Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc Tokyo quyết định tăng ngân sách quốc phòng là để tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa trước mối nguy cơ từ Triều Tiên.
Tokyo tính toán một phần quan trọng của ngân sách quốc phòng 2017 sẽ được chi cho việc mua sắm các tổ hợp tên lửa mới dành cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, để đối phó với khả năng bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo và chống lại các đơn vị tàu ngầm trinh sát tinh vi của đối phương.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự kiến chi khoảng 1 tỷ USD để nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 nhằm đối phó với việc Triều Tiên liên tiếp tiến hành nhiều vụ phóng tên lửa gần đây. Sau khi được nâng cấp, khả năng phòng thủ của hệ thống sẽ được nâng lên gần gấp đôi với khả năng đánh chặn mục tiêu đạn đạo ở khoảng cách 30km.
Ngoài ra, ngân sách quốc phòng 2017 còn được dành để sản xuất phiên bản Block IIA của hệ thống tên lửa Standard Missile-3 do Mỹ và Nhật Bản cùng phát triển để nâng cao năng lực phòng thủ tên lửa trên hạm.
Cùng với đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đặt mua thêm máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 do hãng Lockheed Martin chế tạo.
Giới chuyên gia quân sự nhận định, Nhật Bản đã buộc phải thay đổi chính sách thắt lưng buộc bụng đối trong lĩnh vực quốc phòng an ninh đã duy trì suốt 5 năm qua do các mối nguy cơ hiện hữu trong khu vực. Được biết, tổng chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản năm 2016 là 5.050 tỷ Yên.