Vụ “Đà Nẵng khởi kiện nhân tài”:

Nhân tài kháng cáo, nhà nước khó thu hồi tiền tỷ

Những học viên trong Đề án 922 trong một lần nhận chứng chỉ. Ảnh minh họa: Nam Cường
Những học viên trong Đề án 922 trong một lần nhận chứng chỉ. Ảnh minh họa: Nam Cường
TP - Ngày 9/11, TAND thành phố Đà Nẵng cho hay, có 8 học viên đã gửi đơn kháng cáo sau khi án sơ thẩm tuyên các học viên này phải bồi hoàn gần 20 tỷ đồng cho thành phố Đà Nẵng trong vụ “kiện nhân tài” vừa qua. Như vậy, tòa sơ thẩm xử 8 vụ thì cả 8 “nhân tài” đều kháng cáo. Sắp tới, tòa sẽ mở phiên phúc thẩm.  

Đến nay, có 16 “nhân tài” (học viên đề án 922) bị Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực cao TP Đà Nẵng (CPHUD) khởi kiện, vì những người này khi học xong không chịu quay về làm việc cho Đà Nẵng như cam kết ban đầu. TAND thành phố và tòa cấp quận (xử học viên học trong nước) đã mở phiên sơ thẩm đối với 8 trường hợp. Theo tìm hiểu, các đơn kháng cáo đều muốn thành phố giảm nhẹ mức tiền bồi thường và xin được “trả góp”, vì mỗi trường hợp đều phải bồi thường số tiền rất lớn, hầu hết đều trên 1 tỷ đồng.

Theo LS Đỗ Pháp, việc khởi kiện các “nhân tài” là rất nhạy cảm và phức tạp. “Chiếu theo hợp đồng, tôi hoàn toàn ủng hộ và thông cảm cho thành phố khi phải giải quyết chuyện này ở tòa án. Tuy nhiên, thành phố cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng từng trường hợp cụ thể, sau đó mới quyết định khởi kiện. Tôi đã đọc hồ sơ và nhận thấy, có rất nhiều trường hợp đặc biệt, có hoàn cảnh và điều kiện đáng để lưu tâm”.

Theo LS Đỗ Pháp, những trường hợp nào quá chây ì, được bố trí công việc nhanh chóng, thuận tiện, nhưng vẫn cố vi phạm để theo học và hoàn toàn “phủi” kinh phí nhà nước cấp thì kiên quyết khởi kiện. Còn có nhiều học viên, vì điều kiện cũng như ngành học bắt buộc phải học lên cao nữa và công việc thành phố bố trí cũng chưa phù hợp thì nên xem lại. Một số người nhà của các “nhân tài” thua kiện cho hay, việc bồi hoàn tiền tỷ cho thành phố như phán quyết của tòa là quá nặng và nằm ngoài khả năng chi trả. “Tòa phải giảm bớt số tiền chi trả cho chúng tôi, không được một nửa thì cũng được 1/4 và cho chúng tôi trả góp chứ nếu trả một lần thì rất khó, phải bán nhà” - ông H.B (một phụ huynh) bày tỏ.

Thi hành án rất nhạy cảm (?)

Theo LS Đỗ Pháp, ông nói các bên phải ngồi lại với nhau cùng đưa ra một giải pháp tốt hơn, khả dĩ hơn nữa, bởi vì khi tòa phán quyết xong thì đến việc thi hành án cũng “rất nhạy cảm”.

LS Đỗ Pháp cho rằng, mặc dù chiếu theo hợp đồng của thành phố nhưng vẫn hợp đồng gì thì cũng phải tuân theo luật. Ở đây, phải tìm hiểu cặn kẽ, luật dân sự thương mại có cho phép bắt buộc phải đền số tiền gấp 5 lần, rồi sau đó giảm xuống còn gấp 2 lần như thế không. LS Đỗ Pháp cho rằng, hợp đồng với các học viên (những trí thức ra nước ngoài học hành), vì thế sẽ không dễ để thi hành án một cách nhanh chóng. “Nói gì thì nói, họ (những học viên đề án 922 - PV) cũng là những người tài, nếu sau này, thi hành án bắt buộc phải thu hồi nhà, tài sản của cha mẹ các em thì đó là “cái rất phức tạp và nhạy cảm”, sẽ dễ khiến dư luận cố tình nhầm lẫn và suy nghĩ không hay về thành phố Đà Nẵng.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến - Gám đốc CPHUD, trong số 630 học viên tham gia đề án 922, có 402 học viên đã tốt nghiệp, thành phố đã bố trí công tác cho 371 học viên. “Số còn lại được đi học tiếp, đó là những người xuất sắc trong lĩnh vực họ học đang học tập nghiên cứu và cũng được thành phố lựa chọn kỹ vì vị trí công việc tương lai của họ thực sự cần phải học cao hơn nữa. Tuy nhiên, kể từ bây giờ, tất cả học viên tốt nghiệp đều phải trở về, những học viên muốn học tiếp, bằng kinh phí nhà nước hoặc tự bỏ ra đều phải có ý kiến của thường vụ thành ủy” - ông Chiến nói.

Ngày 2/11, UBND TP Đà Nẵng đã trao quyết định tiếp nhận bố trí công tác cho 21 học viên thuộc đề án nhân lực chất lượng cao.

MỚI - NÓNG