Nhiều doanh nghiệp, người dân tố cáo bị trùm giang hồ Thảo ‘lụi’ uy hiếp, chiếm đất

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thảo “lụi” là trùm tín dụng đen tại Bình Thuận và có nhiều hoạt động phi pháp có tính chất băng nhóm. Những năm qua Thảo “lụi” bị nhiều người dân, đại diện doanh nghiệp tố cáo về việc dùng vũ lực để chiếm đất, nhà dân và dự án. 

Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an vừa phối hợp cùng Công an tỉnh Bình Thuận và Công an TPHCM bắt giữ được trùm giang hồ Nguyễn Văn Thảo (còn gọi là Thảo “lụi” hay Bảy Thảo, 56 tuổi).

Chiều 5/6, Công an tỉnh Bình Thuận xác định Thảo “lụi” đang ẩn náu tại một khách sạn ở TPHCM. Tối cùng ngày, Công an tỉnh Bình Thuận đã phối hợp cùng Cục Cảnh sát hình sự và Công an TPHCM phục kích, bắt giữ trùm giang hồ tại khách sạn.

Nhiều doanh nghiệp, người dân tố cáo bị trùm giang hồ Thảo ‘lụi’ uy hiếp, chiếm đất ảnh 1

Nhiều đơn của các cá nhân, doanh nghiệp tố cáo Thảo “lụi” đã được Công an TP Phan Thiết, Công an tỉnh Bình Thuận lập hồ sơ.

Đập phá nhà dân

Theo thông tin ban đầu, Thảo “lụi” là trùm tín dụng đen tại Bình Thuận và có nhiều hoạt động phi pháp có tính chất băng nhóm. Những năm qua Thảo “lụi” bị nhiều người dân, đại diện doanh nghiệp tố cáo về việc dùng vũ lực để chiếm đất, nhà dân và dự án.

Những ngày qua, Công an tỉnh Bình Thuận đã làm việc với những người từng có đơn tố cáo Thảo “lụi” để phục vụ quá trình điều tra. Trước đó, Bộ Công an cùng Công an tỉnh Bình Thuận khám xét nhà của Thảo “lụi”.

Bà Nguyễn Thị Thuỳ Trang (52 tuổi, ngụ Bình Thuận) gửi đơn đến phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Bình Thuận và Công an TP.Phan Thiết tố cáo Thảo “lụi” và đàn em hàng chục người dùng vũ lực ngang nhiên cưỡng chiếm đất, chiếm nhà và huỷ hoại tài sản.

Theo bà Trang, bà mua và xây dựng nhà cửa kiên cố trên thửa đất 2,6 ha tại khu phố 5, phường Phú Hài, TP.Phan Thiết. Năm 2016, một người thân của Thảo “lụi” mua lại 1,2 ha đất của bà Trang với giá 120 triệu đồng. Tuy nhiên, người mua chỉ trả 60 triệu đồng, hẹn nửa còn lại 30 ngày sau thanh toán. Số tiền 60 triệu còn lại vợ chồng bà Trang liên tục nhắc nhưng phía người thân Thảo “lụi” không thanh toán nên chỉ bàn giao 6.000 m2 đất.

Năm 2018, Thảo “lụi” xuất hiện yêu cầu vợ chồng bà Trang giao thêm 6.000 m2 đất. Bà Trang không đồng ý, Thảo “lụi” kéo nhiều người tới, ngang nhiên chặt phá cây cối, đập phá tài sản của gia đình.

Sau đó, những người của Thảo “lụi” đe doạ, hành hung rồi tiến hành bẻ khoá, chiếm luôn nhà mà gia đình bà Trang đang ở, sơn sửa lại, thay đổi kết cấu căn nhà…

Tương tự, ông Mã Tấn Phương (47 tuổi, ngụ TPHCM) cũng có đơn tố cáo Thảo “lụi” tại Công an TP.Phan Thiết về hành vi “Huỷ hoại tài sản”.

Nhiều doanh nghiệp, người dân tố cáo bị trùm giang hồ Thảo ‘lụi’ uy hiếp, chiếm đất ảnh 2

Thảo "lụi" cho người xây tường rào để bao chiếm đất.

Phần đất ông Phương tại phường Phú Hài, TP.Phan Thiết mua từ dân địa phương, kế phần đất bà Trang và ông đã xây dựng tường rào. Vào giữa tháng 6/2019, Thảo “lụi” cùng khoảng 20 người kéo đến phần đất này, đập phá tường rào, hành hung thợ thi công để xâm chiếm khu đất, không cho phép ai xây dựng hay khai thác trên đất.

