Trong sự kiện được phát trực tiếp, động cơ chính của H3 đột ngột ngắt sau khi đồng hồ đếm ngược về 0, khiến tên lửa cao 57m và vệ tinh quan trắc ALOS-3 không thể rời khỏi bệ phóng tại cảng vũ trụ Tanegashima. Vệ tinh ALOS-3 còn được gắn cảm biến hồng ngoại để phát hiện tên lửa đạn đạo Triều Tiên.
Cơ quan vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết đang điều tra nguyên nhân thất bại.
Nhật Bản chế tạo tên lửa H3 nhằm tăng cường khả năng tự chủ về công nghệ vũ trụ và giành thị phần lớn hơn từ những đối thủ như SpaceX của tỷ phú Elon Musk.
Tên lửa này được thiết để đưa các vệ tinh chính phủ và thương mại lên quỹ đạo, cũng như đưa hàng tiếp tế lên Trạm Vũ trụ quốc tế. Theo chương trình hợp tác giữa Nhật Bản với Mỹ, các phiên bản tên lửa tiếp theo sẽ đưa hàng lên trạm vũ trụ Gateway mà NASA dự định thành lập để đưa người quay lại Mặt trăng.
Mỹ hứa sẽ dành cho Nhật một ghế trong các sứ mệnh thăm dò Mặt trăng có người đi theo.
Video tên lửa H3 không thể rời khỏi bệ phóng |
Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi, hãng chế tạo và quản lý vụ phóng H3, hy vọng tên lửa này sẽ phục vụ các tham vọng trên vũ trụ, trong bối cảnh SpaceX đã thành công trong các cuộc phóng vệ tinh bằng tên lửa tái sử dụng, trong đó có Falcon 9.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược công bố tháng 9 năm ngoái, chi phí cho mỗi lần phóng Falcon 9 lên quỹ đạo thấp của Trái đất là 2.600 USD/kg, trong khi chi phí phóng H-ll, phiên bản tiền nhiệm của H3, lên đến 10.500 USD.
“Với H3, chúng tôi muốn giảm một nửa chi phí cho mỗi lần phóng”, phát ngôn viên Mitsubishi Heavy cho biết trước cuộc phóng lần này.