Nhật ký trong tù bằng tiếng Thụy Điển

0:00 / 0:00
0:00
TP - Có lẽ cùng với Truyện Kiều, Nhật ký trong tù (NKTT) của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hai trong số những tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài nhất của văn học Việt Nam.

Nhưng cho đến nay tập thơ này đã được dịch ra bao nhiêu ngôn ngữ và có bao nhiêu bản dịch? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi thử tìm hiểu qua internet và nhận được những con số khác nhau về số ngôn ngữ, theo các năm ghi trong dấu ngoặc đơn: 11 (2015), 25 (2007, 2013), 30 (2013), 32 (2013).

Nhật ký trong tù bằng tiếng Thụy Điển ảnh 1

Bìa Dagbok fran fangelset và một tranh minh họa trong sách

Và rồi chúng tôi quyết định thử tìm hiểu và sưu tầm các bản dịch NKTT sang các ngôn ngữ Bắc Âu.

Trong các bài viết về NKTT đã được dịch sang tiếng nước ngoài mà chúng tôi đọc được chỉ thấy nhắc đến hai ngôn ngữ ở Bắc Âu đã có NKTT là tiếng Đan Mạch và tiếng Thụy Điển. Nhưng qua tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết ở Bắc Âu còn có NKTT bằng tiếng Phần Lan và tiếng Na Uy đã được dịch và xuất bản cách đây hơn nửa thế kỷ.

NKTT bằng tiếng Phần Lan xuất bản ở Helsinki lần đầu tiên vào năm 1969 và đã được tái bản 2 lần vào năm 1970. Còn NKTT bằng tiếng Na Uy xuất bản lần đầu tiên ở Oslo năm 1969 và lần thứ hai năm 1973.

Đến hai bản dịch NKTT bằng tiếng Thụy Điển

Nhật ký trong tù bằng tiếng Thụy Điển ảnh 2

Trang bìa và 3 trang cuối của bản dịch Dikter

Với sự giúp đỡ của Thư viện Quốc gia Thụy Điển và Thư viện Trường Đại học Lund (Thụy Điển), chúng tôi đã tìm được hai bản dịch NKTT bằng tiếng Thụy Điển là Dagbok från fängelset (Nhật ký trong tù) và Dikter (Thơ) của nhà thơ, dịch giả Jan Kunicki. Trong một bài viết năm 2013, dịch giả Thúy Toàn có liệt kê NKTT bằng một số ngôn ngữ, trong đó có tiếng Thụy Điển, song chúng tôi không biết bản nào trong số hai bản dịch này được tác giả nói đến.

Để biết tác phẩm nào trong hai tác phẩm trên có trong danh sách các bản dịch tiếng nước ngoài đã được sưu tầm ở Việt Nam, chúng tôi đã liên lạc với Bảo tàng Hồ Chí Minh nhưng chưa có kết quả. Chúng tôi đồ rằng Dagbok från fäng có thể là bản dịch đã được sưu tầm và nói đến trong bài báo mà tôi đọc được.

1. Ho Chi Minh - Dikter (Hồ Chí Minh -Thơ)

Là một cuốn sách mỏng khổ nhỏ (brochure) gồm 6 trang có kích thước 24,5x11cm/trang, với 27 bài thơ có trong tập NKTT của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Jan Kunicki dịch sang tiếng Thụy Điển, do Författarcentrum (Trung tâm tác giả) xuất bản tại Stockholm vào năm 1969. Trong bản dịch này, tác giả không cho biết các bài thơ được dịch từ nguồn nào.

Ở trang bìa và cũng là trang 1, nửa trên in bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía dưới ảnh là dòng chữ HO CHI MINH và DIKTER (Thơ). Còn nửa dưới có bài thơ Efter läsningen av “De tusen poeternas antologi” (Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”). Còn 5 trang khác, bên cạnh các bài thơ, phía cuối của mỗi trang có in 1 bức tranh khắc gỗ nghệ thuật dân gian Việt Nam rất đẹp.

Để có được bản photocopy bản dịch hiếm hoi này, từ thông tin của Thư viện Quốc gia Thụy Điển, chúng tôi đã đăng ký với dịch vụ mượn quốc tế của Thư viện công cộng Helsinki. Sau hai ngày đăng ký, chúng tôi nhận được tin báo, tài liệu này quá cũ và hiếm nên Thư viện Thụy Điển không cho mượn mà chỉ phục vụ photocopy với giá 8 euro. Tuy nhiên, sau 1 tuần, tôi nhận được thư báo đến thư viện gần nhà ở Helsinki nhận bản photo và hết sức bất ngờ không phải trả tiền, vì chất lượng bản photo không còn được tốt.

2. Dagbok från fängelset (Nhật ký trong tù).

Dagbok från fängelset gồm 142 trang in trên giấy thô, dày khổ 15x19,5cm, do FIBs Lyrikklubb (Câu lạc bộ Thơ Thụy Điển) xuất bản lần đầu năm 1970 và tái bản năm 1975. Đây là bản dịch “Nhật ký trong tù” có dung lượng lớn nhất trong bốn bản dịch tiếng Bắc Âu, với Lời giới thiệu gồm 9 trang (tr.7-16), 3 trang “Sự thật về NKTT” - dịch nội dung trả lời phỏng vấn nhà báo Phương Tây của Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trong bản dịch tiếng Pháp của Phan Nhuận (tr.17-19), 2 trang giới thiệu và phân tích bài thơ “Ra tù tập leo núi” (tr.20-21). Bài thơ này còn được in lại ở bìa 4, phía dưới tiểu sử tóm tắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phần Nội dung gồm 97 bài thơ được dịch sang thơ tự do Thụy Điển, trong đó có 28 bài đã đăng trong Ho Chi Minh – Dikter, với một số chỉnh sửa nhỏ. Sau phần nội dung có tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh (tr.133-138) và chú thích có trong các bài thơ (tr.139-140). Bên cạnh các phần trên, Dagbok från fängelset còn có 5 bức tranh minh họa bằng vải cắt của họa sĩ đồ họa Thụy Điển, Svenolov Ehren (1927 - 2004).

Trong lời giới thiệu, Jan Kunicki cho biết: “Hồ Chí Minh viết “Nhật ký trong tù” không phải bằng chữ Quốc ngữ mà bằng chữ Hán cổ. Tôi không biết tiếng Hán cổ. Tôi đã dịch tất cả những bài thơ này từ tiếng Ba Lan, một số bài tôi có so sánh bản dịch của mình với bản dịch tiếng Anh”.

Đáng chú ý hai lần ông dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại từ Tuyên ngôn của nước Mỹ trong bản Tuyên Ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngoài ra còn kể lại một số hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm đi tìm đường cứu nước và việc ông đã đọc được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời qua các phương tiện truyền thông thế giới như thế nào. Đây là lời Giới thiệu dài nhất (9 trang) trong các bản dịch Nhật ký trong tù sang các ngôn ngữ Bắc Âu và có lẽ của các bản dịch sang các ngôn ngữ khác.

Hiện nay, hai bản dịch Nhật Ký Trong Tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh có mặt ở 26 thư viện công cộng trên khắp Thụy Điển.

Jan Kunicki - nhà thơ, dịch giả Ba Lan yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam

Jan Kunicki sinh ngày 1 tháng 7 năm 1938 tại Viareggio, Tuscany (Ý) và lớn lên ở Poznan (Ba Lan) trong một gia đình tương đối khá giả, cha là một bác sĩ.

Năm 1961, khi ở tuổi 23, Jan Kunicki du lịch đến Stockholm (Thụy Điển) và ở lại đây không trở về Ba Lan nữa. Ông sống chủ yếu Lund, cách Stockholm khoảng 600km về phía tây nam. Bạn bè Thụy Điển vào cuối những năm 1960 gọi Jan Kunicki với tên thân mật là Isio. Kunicki đã học tiếng Thụy Điển và bắt đầu dịch các tác phẩm văn học, sân khấu và điện ảnh Ba Lan sang tiếng Thụy Điển.

Ông cũng sáng tác thơ bằng tiếng Thụy Điển. Theo dữ liệu từ Thư viện Quốc gia Thụy Điển, Jan Kunicki đã sáng tác và dịch tổng cộng 18 tác phẩm, trong đó có 4 sáng tác (2 vở kịch, 2 tập thơ), 12 tác phẩm dịch chung và 2 tác phẩm dịch riêng là Dikter (1969) và Nhật ký trong tù, xuất bản lần đầu năm 1970 và tái bản năm 1975. Trong bản dịch năm 1969, Jan Kunicki không nói 27 bài thơ của Hồ Chủ Tịch ông dịch từ nguồn nào. Nhưng ta có thể đoán được ông dịch từ bản dịch tiếng Ba Lan có tên Dziennik więzienny (Nhật ký trong tù) do vợ chồng nhà thơ Ba Lan, Maria Kurecka & Witold Wirsza dịch và nhà xuất bản Państwowy Instytut Wydawniczy xuất bản năm 1962.

Trong suốt thời gian ở Thụy Điển, Jan Kunicki sống trong cảnh nghèo khó, nhiều năm không có nhà. Tuy vậy, vốn là một người có tư tưởng cánh tả, ông đã tham gia rất tích cực trong phong trào phản đối chiến tranh, đòi hòa bình cho nhân dân Việt Nam. Jan Kunicki qua đời ngày 13 tháng 3 năm 2008 ở tuổi 69 tại Lund sau một thời gian lâm bệnh.

Qua một số bài viết của các đồng nghiệp của Jan Kunicki mà chúng tôi đọc được, không thấy nói đến gia đình riêng của ông. Có lẽ Jan Kunicki không lập gia đình và không có con.

MỚI - NÓNG