Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội, Tú quen biết Nguyễn Văn Vân (sinh năm 1964, ở huyện Gia Lâm, Hà Nội). Cả hai bàn bạc với nhau cùng tổ chức cho các con bạc đánh bạc dưới hình thức xóc đĩa trên thuyền ở sông Hồng, thuộc địa bàn xã Văn Đức, huyện Gia Lâm để lấy tiền tiêu xài.
Để tổ chức đánh bạc, Vân sử dụng hai thuyền của gia đình, trong đó một thuyền bé để đưa đón con bạc còn thuyền lớn neo đậu trên sông để cho các con bạc đánh bạc.
Cựu công an xã (phía sau) trả giá vì bảo kê sới bạc. (Nguồn: Lao Động) |
Khách đánh bạc chủ yếu do Vân giới thiệu hoặc khách tự tìm đến. Mỗi ngày, Tú và Vân tổ chức hai ca đánh bạc vào chiều và đêm. Các đối tượng còn tổ chức cho người có mặt tại sới bạc để cho con bạc vay tiền. Khách đánh bạc phải trả cho Tú và Vân 1 triệu đồng/canh bạc.
Cơ quan điều tra xác định, mỗi tháng Tú được chia 15-30 triệu đồng. Tú được nhận khoảng hơn 100 triệu đồng. Để hoạt động đánh bạc không bị xử lý, đầu tháng 2/2022, Tú, Vân liên hệ với Quỳnh và đặt vấn đề, hằng tháng trước ngày mồng 10, Tú hoặc Vân sẽ đưa cho Quỳnh 10 triệu đồng tiền “phế” để Quỳnh cho sới bạc hoạt động mà không kiểm tra, xử lý. Quỳnh đồng ý với yêu cầu trên. Ngày 9/2/2022, Quỳnh nhận 10 triệu đồng của Tú.
Do thấy khách đến chơi đông, Quỳnh yêu cầu chi thêm 5 triệu đồng. Kể từ tháng 3/2022, Tú và Vân đã đưa cho Quỳnh 15 triệu đồng. Tổng số tiền Quỳnh đã nhận hối lộ là 75 triệu đồng.
Sau khi vụ án bị phát hiện, Tú và Vân bị cơ quan điều tra khởi tố về tội “Đưa hối lộ”. Trong giai đoạn điều tra, Vân đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã, tách hành vi của Vân để xử lý sau.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã gửi văn bản đề nghị Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội xem xét trách nhiệm của Công an huyện Gia Lâm và Công an xã Văn Đức trong công tác quản lý cán bộ.
Công an thành phố đã chấn chỉnh, rút kinh nghiệm chung đối với sai phạm trên, đồng thời có hình thức xử lý đối với Phó Trưởng Công an huyện Gia Lâm, Trưởng và Phó Trưởng Công an xã Văn Đức.