong công tác quản lý nợ thuế.
Cục thuế chỉ đạo các Phòng quản lý, các Chi cục thuế rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ thuế của từng đối tượng nợ thuế để có giải pháp đôn đốc thu nợ hiệu quả như động viên, thuyết phục doanh nghiệp có kế hoạch phân chia nguồn tiền để đảm bảo vừa duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, vừa có tiền nộp nợ thuế.
Riêng đối với những trường hợp nợ thuế xử lý sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; những đơn vị đang hoạt động sản xuất kinh doanh, có doanh thu bán hàng, có dòng tiền luân chuyển nhưng vẫn nợ thuế; các dự án được gia hạn nhưng quá hạn chưa nộp tiền sử dụng đất; các dự án đã bán hàng, thu tiền nhưng vẫn nợ tiền sử dụng đất thì cơ quan Thuế kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng.