Các nguồn tin cho hay, Nhật Bản và Trung Quốc đã nhất trí về việc làm thế nào để thực hiện một cơ chế truyền thông trên không và trên biển nhằm tránh những xung đột ngoài ý muốn trong và trên Biển Hoa Đông.
Động thái tiến tới thỏa thuận diễn ra bất chấp mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông mà cả Bắc Kinh lẫn Tokyo đều tuyên bố chủ quyền.
Theo cơ chế này, một đường dây nóng giữa các quan chức quốc phòng của hai nước, dự kiến sẽ được thực hiện trong tương lai gần sau một thập kỷ đàm phán.
Được biết, để đạt được thỏa thuận này, các quan chức cấp cao hai nước đã tranh luận gay gắt trong một cuộc họp kéo dài hai ngày tại Thượng Hải từ ngày 5/12. Đây là dấu hiệu khác cho thấy mối quan hệ của hai nước đang tiến bộ nhanh hơn sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình củng cố quyền lực sau đại hội đảng vừa qua.
Bước tiến này cũng đã được thực hiện sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình đã cùng thống nhất với nhau vào tháng trước bên lề hội nghị thượng đỉnh kinh tế khu vực APEC tại Việt Nam. Tại cuộc họp đó, hai nền kinh tế lớn nhất châu Á đã nhất trí tạo ra một khởi đầu mới trong mối quan hệ của hai nước.
Một trong những trở ngại chính trong nỗ lực của hai bên là thiết lập cơ chế làm thế nào để xử lý các vấn đề trên biển, trên không xung quanh quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku.
Nhật Bản đã yêu cầu vùng biển và vùng trời của mình không nằm trong phạm vi cơ chế này vì họ lo ngại rằng, Trung Quốc có thể lợi dụng thỏa thuận này để tăng cường tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo bằng cách đưa ra quyền lợi pháp lý để tiếp cận chúng.
Trong nỗ lực hướng tới việc thực hiện cơ chế giao thông trên biển và trên không, các quan chức cấp cao Nhật Bản và Trung Quốc được cho là đã đồng ý rằng, hệ thống này sẽ không làm suy yếu các vị trí pháp lý của mỗi quốc gia.
Nhật Bản và Trung Quốc vẫn cần phải nghiên cứu chi tiết về cơ chế này trước khi đạt được thỏa thuận chính thức. Kế hoạch tạo ra một đường dây nóng trên không và trên biển lần đầu tiên được hai bên thỏa thuận trong năm 2007, nhưng trong nhiều năm, các cuộc đàm phán không diễn ra suôn sẻ. Những bất đồng giữa các hòn đảo và các vấn đề thời chiến đã làm gián đoạn quan hệ giữa nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới trong nhiều năm gần đây.
Sau khi chính phủ Nhật mua một số hòn đảo từ một chủ sở hữu Nhật Bản vào năm 2012 để đặt chúng dưới sự kiểm soát của nhà nước, Trung Quốc vẫn thường xuyên gửi các tàu của mình quanh đảo Điếu Ngư/ Senkaku.
Tàu và máy bay của Trung Quốc và Nhật Bản đã và đang chơi một trò "mèo vờn chuột" nguy hiểm xung quanh các hòn đảo, khiến các nước trong khu vực lo ngại rằng, chỉ cần một tai nạn hoặc tính toán sai lệch có thể gây ra cuộc xung đột rộng lớn hơn.