Nhan nhản cây độc trên đường phố, khu dân cư

Nhan nhản cây độc trên đường phố, khu dân cư
TP - Sau trúc đào, loài cây có hoa đẹp nhưng độc tính cao được trồng khắp đường phố, công viên, trường học... sắp tới, cây sò đò cam- một loại gây hại đến quần thể sinh học cũng được trồng tại Đà Nẵng.

Đà Nẵng:

Nhan nhản cây độc trên đường phố, khu dân cư

Dọc đường Tôn Đức Thắng (quận Liên Chiểu), hàng trăm cây trúc đào cao trên dưới 1m được trồng dọc dải phân làn giữa đường. “Thấy hoa đẹp, còn độc thế nào thì chúng tôi chịu” - bà Trần Kim Hương (56 tuổi), chủ tiệm tạp hóa gần đó, nói. Tại các tuyến đường Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Tất Thành… những gốc trúc đào được trồng phổ biến nhằm tạo cảnh quan. Tại phường Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu), những gốc cây trúc đào to cao được trồng sát điểm vui chơi, cầu trượt, đu quay cho các em nhỏ. Theo anh Phan Văn Tân (37 tuổi), hộ dân gần đó: “Mấy cháu nhỏ nhà tôi vẫn hay ra đây chơi vào dịp chiều tối. Cây nở hoa đẹp là chúng còn đến hái nghịch”.

Dọc cửa hàng hoa, cây cảnh trên đường Hà Huy Tập, Điện Biên Phủ, Phan Đăng Lưu… cây trúc đào được bày bán khá phổ biến. Chị Ly, chủ hàng hoa trên đường Hà Huy Tập ra giá vài chục đến hơn 100.000 đồng tùy theo gốc to nhỏ. Theo chị này: trúc đào có đặc điểm cho hoa quanh năm, màu sắc đẹp, sặc sỡ, dễ trồng, dễ chăm sóc.

Ông Đặng Đức Thứ, Giám đốc Cty Công viên - cây xanh Đà Nẵng (Sở Xây dựng) xác nhận: Trúc đào có tên khoa học Nerium Oleander có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, loài cây này có độc tố, nhiều nhất trong nhựa cây.

Theo tài liệu y khoa: các chất trong cây trúc đào có tác dụng mạnh đối với tim. Khi ăn, dính nhựa cây có khả năng gây nôn mửa, người mệt lả, nhức đầu, chóng mặt đau bụng. Ngộ độc nặng hơn thì có thể trụy tim, tụt huyết áp, hôn mê rối loạn nhịp tim, dần dần thiếu ôxy lên não. Nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Có những người bị ngộ độc nặng do uống nước đựng trong chai nút bằng thân cây trúc đào, hay do uống nước suối rễ cây trúc đào mọc ở gần.

Lãnh đạo Cty Công viên - cây xanh Đà Nẵng cho hay: Theo phương án chỉnh trang thay đổi cây xanh bóng mát một số tuyến phố Đà Nẵng năm 2011, tháng 11 tới, hơn 100 cây sò đò cam sẽ được trồng thay thế cây tạp, cây viết trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận Hải Châu).

Cây sò đò cam (còn gọi tulip châu Phi, Uất kim hương châu Phi) liệt vào danh mục thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Nó có khả năng thích nghi, phát triển, tăng nhanh số lượng cá thể trong hệ sinh thái hoặc nơi sống mới, gây ra mối đe dọa đa dạng sinh học bản địa. Mới đây, tại Lâm Đồng việc phát triển loại cây này đã gây ra lo ngại (báo Tiền Phong đã phản ánh). Nay, loài cây này đang được “tạo điều kiện” phát triển tại Đà Nẵng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG