> Nhật Bản 'hòa' với Hàn và 'rắn' với Trung!
> Trung Quốc đang làm gì trên biển?
“Trên lĩnh vực chính trị và an ninh, chúng tôi nhất trí tăng cường đối thoại chính sách, thúc đẩy hợp tác biển… Khi môi trường chiến lược thay đổi, chúng tôi cần chia sẻ thông tin về tình hình, cải thiện mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và hợp tác vì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng”, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nói với các phóng viên, sau buổi hội đàm với Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario.
Tháng trước, trả lời phỏng vấn báo Financial Times, Ngoại trưởng Albert del Rosario nói rằng, Philippines tích cực ủng hộ Nhật Bản tái vũ trang.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez khẳng định quan điểm của chính phủ nước này rằng, Nhật Bản nên nâng cấp lực lượng phòng vệ của mình để lực lượng này có thêm quyền hoạt động trong khu vực.
Ngày 10-1, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga chỉ trích kế hoạch của Trung Quốc liên quan việc thường xuyên tuần tra gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Ông Suga nói rằng, Senkaku là lãnh thổ vốn có của Nhật Bản và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với nhóm đảo không người ở này là “hoàn toàn không chấp nhận được và cực kỳ đáng tiếc”.
Ông tuyên bố: “Để bảo vệ quần đảo Senkaku, Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện mọi biện pháp giám sát, đề phòng”.
Trong cuộc họp báo cùng ngày, ông Suga cho biết, chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ tìm kiếm một hiệp ước hòa bình với Nga bằng cách giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với vùng lãnh thổ phương Bắc (mà Nga gọi là quần đảo Nam Kuril gồm 4 đảo, do nước này quản lý). Phía Nhật Bản gọi 4 đảo này là Habomais, Shikotan, Kunashiri và Etorofu.
Ông Suga nói Nhật Bản sẽ không tìm cách để cả 4 đảo này được trao trả cùng một lúc, một khi Nga công nhận chủ quyền của Nhật Bản đối với chúng.
Trước đó, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshiro Mori đề xuất rằng, Nhật Bản nên giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nga bằng cách lấy lại 3 đảo, trừ đảo Kunashiri.
Hôm qua, ông Suga nói rằng, đó chỉ là quan điểm cá nhân của ông Mori. Ông Abe có kế hoạch tháng sau gửi ông Mori tới Nga với tư cách đặc phái viên để phá thế bế tắc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Phương Anh
Theo Kyodo, Philipine Star, Voice of Russia