Nhật Bản sẽ mua máy bay Mỹ để giám sát lãnh hải

Nhật Bản sẽ mua máy bay Mỹ để giám sát lãnh hải
TP - Nhật Bản đang cân nhắc mua một số máy bay do thám không người lái của Mỹ để tăng cường năng lực giám sát vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

> Hàn Quốc sẽ mua 4 máy bay không người lái của Mỹ
> ‘Kỷ nguyên mới’ của Không quân Mỹ

Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch đưa máy bay Global Hawk (Chim ưng toàn cầu) vào chương trình phòng vệ trung hạn của mình vào năm tài khóa 2015 để “chống lại việc khẳng định chủ quyền biển đảo của Trung Quốc ngày càng quyết liệt, đặc biệt liên quan quần đảo Senkaku”, hãng tin Kyodo của Nhật Bản dẫn lời các quan chức quốc phòng nước này hôm 31-12.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mới đây ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera xem xét lại chương trình phòng vệ trung hạn hiện nay, gồm có quy mô, vũ khí, khí tài của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Hồi năm 2010, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã có ý định mua ba máy bay Global Hawk.

Loại máy bay do thám hiện đại này được trang bị radar xuyên mây, camera kỹ thuật số và cảm biến hồng ngoại, cho phép phát hiện vật thể dài 30m khi bay ở độ cao 20km.

Cuối tháng 12-2012, Bộ Quốc phòng Mỹ chính thức thông báo Quốc hội nước này về kế hoạch bán cho Hàn Quốc bốn chiếc Global Hawk với tổng trị giá khoảng 1,2 tỷ USD.

Trong khi đó, Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất nhiều loại máy bay không người lái, cạnh tranh với Mỹ và Israel trong việc phát triển loại công nghệ được coi là tương lai của ngành hàng không quân sự.

Năm 2006, Trung Quốc lần đầu tiên giới thiệu mẫu máy bay không người lái của mình. Bốn năm sau, nước này trưng bày gần 30 mẫu, khiến các chuyên gia và quan chức quốc phòng phương Tây ngạc nhiên.

Từ tháng 9, khi Nhật Bản quốc hữu hóa ba hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc liên tục gửi tàu hải giám và máy bay giám sát tới khu vực quanh quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông, với mong muốn chứng tỏ rằng họ có thể đến đó lúc nào cũng được, báo chí Nhật Bản đưa tin ngày 1-1-2013. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản phát hiện ba tàu hải giám Trung Quốc trong vùng biển quanh Senkaku/Điếu Ngư hôm 31-12-2012.

Trung Quốc sẽ đóng thêm 36 tàu hải giám

Ngày 1-1, Cục Hải dương Nhà nước của Trung Quốc thông báo, hai tàu hải giám mang số hiệu 75 và 84 cùng máy bay do thám B-3843 của nước này vừa tuần tra vùng biển gần vịnh Bắc Bộ trên biển Đông - nơi có nhiều giàn khoan dầu khí.

Cơ quan này nói rằng, các tàu hải giám Trung Quốc thực hiện 58 nhiệm vụ tuần tra trên biển Đông trong năm 2012.

Mấy ngày qua, truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này vừa cải tạo và chuyển giao hai tàu khu trục cùng chín tàu khác (tàu kéo, tàu phá băng, tàu khảo sát) từng thuộc biên chế của hải quân nước này cho lực lượng hải giám.

Một tàu khu trục nhận nhiệm vụ tuần tra, giám sát ở biển Hoa Đông, chiếc còn lại hoạt động ở biển Đông. Tàu khu trục Nam Kinh phục vụ hải quân từ năm 1977, tàu khu trục Nam Ninh từ năm 1979, có lượng choán nước 3.250 tấn, tốc độ tối đa 32 hải lý/giờ, được trang bị súng 130mm với tầm bắn 29km, tên lửa chống tàu cùng nhiều loại vũ khí khác. Cả hai tàu chiến này nghỉ hưu năm 2012.

“Năng lực của đội tàu hải giám Trung Quốc đã tăng đáng kể, đảm bảo việc hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ lợi ích hàng hải”, ông Yu Zhirong công tác tại Trung tâm Nghiên cứu biển Trung Quốc (cơ quan nhà nước của Trung Quốc), nói. Theo ông Yu, kể từ năm 2000, hạm đội hải giám Trung Quốc tiếp nhận 13 tàu mới.

Tranh chấp biển đảo leo thang khiến số tàu hải giám tuần tra hằng ngày tăng từ 6 lên hơn 10 chiếc, ông Yu nói. Ông cho biết, Trung Quốc có kế hoạch đóng thêm 36 tàu hải giám từ nay đến năm 2015. “Tôi tin giới chức hải giám Trung Quốc sẽ đóng mới và mua thêm nhiều tàu và máy bay có thiết bị hiện đại, tính năng kỹ thuật cao”, ông Yu nói.

Ngày 31-12-2012, báo chí Đài Loan đưa tin hải quân Trung Quốc vừa bổ sung tàu khu trục tân tiến Liễu Châu cho hạm đội Nam Hải, nhằm bảo vệ “lợi ích của Trung Quốc” trên biển Đông. Tàu này thuộc lớp 054A, có khả năng qua mặt radar và tiêu diệt mục tiêu trong khoảng cách 50km.

Ngày 1-1-2013, quy định mới của tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) cho phép lực lượng biên phòng khống chế tàu thuyền nước ngoài trên biển Đông bắt đầu có hiệu lực, nhưng chỉ được áp dụng trong phạm vi 12 hải lý tính từ bờ biển đảo Hải Nam theo luật Trung Quốc thông qua năm 1999.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, nói: Quy định địa phương do chính quyền Hải Nam đưa ra chỉ nhằm tăng cường kiểm soát biên giới ven biển, quản lý hàng hải, ngăn chặn tội phạm, đảm bảo hòa bình trên biển.

Gia Tùng
Theo Kyodo, International Herald Leader, Xinhua, China Times

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG