Căng thẳng tên phố
Hà Nội dịp này thông qua 42 tên đường, phố mới và tuyến phố, tuyến đường được điều chỉnh độ dài. Trong số này có nhiều phố mang tên danh nhân như nhà tư sản Trịnh Văn Bô, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của Việt Nam Vũ Trọng Khánh, cựu tù Sơn La Ngô Đình Mẫn (cùng thời với Nguyễn Hoàng Tôn), Anh hùng lực lượng vũ trang, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Ngọc Doãn, Anh hùng quân đội Nguyễn Quốc Trị, nhà thơ Tú Mỡ…
Trong số các địa phương, quận Hà Đông có nhiều tuyến phố, đường mới được đặt tên như phố Hà Cầu, Cầu Đơ, Phúc La, Văn Khê, Nguyễn Thanh Bình, Vũ Văn Cẩn, Dương Lâm. Báo cáo thẩm tra của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội nêu lại thực trạng tốc độ phát triển đô thị nhanh, nhiều đường phố mới cần đặt tên, điều chỉnh độ dài để thuận tiện cho việc quản lý, giao dịch. Nhiều nhà khoa học từng phàn nàn về tình trạng trùng lặp hệ thống tên đường, phố khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính khiến người dân hoang mang mỗi khi tìm số nhà, tên phố.
Trong số các danh nhân được đặt tên phố có trường hợp nhà tư sản Trịnh Văn Bô được nâng lên đặt xuống nhiều lần. Được đề xuất từ năm 2015, tới nay mới có tên phố mang tên nhà tư sản từng hiến hơn 5.000 lượng vàng theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Câu chuyện đặt tên phố ở Hà Nội năm nào cũng thu hút dư luận và các nhà chuyên môn. Hà Nội cũng có hẳn Hội đồng đặt tên phố, hẳn một ngân hàng dữ liệu tên phố mới được thành lập thời gian gần đây.
Trở lại khúc mắc tên phố Trịnh Văn Bô trong những năm qua, người trong cuộc thừa nhận không nằm ở phía cơ quan quản lý. Ban đầu Hà Nội trình thông qua tên phố Trịnh Văn Bô nhưng gia đình chưa đồng thuận về vị trí, địa điểm. Bên cạnh đó còn có chuyện người dân ở khu vực đó chưa nhất trí với danh nhân vì tên “trúc trắc”, trong khi nguyên tắc đặt tên phố cần sự đồng thuận của người dân địa phương.
Không thể hạn chế danh nhân?
Một số nhà khoa học từng đề xuất nên hạn chế dùng tên danh nhân đặt tên đường, phố Hà Nội. Thực tế Hà Nội có khoảng 400 con phố mang tên danh nhân, chiếm gần 50% so với tên gọi đặt theo địa danh lịch sử, tên theo các sự kiện lịch sử, di sản văn hóa, làng nghề truyền thống. GS.TSKH. Phan Huy Lê khi còn sống từng lưu ý Hà Nội nên quan tâm hơn tới lựa chọn địa danh cổ để đặt tên phố, cẩn trọng khi xem xét tên danh nhân. Năm 2018, phần lớn tên phố, đường mới được chọn đều lấy tên theo danh nhân.
“Nếu nói hạn chế thì không nên, ai đủ điều kiện xứng đáng vẫn cứ phải đặt. Theo phản ánh của một số địa phương, có nơi chỉ có một địa danh cổ nếu không cho đặt tên theo danh nhân thì cả chục năm không có tên đường”, bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nói. GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, thành viên Hội đồng đặt tên chung quan điểm. Ông cho rằng, nếu còn danh nhân xứng đáng, cơ sở đề xuất xin đặt tên hội đồng sẽ phải xem xét. “Chỉ cần đáp ứng đủ tiêu chí, hội đồng bàn bạc và đi tới thống nhất”, GS. Ngọc nói.
Bà Phạm Thị Lan Anh, thành viên đơn vị tư vấn chuyên ngành đặt tên phố cho biết, trong ngân hàng dữ liệu vẫn còn nhóm danh nhân cần xin ý kiến, xem xét tiêu chí. Những người ngồi trong hội đồng luôn phải cân đối giữa tiêu chí về công lao đóng góp, huân huy chương, giải thưởng với uy tín, đóng góp được người dân ghi nhận. Chẳng hạn trường hợp bác sĩ Nguyễn Văn Luyện nhà phố Trần Hưng Đạo. Ông đi theo Cách mạng từ sớm dù được Chính phủ Pháp trọng vọng. Nhà ông là cơ sở cho cách mạng, đến khi Toàn quốc kháng chiến ông và hai người con trai ở lại quyết tử vì Thủ đô. Ba bố con ông Luyện đều hy sinh, nhà cũng hiến cho nhà nước. “Nếu xét theo công trạng, huân huy chương thì khó, nhưng trường hợp này đưa ra hội đồng đánh giá được sự nhất trí cao”, bà Lan Anh nói.
Cần bài bản
Từng có thời điểm rộ lên đề xuất đặt tên đường phố Hà Nội theo số (học theo cách quản lý đô thị phương Tây). “Thế giới làm nhiều rồi, nhưng ở ta phải kết hợp thế nào cho hài hòa. Đối với khu phố mới có thể đặt theo số. Còn ở khu vực cũ, nhiều tên đường phố gắn với danh nhân, địa danh mà chèn số vào thì thật lôm nhôm. Tuy nhiên cần lưu ý Hà Nội ngày càng mở rộng và phát triển, nên có quy hoạch, khoanh vùng đặt tên cho khoa học”, GS. Nguyễn Quang Ngọc đề xuất.
Đại diện đơn vị tư vấn chuyên ngành đặt tên phố phân trần, qua các lần Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính, việc đặt tên đường gần như không còn theo khu vực (danh nhân lịch sử, văn nghệ sĩ, lĩnh vực khoa học kỹ thuật) đó nữa. Thời kỳ đầu khi Hà Nội đặt tên có toàn quyền sắp xếp nên hình thành cụm tên đường, phố khoa học và ý nghĩa: Dã Tượng, Yết Kiêu, Trần Bình Trọng nối với phố Trần Hưng Đạo, xung quanh phố Lê Thái Tổ là cụm Lê Thạch, Lê Lai, trục đường đê sông Hồng có loạt đường Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái, Trần Quang Khải.
“Chúng tôi cố gắng sắp xếp theo các nhóm. Ở khu vực Tây Hồ, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm gắn với danh nhân chính trị, lịch sử, văn hóa; danh nhân khối khoa học kỹ thuật được đặt ở Hoàng Mai, Long Biên”, bà Phạm Thị Lan Anh nói. Còn nhiều danh nhân gắn với thời đại Hồ Chí Minh chưa có quy hoạch, tuỳ từng hồ sơ tên đường để sắp xếp như đường Nguyễn Văn Linh ở Long Biên, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ ở Bắc và Nam Từ Liêm, đường Võ Nguyên Giáp ở Đông Anh, Lê Văn Lương ở Hà Đông.
Trước thắc mắc rằng nhiều tên danh nhân nhưng “kém nổi tiếng, người dân không biết”, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc cho rằng mỗi người cần đặt mình vào phông kiến thức chung. “Không phải ai đều có thể biết hết tên đường phố Hà Nội. Chúng tôi làm về lịch sử hiểu nhiều hơn danh nhân lịch sử, nhưng cũng không thể hiểu hết các lĩnh vực khác. Muốn hiểu hết phải đọc, tìm hiểu”, ông nói. Mỗi danh nhân được chọn đặt tên đường phố đều có hồ sơ khoa học, thuyết minh để hội đồng thảo luận cặn kẽ trước khi Hà Nội đề xuất thông qua.