Bệnh lao da là một trong những bệnh nhiễm khuẩn tương đối phổ biến, gây tổn thương sâu sắc trong cơ thể. Bệnh do trực khuẩn lao (Bacille de Koch- BK) gây ra. Đường lây truyền qua tiếp xúc, đường lymphô, đường máu và lan truyền do tiếp cận. Cụ thể, vi khuẩn lao đi vào da qua những vết xây xát, chảy máu hoặc những vết cắt, ở các phần hở như bàn chân, cẳng chân, bàn tay hay mặt.
Ở các nước có phong tục cắt bao quy đầu và âm vật, lao còn có thể xâm nhập qua tổn thương ở đây. Lao da còn chịu ảnh hưởng của điều kiện sống và xã hội như ô nhiễm, quá trình vệ sinh kém, chỗ ở chật chội, thiếu ánh nắng mặt trời.
Sau khi trực khuẩn lao da xâm nhập qua các vết đứt, xây xát, các vết này sẽ lên sẹo bình thường nhưng sau một thời gian lại sưng, không đau hoặc đau ít, sau đó vỡ ra tạo một ổ loét nông, hạch khu vực to dần. Đây là phức hợp sơ nhiễm ở da. Ổ loét dày và to dần, ăn rộng ra vùng da xung quanh. Có những nốt bã đậu nhỏ màu vàng. Hạch khu vực vỡ gây rò và loét.
Lao da có nhiều loại như: Lupus lao là thể hay gặp nhất, thường xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên; lao kê ở da (hay gặp ở những người nhiễm HIV/AIDS; lao cóc hay gặp ở người lớn, gồm nhiều sẩn chắc, mặt sần sùi có vảy, kích thước 2 - 3mm, màu tím viền đỏ, đứng sát nhau trông như da cóc.
Bệnh lao da không phải là bệnh đơn thuần tổn thương da mà là một bệnh của toàn cơ thể. Trên bệnh nhân lao da phát hiện từ 30 - 40% có lao hạch kèm theo, 25 - 30% có lao phổi.
Còn có thể phát hiện lao ở sinh dục và buồng trứng. Vì vậy, người bệnh và người chăm sóc cần tuân thủ chỉ định của thầy thuốc về thuốc điều trị cũng như sinh hoạt để hạn chế lây lan mầm bệnh.
Để chẩn đoán lao da, phải dựa vào tổn thương cơ bản, tìm vi khuẩn. Lao da có thể bị nhầm với mụn cơm do virut, các sẩn ban giang mai.
Lao da có thể điều trị tốt bằng chống lao đường toàn thân. Có thể đốt điện hay đốt bằng hóa chất, laser và phẫu thuật cắt bỏ tổn thương, vá da.