Nhân lên tinh thần Phật giáo Việt

Nhân lên tinh thần Phật giáo Việt
TP - Sau mộc bản triều Nguyễn và văn bia tiến sĩ Quốc Tử Giám, mộc bản kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang chính thức trở thành di sản tư liệu thế giới.

> Cơ hội nào cho mộc bản Vĩnh Nghiêm?

Đây là sự vinh danh cho một tinh thần Phật giáo đã góp phần định hình nền tư tưởng của người Việt nhiều thế kỷ qua.

Đại đức Thích Thanh Vịnh giới thiệu mộc bản Ảnh: Nguyễn Trường
Đại đức Thích Thanh Vịnh giới thiệu mộc bản. Ảnh: Nguyễn Trường.

“Tàng kinh các” của Thiền phái Trúc Lâm

Vĩnh Nghiêm tự nằm ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng. Trên hành trình về Yên Tử, đây được coi là vùng đất địa linh: Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm/ Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa thành.

Trong quá trình hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm, một tôn giáo thuần Việt do Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, Vĩnh Nghiêm tự là trung tâm truyền giáo phật pháp, nơi thọ giới, quy y cho vua quan trong triều và thứ dân trong nước.

Chùa có tới hai nhà thờ tổ: Nhà tổ đệ nhất thờ Trần Nhân Tông, nhà tổ đệ nhị thờ Pháp Loa Huyền Quang. Đặc biệt, Vĩnh Nghiêm không thờ Đạt Ma sư tổ (Thích Ca Mâu Ni) mà chỉ thờ người Việt Nam sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm: Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.

Đại đức Thích Thanh Vịnh, Phó trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, cho biết: Từ những năm đầu thế kỷ XIV, sư tổ đệ nhị của Thiền phái Trúc Lâm đã cho san khắc các bộ kinh luật tại chùa… Tuy nhiên, do chính sách hoại thư của nhà Minh nên đầu thế kỷ XV, các mộc bản này bị huỷ hoại.

Vào cuối thế kỷ XVI, các sư tổ chùa Vĩnh Nghiêm tiếp tục cho san khắc một số mộc kinh, song hầu hết bị thất lạc. Phải đến những năm giữa thế kỷ XVIII (triều vua Lê Cảnh Hưng) đến đầu thế kỷ XX, các bản mộc kinh mới được san khắc nhiều, trên chất liệu gỗ thị và được bảo quản chu đáo đến ngày nay.

Thống kê hiện nay cho thấy, toàn bộ kho mộc kinh hiện vẫn còn hơn 3.000 bản lẻ. Đây được coi là bộ sưu tập mộc bản kinh sách Phật duy nhất hiện còn được lưu giữ về Thiền phái Trúc Lâm.

Hành trình trở thành di sản thế giới

Nhận thấy những giá trị vượt thời gian của kho mộc bản, năm 1964, Bộ Văn hóa công nhận đây là Di sản lịch sử-văn hóa hạng A (di sản cấp quốc gia).

Bắt đầu từ năm 2009, ngành văn hóa Bắc Giang khảo sát, đánh giá thực trạng kho mộc bản, kiểm kê, vệ sinh, phân loại, mã hóa, xây dựng hồ sơ và sắp xếp thành các bộ kinh cho hợp lý và khoa học, đồng thời cho in dập ra giấy dó, dịch thuật và đóng quyển, chụp ảnh, quay video, lược thuật, mã hóa (kí hiệu bảo tàng) toàn bộ kho mộc bản để tiện cho việc quản lý, bảo quản, sử dụng…

Trên cơ sở đó, năm 2010, Sở VH-TT-DL Bắc Giang lập hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới và mời các nhà nghiên cứu hàng đầu quốc gia về làm việc, nghiên cứu.

Ông Nguyễn Thế Chính, Giám đốc Sở VH-TT-DL Bắc Giang, cho biết: Trong số các cuốn sách mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm, chỉ có 2 cuốn là kinh Phật, còn lại là luận giải của các thiền sư và những kiến thức liên quan đến y thuật, tác phẩm văn học…Mặt khác, Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông là người sáng lập, mang những dấu ấn riêng của người Việt Nam.

Đặc biệt cuốn mộc bản Thiền tông bản hạnh được Quỹ bảo tồn di sản chữ Nôm (the Vietnammese Nôm Preservation Foundation, USA) lấy làm mẫu cho font chữ Nôm trên mã Unicode (kí hiệu NomNaTongLight.ttf). Điểm khác biệt nữa của mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là dùng cả chữ Hán và chữ Nôm trong khi mộc bản của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc chỉ dùng chữ Hán…”.

Ngày 16-5, phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương công nhận mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 100% phiếu bầu.

Tiếp tục bảo tồn, phát huy

Bên cạnh các giáo lý phật pháp, chủ đề quan trọng của các bản khắc gỗ này thể hiện tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm: Tự lực (từ bỏ sự mê tín vào các thế lực siêu nhiên, coi Phật luôn ở trong tâm mỗi người) và tuỳ duyên: Sống thuận theo tự nhiên, lạc quan trước mọi hoàn cảnh. Đây là tư tưởng khá hiện đại trong thời phong kiến, mang tính nhân văn, dân tộc sâu sắc.

Làm thế nào để nhân lên những tư tưởng của thiền phái này, để nhiều người hiểu về giá trị to lớn của mộc bản kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm cũng như thiền phái Trúc Lâm chính là điều mà những người làm quản lý văn hóa ở Bắc Giang đang trăn trở.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và tăng cường bảo vệ, bảo quản tốt kho mộc bản tránh sự hư hại, mất mát, tích cực phối hợp tuyên truyền, quảng bá về ý nghĩa của di sản tới đông đảo người dân trong và ngoài nước”, ông Chính nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.