Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp các già làng trưởng bản tại Phủ Chủ tịch |
Toàn bộ quyền lực của nhà nước đều bắt nguồn từ nhân dân
Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vai trò là chủ, làm chủ của nhân dân. Vì vậy trong tư tưởng của Người, Nhà nước phải là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; phải phục vụ nhân dân. Bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo, đã thể hiện đầy đủ tinh thần ấy, ghi nhận các quyền con người và quyền công dân. Theo Người, nhân dân là chủ thể quyền lực nhà nước. Toàn bộ quyền lực của nhà nước đều bắt nguồn từ nhân dân.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thứ nhất, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Nhà nước pháp quyền |
Từ bản Hiến pháp đầu tiên cho đến nay quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII mới đây cũng đã nhấn mạnh yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội.
Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” với 21 thành viên, bao gồm 8 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Với trách nhiệm Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, mới đây Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với 12 nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong giới nghiên cứu lập pháp để lắng nghe những ý kiến góp ý tâm huyết… Theo Chủ tịch nước, tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền của nước ta trong thời kỳ đổi mới đến nay đã làm cho đất nước phát triển tốt hơn, ổn định; đời sống nhân dân được cải thiện; cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội được xây dựng trên mọi mặt. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như đổi mới chưa đồng bộ giữa kinh tế và tổ chức, bộ máy; cơ chế kiểm soát quyền lực; cơ chế giám sát, vai trò giám sát của nhân dân, cơ quan dân cử chưa đạt mong muốn đề ra. Vì thế, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định và nhấn mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.
“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần làm tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các quy định của Đảng, Nhà nước. Tăng cường giám sát để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, ổn định xã hội, phát triển toàn diện và bền vững đất nước. Mặt trận Tổ quốc phải tiếp tục làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp giữa các tổ chức thành viên trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội; phát huy tối đa trí tuệ của các nhà khoa học, những chuyên gia giàu kinh nghiệm tham gia xây dựng pháp luật, phản biện, đóng góp ý kiến hoàn thiện khâu đột phá về thể chế phát triển đất nước, thể chế phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là những vấn đề quốc kế dân sinh, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của quần chúng nhân dân.
(Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị MTTQ Việt Nam triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tổ chức ngày 16/8)
Theo GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (một trong 12 nhà khoa học, chuyên gia được Chủ tịch nước mời tham dự buổi làm việc), khi nói đến Nhà nước pháp quyền thì việc đầu tiên phải là thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đã nhấn mạnh tính giai cấp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Qua bài viết của Tổng Bí thư mà tôi hiểu, bản chất giai cấp của Nhà nước là của dân, do dân và vì dân. Chủ quyền của Nhân dân cao hơn quyền lực của Nhà nước. Bản chất Nhân dân của Nhà nước ta phải được thể hiện sâu sắc, xuyên suốt trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, cũng như thể chế hóa các quy định của pháp luật để làm sao quyền lực của Nhà nước thực sự là của Nhân dân”, GS Trần Ngọc Đường, khẳng định.
Kiểm soát quyền lực bên ngoài là “hồi chuông cảnh tỉnh” với bộ máy nhà nước
Nói đến Nhà nước pháp quyền là nói đến phân công quyền lực một cách minh bạch giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để phát huy trách nhiệm của các quyền. GS Trần Ngọc Đường cho rằng, đây là vấn đề rất mới ở nước ta và được đề cập trong những năm gần đây. “Điều quan trọng là cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát của xã hội với Nhà nước - đó là nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước. Nhân dân là chủ thể của quyền lực Nhà nước nên phải kiểm soát quyền lực mà mình đã giao cho Nhà nước”, GS Đường chia sẻ.
Theo GS Trần Ngọc Đường, việc kiểm soát này được thực hiện thông qua một số chủ thể như, các tổ chức, chính trị, xã hội, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; các tổ chức nghề hiệp, hiệp hội, doanh nghiệp… Cá nhân công dân thực hiện kiểm soát quyền lực qua các quyền như ứng cử, bầu cử, khiếu nại, tố cáo… Cùng với đó là vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong thực hiện kiểm soát quyền lực Nhà nước. “Có thể nói, kiểm soát bên ngoài chính là hồi chuông cảnh tỉnh đối với bộ máy Nhà nước trong việc thực hiện quyền lực”, GS Đường bày tỏ quan điểm.
“Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục xác định việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”, trích phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp thứ Nhất, ngày 3/7 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”
Một cơ chế kiểm soát quyền lực nữa được GS Trần Ngọc Đường chỉ ra là kiểm soát bên trong giữa các nhánh quyền lực. “Trong mỗi nhánh quyền cũng phải kiểm soát mình, bởi bản thân mình mà không kiểm soát được thì đừng nói đến kiểm soát người khác. Theo đó, mỗi quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp phải có cơ chế kiểm soát nội bộ để bản thân các nhánh quyền lực này làm đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật”, GS Đường nói. Trước đây khi nói đến kiểm soát quyền lực thì chỉ nói đến việc kiểm soát giữa Quốc hội với các cơ quan hành pháp, tư pháp, thông qua giám sát, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, chất vấn… Tuy nhiên cũng cần phải chú ý đến việc kiểm soát của tư pháp với hành pháp, lập pháp. Tương tự, hành pháp cũng phải kiểm soát hoạt động của tư pháp. Cũng theo GS Trần Ngọc Đường, khi nói đến Nhà nước pháp quyền là nói đến quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp đã có nhiều quy định tiến bộ về vấn đề này, trong thực tiễn chúng ta cũng đã từng bước thừa nhận và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên cần sớm thể chế hóa những quy định được Hiến định như quyền biểu tình, quyền hội họp…
Về mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, GS Trần Ngọc Đường cho rằng, trong điều kiện một Đảng cầm quyền, đòi hỏi Đảng phải nâng cao năng lực lãnh đạo của mình trong việc thực hiện chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đảng cũng phải tự đổi mới mình để làm sao xứng đáng là lực lượng lãnh đạo. Muốn thế thì các tổ chức của Đảng, các đảng viên phải thượng tôn pháp luật. Khi tổ chức đảng, đảng viên thượng tôn pháp luật thì các cán bộ, nhân viên nhà nước trong các cơ quan Nhà nước cũng thượng tôn pháp luật.