Nhiều cơ sở sản xuất hành dân

Nhiều cơ sở sản xuất hành dân
TP - Ở TPHCM, nhiều người dân đang bị hành bởi các cơ sở sản xuất trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Đó là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm Báo động ô nhiễm sản xuất trong khu dân cư được tổ chức sáng 29-3 tại TPHCM.

Ô nhiễm

Bà Trần Anh (54 tuổi, ở 28 Phong Phú, P.12, Q.8), nói: “Gia đình tôi có 3 người, mẹ tôi năm nay đã 80 tuổi, trước đây cuộc sống bình thường, mọi người đều khỏe mạnh.

Từ khi căn nhà bên cạnh (số 26 đường Phong Phú, P.12, Q.8) mở cơ sở sản xuất bánh mỳ, không khí trong nhà lúc nào cũng hết sức ngột ngạt, nồng nặc mùi bánh mỳ, dầu mỡ…, gia đình tôi thường xuyên bị các chứng bệnh về đường hô hấp, viêm họng và ho kéo dài.

Lúc nào cũng phải đóng cửa, đặt một chiếc quạt công nghiệp công suất lớn ngay trước cửa để đẩy khí nóng từ lò bánh mỳ phả vào nhà, nếu tắt quạt khoảng 30 phút thì không chịu nổi”.

Nhiều lần nộp đơn, khiếu nại khắp các cấp chính quyền nhưng vẫn không giải quyết được, cả gia đình bà Trần Anh đành phải chuyển nhà lên Bình Dương sinh sống.

Anh Nguyễn Văn Vinh (ở khu phố 5, phường Đông Hưng Thuận, Q.12), cho biết, phường anh ở tập trung khá nhiều cơ sở sản xuất, nhuộm, in ấn, giặt ủi… Nước thải, tiếng ồn, khói bụi từ các cơ sở này ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống của hàng ngàn hộ dân.

“Mỗi ngày phải quét nhà hàng chục lần, cứ sau khoảng 1 tiếng là bụi than lại phủ đầy nền nhà, bàn ghế, cơm dọn ra chưa kịp ăn đã biến thành màu đen”, anh Vinh kể.

Anh Huỳnh Kim Long, Trưởng ban quản lý khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận, nói: “Các cơ sở gây ô nhiễm vẫn tiếp tục hoạt động, họ chấp nhận phạt chứ không chịu di chuyển ra khỏi khu dân cư”.

Chị Nguyễn Thị Hòa ở phường 25, Q.3 kêu cứu vì các cơ sở sản xuất bánh mứt, kẹo trái phép xả nước thải có lẫn hóa chất làm bánh kẹo vào nguồn nước. “Mỗi khi đi ngang phải đưa tay bịt mũi vì mùi hôi nồng nặc, các thau chậu đựng bánh mứt còn có cả dòi bọ bò lổm ngổm”, chị Hòa nói.

Gây bệnh

Bác sĩ Phan Xuân Trung (Trung tâm Y Khoa Medic TPHCM) cho biết: “Hơi độc từ các lò đốt than bùn sản sinh ra các hợp chất sulfate, phosphore, carbonic...; bụi bặm từ các xưởng dệt, hóa chất tẩm nhuộm hương nhang, khí ethylene từ các bình khí đá... gây bệnh hen suyễn, suy hô hấp.

Tiếng ồn từ máy dệt, tiếng nhạc inh ỏi làm giảm thính lực, gây bệnh điếc không hồi phục do tiếng ồn.Khói xăng dầu gây kích ứng niêm mạc mắt, ngứa da, chàm... Các chất thải đặc sệt từ các lò đường, lò nhuộm vải đổ thẳng vào cống, ra kênh rạch tiêu diệt hoàn toàn mầm sống thủy sinh”.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch hội Luật gia TPHCM, khu dân cư cần có khoảng cách an toàn về môi trường. Đối với cơ sở sản xuất có chất dễ cháy, dễ gây nổ, phát tán mùi ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người, gây ô nhiễm nghiêm trọng các nguồn nước, gây tiếng ồn, phát tán bụi, khí thải quá tiêu chuẩn cho phép… thì không được đặt trong khu dân cư hoặc phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư, ông Hậu nói.

Theo ông, đối với cơ sở sản xuất nitơ và phân đạm, phải cách xa 1.000m tính từ nguồn phát thải trong nhà, xưởng sản xuất tới khu dân cư.

Đối với các nhà máy sản xuất bánh mỳ, nhà máy cưa, gỗ dán và đồ gỗ, xí nghiệp đóng tàu, thuyền bằng gỗ, nhà máy rượu, nhà máy xay, xí nghiệp thức ăn gia súc, nhà máy thịt và nhà máy ướp lạnh thịt..., phải cách xa khu dân cư 100m tính mốc từ nguồn phát thải trong nhà, xưởng sản xuất...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG