Biển Hoa Đông: Ông Trump ủng hộ Nhật Bản, Trung Quốc nổi giận

Ảnh: AFP
Ảnh: AFP
TPO - Bắc Kinh đã chính thức lên tiếng cảnh báo Washington sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định ủng hộ Nhật Bản trong tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền các đảo trên biển Hoa Đông.

Trung Quốc nổi giận

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm ngày 13/2 tuyên bố “Mỹ và Nhật Bản nên cân nhắc những lời nói và hành động”.

Bắc Kinh cũng yêu cầu “Washington và Tokyo dừng việc đưa ra những bình luận sai trái để tránh làm phức tạp vấn đề và ảnh hưởng đến hoà bình và ổn định khu vực”.

Ngày 10/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay trước chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Nhà Trắng, động thái được xem là giảm tải căng thẳng với Bắc Kinh và giảm thiểu hậu quả tiềm tàng từ cuộc gặp trực tiếp thứ hai của Thủ tướng Abe với ông Trump.

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh quần đảo trên “thuộc về Trung Quốc”, và “không ai có thể làm thay đổi quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia”.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề cập tới việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết tiếp tục ủng hộ Nhật Bản trong tranh chấp nhóm đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) khi thảo luận với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 11/2.

"Chúng tôi cam kết vì an ninh Nhật Bản và tất cả khu vực nằm dưới sự quản lý của Tokyo, củng cố hơn nữa liên minh rất quan trọng giữa hai nước", Tổng thống Trump nói. "Mối liên hệ giữa hai quốc gia, tình bạn giữa nhân dân hai nước rất, rất sâu đậm. Chính quyền này cam kết thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đó".

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản về chủ quyền đối với nhóm đảo không có người ở gia tăng từ tháng 9/2012 sau khi Tokyo công bố kế hoạch lấy lại nhóm đảo này từ các chủ sở hữu tư nhân.

Các tàu Trung Quốc sau đó đã nhiều lần xuất hiện tại khu vùng biển ngoài khơi quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Mỹ cam kết bảo đảm an ninh Nhật Bản

Đây không phải lần đầu tiên chính quyền mới của nước Mỹ thể hiện thái độ ủng hộ Nhật Bản trong tranh chấp với Trung Quốc.

Trong chuyến thăm đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Tokyo hồi giữa tuần trước, ông James Mattis khẳng định: “Nước Mỹ sẽ vai kề vai với các bạn và nhân dân Nhật Bản”.

Trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản Abe, Bộ trưởng Mattis nói: “Điều 5 trong hiệp ước quốc phòng song phương của chúng ta đã được thấu hiểu và là thực tế đối với chúng ta hiện nay giống như cách đây 1 năm, 5 năm trước và sẽ vẫn như vậy sau 1 năm nữa cũng như 10 năm tới”.

Nhật Bản trên thực tế rất muốn có sự bảo đảm từ chính quyền mới của nước Mỹ nhằm đảo bảo quyền lợi của Tokyo trong tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh trên biển Hoa Đông.

Tại các cuộc gặp với Tổng thống Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Mattis, Thủ tướng Abe cho biết chính quyền Tokyo tin tưởng rằng, với sự ủng hộ của ông Trump và Mattis, Mỹ và Nhật Bản có thể thể hiện với thế giới về quan hệ đồng minh vững vàng của hai nước.

Theo giới phân tích, những tuyên bố của Washington được coi là thắng lợi đối với Thủ tướng Abe. Chuyến thăm Washington của ông Abe sau cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mattis ở Tokyo, cho thấy mong muốn của Nhật Bản trong việc phát triển lòng tin và tình hữu nghị với chính quyền mới nước Mỹ, đồng thời gửi đi thông điệp rằng liên minh hàng chục năm tuổi giữa hai nước là không thể lay chuyển.

Mỹ khẳng định chiến lược xoay trục

Phát biểu tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi giành chiến thắng hôm 11/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, Trung Quốc đã lấn lướt Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương.

Ông Trump khẳng định: "Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico, tất cả các nước sẽ tôn trọng chúng ta hơn rất nhiều so với thời các chính quyền trước của Mỹ".

Tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đầu tháng 2, tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định: “Chúng ta sẽ phải gửi tới Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng, thứ nhất, hoạt động xây dựng đảo phải chấm dứt, thứ hai, các ông sẽ không được phép tiếp cận các hòn đảo này".

Tiếp đó, trong chuyến thăm đang diễn ra tại Nhật Bản và Hàn Quốc, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho rằng, không nên bi kịch hóa hành động của Mỹ ở Biển Đông và biển Hoa Đông, tuy nhiên “Washington sẽ sử dụng tất cả các biện pháp ngoại giao để giải quyết các vấn đề tranh chấp với Bắc Kinh”.

Các chuyên gia phân tích nhận định, tuyên bố của các quan chức cấp cao của Washington được xem là thông điệp mà chính quyền mới của nước Mỹ muốn gửi tới Bắc Kinh, như một cam kết về việc tiếp tục thực thi chiến lược “xoay trục” sang châu Á – Thái Bình Dương, kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington trở nên căng thẳng từ khi Tổng thống Donald Trump có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn vào tháng 12/2016, sau khi ông Trump đắc cử tổng thống.

Bắc Kinh khó chịu trước những phát biểu của ông Trump trước đây về quan hệ giữa hai bờ eo biển và cho rằng, quan hệ song phương có thể bị tổn hại nếu Mỹ từ chối thừa nhận nguyên tắc “Một Trung Quốc” .

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG