Minh họa: Đỗ Phấn. |
Hiện tại chính là khoảng sột soạt giữa hai bờ vực ấy, giữa hai cái KHÔNG ấy. Cho nên hiện tại cũng không là gì cả. Ý kiến này giúp đỡ tôi, trong nhiều năm dài, và giải thích vì sao, có động từ hi vọng, vì sao, có động tác ghi nhật kí. Cả hai đều xảy ra, vào một thời điểm, mang tên hiện tại, nhưng trong một khoảnh khắc nhất định. Khoảnh khắc này có thể đo được, bằng những giọt đồng hồ, bằng những quyển lịch, tức là bằng những đồ vật hiện hữu.
Những đồ vật hiện hữu, do đó, đã giúp cho hiện tại, từ KHÔNG trở thành CÓ. Chính vì vậy mà người đời ghi nhật kí, và cũng chính vì vậy, nhật kí bắt buộc phải bắt đầu, bằng những con số hiện hữu, là ngày, là giờ, là thứ tự của tuần, của tháng, của năm, của mùa. Dường như làm như vậy, hiện tại sẽ được khẳng định rõ ràng, vào một chỗ í nghĩa, trên đường tuyến tính, của thời gian, từ trái sang phải, theo chiều mũi tên bay.
ĐÔNG 1954
I như trong thánh kinh: tôi bắt đầu viết nhật kí bằng mực tím. I như trong thánh kinh: tôi chạy trốn. Và cũng i như trong thánh kinh: 24 giờ trước khi bắt đầu nhật kí, tôi tháo hết đạn, vứt xuống cống. Tôi mang súng sang nhà chị Hòa, vào một lúc do dự, giữa chiều và tối. Chị lên nhà trên tiếp tôi. Chưa bao giờ tôi đứng gần chị, cho nên nhân dịp này, tôi ngắm chị lâu hơn.
Má chị vừa hơ lửa bếp đỏ ửng, vì vậy vẫn còn mồ hôi, mấy hạt trên trán, vì vậy mặt chị đẹp rạng rỡ. Và vì vậy người chị thon, chắc nịch có mùi gái quê. Tôi nộp khẩu súng côn cho chị. Tay tôi chạm phải tay chị, được một lúc: cả hai bàn tay đều ấm nóng. 7 phút đứng gần chị Hòa, tôi hỏi được bốn câu tóm tắt, chị Hòa trả lời tôi, bốn lần ngắn gọn. Thế rồi tôi về, vào một lúc do dự giữa chiều và tối, giữa một cơn rét bất chợt mùa đông.
Ngoài phố vắng bởi vì các cửa sổ, 5 giờ đã khép chặt. Gặp ngày mưa gió xậm xịt như thế này, các cửa hàng khóa cửa từ 4 giờ. Đêm chỉ còn tí đèn nhà Bur, và nhà đèn đỏ đầu phố. Từ 30 ngày tôi lên kế hoạch đi trốn, ở thành phố tôi trộm cướp cả ngày cả đêm. Từ một tháng gió lạnh thổi về, dăm thằng nhảy dù, dăm thằng tàu bò như tôi hợp nhau sẵn súng, ập nhà dân tống tiền. Thế là thành phố loạn. Thế là buổi tối bây giờ, Hà Nội đi ngủ sớm.
Quan lính các đảng phái, thằng nào cũng tìm đủ cách vơ vét, lấy tí vốn rồi cút. Tôi không chú í vơ vét. I như trong thánh kinh tôi chú í đi trốn, sĩ quan cũng vô khối thằng trốn. Tối nay bộ đội đã đóng đến Mai Lĩnh, để trong thành tối nay, quân hồi vô phèng. 23 giờ trước nhật kí, tôi cải trang làm thợ. Tôi vận mũ xanh, quần vải xanh, áo vải xanh, thêm áo len và giày batkêt xanh. Tôi đeo chiếc bị cói bên trong nhét vừa chiếc khăn mặt, và một bộ đồ để thay, cả hai đều nhuộm cùng một màu xanh.
23 giờ trước nhật kí, Cốm nói: “Anh đi cẩn thận nhé” và rơm rớm nước mắt. Tôi trả lời: “Cốm ở nhà cẩn thận” rồi hôn một chiếc, chả ra đâu vào đâu. Tôi vỗ vào hông Cốm: tôi lo cô vợ, ở lại một mình, trong cái tình hình hủi này. Tôi dặn: “Đêm, Cốm sang ngủ nhà chị Hòa nhé”. Cốm nói: “Em lên mẹ”. Tôi nói: “Lên đấy, mỡ để miệng mèo. Nhà mẹ ba phía, ba cái liếp tre, một bên thằng commăngđô, một bên thằng nhảy dù. Cốm cứ sang nhà chị Hòa”.
Tôi hôn chiếc nữa, vì dạy mãi, Cốm vẫn chưa biết hôn. Sau đó tôi xách bị, một mình ra cổng. Tôi sợ hàng xóm phát hiện. Tôi cũng lo, trên đường chạy trốn, bất ngờ tôi chạm trán tụi biệt kích đi tuần đêm. Tụi chúng có lẽ đang đứng đợi, trong bóng tối. Và im lặng, sau một gốc cây, một cột đèn mù. Tôi vội vã đi. Mưa một tí do dự. Đêm không màu. Đường không người. Tôi bước, đã nhiều bước chân. Đã qua nhiều con đường không cây, con đường có cây, cột điện không đèn, cột đèn không điện.
Tôi để lại sau lưng, nhiều ánh điện thành phố. Và vô khối giọt mưa đêm, không đếm được. Hà Nội lùi xa rồi, chỉ còn li ti những chấm sáng, như một bãi cát nhỏ, phủ đầy sao rụng. Không nhìn được rõ ràng, nhưng tôi biết: lúc nào trên đường nhựa, lúc nào đường đất. Mọi con đường đều dẫn tôi đi mãi, vào sâu trong đêm. Bởi vì càng đi, càng thêm đêm, mưa càng thêm mưa.
Từ cơn mưa, tụi biệt kích bắt người đi đêm, sẽ bất chợt bước ra. Phía xa kia, là đồng không mông quạnh. Đi hết đồng không, tôi gặp hàng cây, con đường, những cột điện không đèn. Đi hết hàng cây, lại đến đồng không. Đi nữa, lại gặp, cột đèn không điện. Do vậy lúc nào cũng không, không cả những vì sao lạ. Có bao nhiêu vì sao đêm nay, trên cao, cả quen cả không quen, đều rơi hết vào nội thành Hà Nội.
Để mặc đêm ngoại thành, tối như mực. Những cánh đồng, vừa đi qua, và sắp sửa đi qua, tôi biết 2/3 là những ụ mả, cái tròn cái dẹt, còn 1/3 là cỏ dại. Đêm và mưa, xóa nhòa hết cả: đồng mả trở thành đồng không. Đêm và mưa, cũng che đi nhưng không hết, mọi kỉ niệm của chiến tranh. Không nhìn thấy, nhưng tôi ngửi được, chỗ nào súng đạn đã đi qua, chỗ nào phong cảnh ban ngày, sẽ rất buồn.
Y như trong thánh kinh: đêm nay tôi bỏ rơi một chiến tuyến. I như trong thánh kinh: thằng đào ngũ chạy trốn vào mưa. Và cũng i như trong thánh kinh: kẻ hạnh phúc không nhìn thấy đường, mà vẫn bước đi, cho nên tôi mò đường về Lai Thụ. Có một lúc, đồng hồ đeo tay nhấp nháy, để nhắc nó dạ quang. Tôi phải kéo áo, trùm kín lại.
Đến một khúc ngoặt, có bên đường thình lình một bóng đen, làm trống ngực tôi hoảng loạn. Cái bóng đen, hóa ra là cái gì đấy, cái gì đấy cuối cùng, không là cái gì cả. Nhiều lúc sau, lại có thình lình một tiếng động trước mặt. Tôi phải đứng im, rồi từ từ, ngồi xuống. Có lẽ đêm nay không chỉ một lần, không biết còn bao nhiêu lần, để tìm một hòn đá. Tôi ném hòn đá, trong một thao tác quân sự, rồi ép ngực xuống đất, nằm chờ im lặng. Chờ mãi, cho đến lúc tôi ù té chạy, trống ngực đập rộn ràng. Tôi chạy, về được một cánh đồng, không mùi súng đạn, nhưng dưới chân, toàn cây gai và cỏ dại mùa đông sũng nước.
Gai nhọn đâm qua lớp vải quần: thế là tôi lại chạy nhanh, cho hết cánh đồng không chủ, không cả côn trùng sinh sống. Nhiều lúc sau nữa, tôi đứng im, không đợi trống ngực trở về êm đềm, mà để nhớ lại, một dự định bị bỏ rơi, từ mấy ngày trước. Tôi đứng im mà nghĩ: cũng có thể đi trốn, tại sao không, ngay trong thành phố.
Tôi moi sọ tôi, một lần cuối nữa, những địa chỉ quen thân, mà cái nào cũng hủi. Không có chỗ nào trong Hà Nội để đi trốn. Chỉ có Lai Thụ. Lai Thụ trước kia là quê mẹ, sau đó là bà dì tôi tốt bụng, sau đó nữa là hậu phương. Bộ đội đã đóng quá cả Lai Thụ, đến tận Mai Lĩnh. Để tôi có thể an toàn ẩn náu ở quê mẹ, đến ngày Tây xéo khỏi Hà Nội, tôi lại quay về.
24 giờ trước nhật kí, tôi nói với chị Hòa: “Tôi nghe chị trốn ở lại, nhưng tôi lo”. Chị Hòa hỏi: “Anh lo thế nào?” Tôi nói: “Tôi đào ngũ, bây giờ tôi chạy trốn, bây giờ tôi lo, ở nhà Tây sục đến bắt vợ tôi”. Chị Hòa nói: “Sáng mai đúng 8 giờ 15, chúng tôi sẽ bày cách cho vợ anh, làm lá đơn lên trại đòi chồng, vì bị quân ngũ giữ lại, 8 ngày rồi không về. Tình hình lúc này chúng nhốn nháo, sẽ khất lần cho qua chuyện.
Anh đừng lo. Chúng sẽ không làm gì cô ấy đâu”. Tôi gật đầu. Chị Hòa hỏi, còn lo gì nữa không. Tôi nói: “Tôi nghe đài lời kêu gọi tề ngụy, tôi đã hiểu. Chính phủ chọn kẻ lầm đường, kẻ lạc lối, kẻ bị ép buộc, để khoan hồng. Tôi tự nguyện đi lính, cho nên tôi lo”. Chị Hòa nói: “14 tháng trước anh không chống động viên, cho nên tối nay anh sợ. Nhưng trong bốn hình thức của tự-nguyện-đi-lính, sẽ được chọn để khoan hồng, anh thuộc hình thức thứ tư, cho nên anh đừng lo”.
Tôi thở phào. Chị Hòa vừa thẳng vừa ngọt, vừa khéo léo vừa thật thà, vừa nghiêm khắc vừa thân tình, vừa chính xác vừa nữ tính, tôi nghe lọt tai. Tôi nói: “Thôi chào chị tôi đi”. Chị Hòa nói: “Anh đi nhé”. Mặt chị vẫn đỏ ửng, môi cũng đỏ. Thế là tôi về.
22 giờ trước nhật kí: tôi dừng chân ở một điểm do dự trên đường chạy trốn. Tôi chưa bao giờ, rời xa thành phố tôi sống, bởi vì những địa điểm khác, tất cả mọi quê hương, đều xa lạ như chiếc áo tôi mặc không vừa.
21 giờ trước nhật kí, một đêm đầu đông rét sớm, tôi vẫn đứng băn khoăn, giữa hai dự định khó khăn, giữa Lai Thụ và Hà Nội, trong bóng tối tràn ngập mọi hàng cây, con đường. Thế rồi dưới cơn mưa lất phất, tôi quay lại Hà Nội. Tôi không đi Lai Thụ nữa. 21 giờ trước nhật kí, ánh điện thành phố vàng hoe, trước mặt tôi, nhòe lẫn vào mưa.
19 giờ trước nhật kí: tôi vào nhà, bằng lối vườn. Rồi gọi khẽ ở cửa sổ. Tôi gọi: “Cốm, Cốm”. Cửa vẫn đóng kín. Có một tiếng động nhẹ nhàng, trong nhà. Cốm có lẽ đã dậy. Tôi gọi khẽ: “Anh đây mở cửa”. Cốm trong nhà nói: “Anh đấy à? Cửa sổ em buộc kĩ. Anh ra cửa trước”. Tôi vòng ra trước nhà, qua cái sân gạch, ở đó có cái bể nước. Tôi lên bốn bậc thềm gạch.
Có tiếng bàn ghế xê dịch: là những bàn ghế Cốm dùng, để chặn cửa. Cốm không bật điện. Cửa mở, tôi ôm chầm Cốm, bằng một chiếc hôn, rất ra thế nào. Cốm cuống lên, mừng, rồi lại lo. Cốm nói: “Không trôi chảy à anh?” Tôi thì thầm mấy câu giải thích, tiện thể cắn nhẹ vào tai Cốm, một cái. Rồi lại hôn nữa, một chiếc hôn xinê. Người Cốm nóng hổi. Thế là tôi và Cốm bắt tay ngay vào việc. Hai đứa xuống kho, ở dưới nhà ngang.
Kho lúc nào cũng đủ thứ đồng nát: rế rách đè chổi cùn, đống sắt gỉ đè cánh cửa hỏng. Nhiều thứ đã nằm đây từ thời bố tôi, phải dỡ ra khá nhiều, để lấy lối đi. Chuột thấy người thì bỏ chạy, lúc rúc. Mùi gián mọt xông lên, hôi rình. Vào sát bức tường cuối kho. Tôi lật tấm ván. Và rọi đèn pin. Cốm hỏi: “Thế nào anh?” Tôi nói: “Xuỵttt” rồi chui xuống hầm.
Theo ánh đèn pin, đường ngầm lộ dần: hầm ăn thông ra tận vườn, ngay chỗ búi tre đổ rác. Nắp hầm bằng ván lim, nằm im lìm, vì đất nén và rác đổ nhiều quá phía trên, và vì bao nhiêu năm rồi hầm bỏ không. Tôi đã đào, để trốn động viên, 15 tháng trước. 1 tháng sau, đường hầm đóng lại, vì mẹ tôi chạy tiền thằng Macxen, đưa tôi vào ngụy. Nhưng được làm lính ôtô cho an toàn, và gần phố, gần nhà. Đêm nay trở lại khúc đường ngầm của nhiều năm trước, để tôi và Cốm, suốt đêm, cùng sửa chữa hầm.
24 giờ sau: thế là tôi đã bắt đầu nhật kí, từ 5 giờ, bằng mực tím. Tôi đi trốn, ở chính nhà tôi. Phố xóm và bạn bè không biết. Tôi ăn ngủ trong kho. Trên một ổ rơm khô. Cửa kho bị khóa lại. Sáng nay, Cốm đến gặp chị Hòa đúng 8 giờ 15, để cùng chị làm lá đơn lên trại đòi chồng.
Cốm ngày ngày kín đáo đem vào cơm nóng, cà phê và rượu ngon. Tôi đái vào bô. Trong kho tôi có thể nhìn, qua sân qua cổng, kiểm soát một khúc ngõ, một mảnh phố bên ngoài. Vợ chồng ban đêm vẫn… vợ chồng. Em Cốm cũng ngủ luôn, trên ổ rơm khô. Những trò hủi trong thành phố lúc này, tôi không nghĩ tới nữa. Tôi mang truyện trinh thám vào kho đọc suốt ngày.
Em Cốm không biết lấy tin ở đâu, mà ngày nào về cũng kể cho tôi. I như trong thánh kinh: mấy thằng bạn thân của tôi đều chạy trốn. Thằng Chắt đào ngũ, trốn ra hậu phương. Thằng Đoành và Tình Bốp là hai thằng tôi thân nhất, thì trốn quanh, trong thành phố. Thằng Đoành là ca sĩ nam trầm ở đội Gamô, có thể hát bật tung cửa sổ nhà thờ. Còn Tình Bốp là bạn đồng ấu với tôi, hồi trèo me trèo sấu, hồi đi ném đá các cửa sổ. Nó bỏ học lớp 5. Tôi học tiếp đến lớp 7.
Nhiều năm trước nó đưa tôi đi, năm lần xem thoát i vũ, sáu lần bắn súng đạn thật, bảy lần đánh nhau với bọn nhảy dù, trong tiệm rượu. Ở trường nó thắt lưng bằng da thật. Chị nó là Lily. Chị nó rất hay cười, và cười rất kĩ thuật, để mỗi lần chị nó cười, là phô ra hai hàng răng trắng, làm cả hai dãy phố đều nghe tiếng. Hai dãy phố, là năm mươi số nhà quét vôi vàng. Chị nó làm đĩ theo kiểu Mĩ. Chị nó nói: “Đĩ theo kiểu Pháp bây giờ không ăn tiền”.
Lily chị nó có khuôn mặt hình trái tim, môi đỏ như máu, eo bụng rất nhỏ. I như trong thánh kinh: mùa hè Lily ở truồng, không quên mở tung tất cả các cửa sổ trông ra phố, không quên chiếc thập ác đung đưa mạnh dạn trước ngực. Nhưng Lily không đi đạo. Thuần những sĩ quan bảo hoàng cao cấp đến thăm Lily. Hôm nào, trước nhà Lily có chiếc xe cao kều đậu, là cả phố xanh mắt: xe của thằng Macxen Phòng Nhì. Macxen tây lai, cao nhớn, đẹp trai. Nhà nó phố Hàng Vôi, xuống đây cốt để bắt người.
Cả phố đồn, nó chuyên đào tạo gián điệp nữ, cho nên phố nào nó cũng có ít nhất một cô nhân tình. Nó mua nhà cho Lily. Nhà bên dãy số lẻ, có chiếc cổng sắt sơn xanh. Tình Bốp cũng được nó dạy cách nuôi chó Bẹcgiê. Có lúc Tình Bốp nuôi đến chục con trong nhà, nhâu nhâu như một đàn hổ. Tình Bốp nuôi chó để bán lấy lãi. Có lúc phởn chí nó khoe cả cái chuyện khó tin.
Nó nói: “Tao táplô con chị tao luôn”. Không tin được, nhưng rồi cũng do nó bố trí, một đêm xuân 18 tuổi, tôi được biết như thế nào cơn sung sướng không ngờ, mà cô chị Lily đã đưa tôi vào. Khi vượt qua chiếc cổng sắt sơn xanh, tôi còn là trai tân. Sáng hôm sau, khi bước ra phố, tôi đã từ chức ngây thơ. Từ đó thi thoảng Lily cũng cho gọi tôi đến.
Lần nào về rồi, cũng còn thấm thía, đến mấy tháng. Thứ bảy tuần trước, tôi với Tình Bốp đi tửu, đến say mèm, để bàn nhau trốn ở lại. Tôi nói: “Tao về Lai Thụ quê mẹ”. Tình Bốp nói: “Tao có chỗ này rất xuya. Mày đi với tao thì đi. Ngay trong thành phố thôi. Đầm, ta, lai, loai choai, đủ cả. Mày biết rồi chứ gì?” Tôi nói: “Nhà Macxen hả?” Nó nói: “Mày khắc hiểu lấy. Chỗ ấy, thần tiên không chịu được. Mày còn chưa bao giờ biết mùi. Con chị tao, chưa đi đến đâu. Có em chỉ mới nhìn mày, mắt đưa vài cái, mày đã phải chảy… ra bằng hết”.
Nghe vậy tôi muốn quá, nhưng lại không muốn dính vào thằng Macxen, hủi mấy đời. Tôi kinh thằng trùm Phòng Nhì này. Nghe cả phố kể chuyện nó huấn luyện nữ gián điệp mà khiếp. Nữ gián điệp qua tay nó, phải có đủ 136 phép rùng rợn. Cô nào ngúng nguẩy, Macxen bắt chổng mông, lấy chổi sơn quét, hoặc rỏ têrêbăngtin vào bụng, hoặc xát lá han vào chỗ cần xát, rồi ném ra phố giữa ban ngày, cho đứng đấy mà gãi. Tình Bốp được làm lính bàn giấy ở Bạch Mai, chắc là do Macxen xin cho. Theo Tình Bốp kể, Macxen ngủ với Lily, có lần bắt Tình Bốp đứng nhìn.
9 giờ tối. Tôi lột áo em Cốm. Hai đứa nằm trong kho. Dưới là ổ rơm. Trên là chiếu hoa. Trên nữa là chăn cưới. Ngoài trời là mùa đông. Ngoài trời là cả không gian heo may, và một đêm hiếm có không mưa. Thế là, tôi ở lại Hà Nội thật, trong một nơi không địa chỉ bưu điện, không cả mây bay ngàn dặm. I như trong thánh kinh: mai là ngày tiếp quản. Thành phố thế nào cũng xúc động, mùi giao thừa. Tôi vuốt ve Cốm. Đêm nay mặc áo hở nách, nhưng Cốm không có ngay cả một kĩ thuật hở nách. Cho nên bây giờ tôi lột áo Cốm. Bây giờ Cốm nằm trên chiếu hoa, đúng vào chỗ một bông hoa rất lớn và rất đỏ. Tôi không nghĩ đến tương lai sẽ ra sao.
Tương lai có hủi không. Dĩ vãng thì hủi quá rồi. Học lớp tàu bò ra, đi càn về mạn Tứ Hiệp một lần, cả thảy ở ngụy 14 tháng. Nhưng trước hồi tàu bò, phố xóm đã gọi tôi thằng cao bồi dở. Dĩ vãng của tôi tóm lại là dở-cao-bồi-kiêm-tàu-bò. Nhưng chính phủ sẽ khoan hồng dĩ vãng của tôi, chính phủ đã nói vậy. Ngày mai chính phủ vào. Tôi ôm em Cốm. Tôi hồi hộp.
Đêm nay một kiếp, sáng mai một kiếp khác. Hai kiếp người, chỉ cách nhau một cơn buồn ngủ, ngắn gọn không cả một chớp mắt. Tôi cảm thấy, tự dưng tất cả những mùi vị say say của giao thừa, quá thiêng liêng, trong một kiếp người.
(...)
Buổi đêm. Nhật kí tiếp tục: tôi có năm thằng bạn, mỗi thằng một tuổi. Tôi 22. Ngỡi 34. Tình Bốp 24. Chắt 25. Đoành 21. Ngỡi đi lính, từ 3 năm để canh gác những xác chết đang đợi được đi chôn, ở nhà đám ma Sinh Từ. Nó là lính nghèo, chức vụ lèm nhèm, hình dạng lèm nhèm, đáng kể nhất một cái mặt choắt, và hai mắt hai cái mụn loét bờ. Lính đám ma mà hách dịch: nó xưng ông với cả phố. Lính đám ma mà nó tự hào, và lúc nào cũng tận dụng triệt để chức vụ lính ngụy.
Để đến nhà này, nó vào ngay nhà bếp, xem có cái gì, đến nhà nọ trèo luôn lên phản, ngồi chờ ăn cỗ, dù không được mời. Ăn xong bao giờ cũng mang phần về, để đến tối chờ cô vợ và sáu đứa con đi ngủ, mới lẻn ngồi ăn một mình. Bọn tôi lúc nào làm tiệc là gọi nó đến, vì nó nấu cơm, và nói dối, đều giỏi. Mỗi khi say, nó lại khóc thương vợ và sáu đứa con ở nhà, không biết miếng thịt là gì.
Vậy mà bây giờ, nó lập công to với chính phủ. Nó ăn cắp, để nộp cho chị Hòa cả thảy hai cái máy chữ, một súng trường đầy ắp đạn, và một cái đài. Trước khi đi trốn, nó xưng em với chị Hòa. Nó nói: “Những thứ em lấy được để nộp chị, em không mong chính phủ khen.
Chị liệu nhời nói với chính phủ hộ em: em một vợ sáu con, em lầm đường lạc lối cũng vì cái miếng ăn. Xin chính phủ tha cho em”. Cốm kể với tôi: cả xóm biết Ngỡi trốn về Hà Đông. Cả phố còn biết từ ngày đi trốn, nó bắt đầu xưng em, với tất cả mọi người.
Buổi đêm. Lúc này tôi ôm Cốm trên ổ rơm, trên chiếc chiếu hoa. Ngay bên dưới Cốm, vẫn là bông hoa khổng lồ rất đỏ. Nhưng Cốm không có, ngay cả một kĩ thuật nằm trên hoa, cho nên tôi để mặc Cốm mượn tay tôi mà che đi khuôn mặt tối. Bên cạnh ổ rơm khô, về mọi phía, vẫn đủ thứ đồng nát, là rế rách đè chổi cùn, là cái cánh cửa hỏng, nằm dưới một đống sắt gỉ.
Đêm nay Cốm vào, mang theo chiếc chăn cưới lúc nào cũng mới, lúc nào cũng có một trăm bông hoa nhiều cánh, ba màu, trắng, đỏ, hồng. Chiếc chăn cưới lồng bồng trên ổ rơm, như một hòn đảo hoa vô lí. Tôi nằm ôm Cốm, mà nhắm mắt thao thức. Thành phố ngoài xa đang giao thừa. Tôi đoán là đồn bốt, và các trại lính, bây giờ vắng teo. Nhiều thằng bỏ trốn.
Những thằng nhận lệnh đi lùng bắt những thằng bỏ trốn, cũng trốn. Những bộ phận, và đơn vị chủ chốt của ngụy, đã chuyển cả vào Nam. Đêm trong nhà kho, vẫn còn nghe được, thỉnh thoảng một phát đòm, một phát hủi. Một phát là biệt kích. Còn một phát là đập-phá-giao-thừa. Biệt kích đi tuần đông. Cán bộ bí mật vào thành cũng nhiều.
Tôi tự hỏi, cô chị Lily đi hay ở. Tình Bốp đang làm gì. Và Đoành, và Chắt, và Ngỡi đang làm gì. Sáng mai, bộ đội vào tiếp quản. Không làm sao nghĩ được, tới chương trình ngày mai. Lúc này là giao thừa. Lúc này Cốm nằm cạnh tôi. Cốm còn bé loai choai: Cốm mới 17 tuổi rưỡi. Tôi với Cốm lúc này, có cái gì giống như động phòng, cái gì còn hơn là động phòng. Đồng hồ dạ quang trên tay chỉ 1 giờ khuya. Tôi hồi hộp. Tim đập êm đềm. Tôi cảm nhận tất cả, những cái gì của giao thừa, bao la, bí mật, trong một đời người.
_______
* tựa đề do TPCN đặt.
(Trích lược chương I tiểu thuyết “Những ngã tư và những cột đèn”)
Có thể nói, không cái gì từ tay Trần Dần viết ra mà không lấp lánh những điều mới lạ trong tư tưởng và trong bút pháp - ngay với bạn đọc thời nay chứ không phải chỉ với thời ông viết các tác phẩm (những năm 60 thế kỷ trước). “Những ngã tư và những cột đèn” được Trần Dần viết sau một thời gian tiếp xúc với nhiều ngụy binh cũ thời Pháp thuộc. Đây là bản viết tay duy nhất, đề năm 1966. Nhưng rồi xảy ra cuộc chia tay của tác giả và tác phẩm kéo dài 22 năm. Cho đến năm 1988, bản thảo được trở lại với Trần Dần. Năm 2011, lần đầu tiên “Những ngã tư và những cột đèn” được xuất bản (NXB Hội Nhà văn Việt Nam) sau 44 năm tiểu thuyết hoàn thành và sau 21 năm, từ ngày bản thảo được sửa chữa. Ngay sau khi cuốn sách ra đời, nó đã được đông đảo bạn đọc quan tâm bởi tầm nhân văn đi trước thời đại, cũng như ma lực của câu chữ cấu kết nên hồn vía các nhân vật và toàn bộ câu chuyện. Cuốn sách được Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá cao, và là một trong những ứng cử viên sáng giá cho giải thưởng hàng năm 2010 của Hội, thể loại văn xuôi. TPCN trân trọng giới thiệu chương I tiểu thuyết “Những ngã tư và những cột đèn” của Trần Dần. Một chương đặc sắc đưa bạn đọc vào thế giới của Dưỡng - nhân vật chính trong toàn bộ tiểu thuyết. Bạn đọc có thể thấy những suy tư rất con người, trong một thời điểm quan trọng của đất nước. Xin lưu ý bạn đọc, Trần Dần chủ trương để những đoạn cách dòng trắng không đều đặn theo cảm xúc của ông; chữ y, đa phần được ông viết lại là i; những chữ xìì, khèè… Cônhăc, Côtab, Lily ông đều đề nghị được xuất bản theo cách ông viết. |