Từ 4 năm trước bà Nguyễn Thùy Trang và ông Mã Tấn Phương đã có đơn kêu cứu, tố cáo Thảo "lụi" với chính quyền địa phương nhưng chưa được xử lý. Tương tự các nạn nhân khác của Thảo “lụi” như ông Nguyễn Hồng Phước (65 tuổi, ngụ Phan Thiết, Bình Thuận), ông Phạm Văn Đàn (45 tuổi, ngụ huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận)… khi có đơn tố cáo thì bị chuyển lòng vòng trong thời gian dài, không được xử lý.

Chiếm đất dự án

Hai năm qua, Công ty Đại Thanh Quang (trụ sở tại TPHCM) đã gửi đơn kêu cứu, tố cáo khẩn cấp khắp nơi về việc dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp King Sea tại xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết bị nhóm người của Thảo “lụi” ngang nhiên bao chiếm đất.

Năm 2005, Công ty Đại Thanh Quang được UBND tỉnh Bình Thuận cho thuê 456.000 m2 đất. Tháng 9/2007, Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Bình Thuận ký hợp đồng với Công ty Đại Thanh Quang, trả tiền thuê hàng năm và đã cấp 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty.

Tháng 9/2021, lợi dụng tình hình dịch COVID-19, Bình Thuận thực hiện giãn cách xã hội, Thảo “lụi” cùng một nhóm khoảng chục người mang xe cơ giới, máy ủi, máy khoan giếng, máy trộn bê tông và các vật tư đến khu đất để xây dựng lán trại, tường rào trên diện tích khoảng 2 ha mà Công ty Đại Thanh Quang được cấp sổ đỏ.

Nhiều doanh nghiệp, người dân tố cáo bị trùm giang hồ Thảo ‘lụi’ uy hiếp, chiếm đất ảnh 3

Công trình của Thảo "lụi" xây trên đất đã được UBND tỉnh Bình Thuận cấp cho Công ty Đại Thanh Quang để làm dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp King Sea.

Tháng 9 và 10/2022, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra thực địa, xử lý nghiêm theo quy định đối với hành vi vi phạm pháp luật tại khu vực dự án King Sea, không để kéo dài, phát sinh tình trạng mất an ninh trật tự.

Tuy nhiên, việc lấn chiếm đất của nhóm Thảo “lụi” vẫn không dừng lại. Ngoài xây dựng hàng trăm mét hàng rào, giăng kẽm gai để giữ đất, nhóm này còn dựng cả rào chắn, cử người canh gác nhằm kiểm soát người ra vào khu vực đất lấn chiếm.

Mãi đến ngày 6/2/2023, UBND xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết mới lập biên bản vi phạm hành chính đối với Thảo “lụi” về hành vi chiếm đất. Qua kiểm tra thực địa, UBND xã Tiến Thành xác định, diện tích đất Thảo “lụi” lấn chiếm là hơn 22.716 m2, nằm trong vị trí đất mà UBND tỉnh Bình Thuận đã giao cho Công ty Đại Thanh Quang. Tuy lập biên bản vi phạm hành chính nhưng UBND xã Tiến Thành không có tờ trình đề nghị xử lý hành vi vi phạm của Thảo “lụi”. UBND TP.Phan Thiết đã nghiêm khắc phê bình Chủ tịch UBND xã Tiến Thành trong việc chậm trễ thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch TP.Phan Thiết.

Trong quá trình bao chiếm đất dự án, Thảo “lụi” còn khởi kiện UBND tỉnh Bình Thuận, đề nghị tòa huỷ 2 quyết định UBND tỉnh Bình Thuận ban hành năm 2005 về việc cho Công ty Đại Thanh Quang thuê đất. Tuy nhiên, Sở Tài Nguyên-Môi trường tỉnh Bình Thuận đã cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan và khẳng định yêu cầu của Thảo “lụi” về huỷ 2 quyết định nói trên là không có cơ sở.

Năm 2022, ông Dương Văn An - Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Bình Thuận từng ký công văn gửi các cơ quan đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội yêu cầu tăng cường quản lý đất đai, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm đất có tổ chức, có tính chất côn đồ, gây mất an ninh trật tự địa phương, làm ảnh hướng đến môi trường đầu tư của tỉnh và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực tài nguyên, đất đai.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.