Nhân chứng sóng thần Indonesia: 'Gió rít inh tai, sóng ầm ầm đổ vào'

Ng Kok Choong (ảnh trái) và các thành viên đội nhảy dù tới Palu tham dự cuộc thi nhưng bị hủy bỏ vì thảm họa động đất, sóng thần. Ảnh: CNA.
Ng Kok Choong (ảnh trái) và các thành viên đội nhảy dù tới Palu tham dự cuộc thi nhưng bị hủy bỏ vì thảm họa động đất, sóng thần. Ảnh: CNA.
Ng Kok Choong vừa rời khách sạn thì mặt đất bỗng nhiên rung lắc dữ dội và chẳng mấy chốc sóng thần ập tới.

Ng Kok Choong, 53 tuổi, một người Singapore đã nghỉ hưu, tới thành phố Palu trên đảo Sulawesi, Indonesia để tham gia một cuộc thi nhảy dù. Khi ông vừa ra khỏi khách sạn Mercure hôm 28/9 thì động đất xảy ra, theo Channel New Asia.

"Tôi ngã nhào xuống đất, không kịp ngồi xuống giữ thăng bằng. Tôi lăn từ chỗ nọ sang chỗ kia, thậm chí nhìn thấy một chiếc xe ngựa cũng bị lật", Ng nhớ lại những khoảnh khắc đầu tiên khi trận động đất 7,5 độ diễn ra ở ngoài khơi Palu làm rung chuyển thành phố.

"Tôi thấy khách sạn rung rung như miếng thạch khiến bụi mù mịt và sau đó sập xuống", Ng kể tiếp.

Ông và người bạn Francois chỉ cách khách sạn 50 mét khi nó sụp xuống. Rồi ông tiếp tục nhận thấy mặt biển ở phía trước khách sạn bắt đầu dồn dập sóng - dấu hiệu của sóng thần.

Hai người vội chạy tới nơi cao hơn tìm chỗ trốn nhưng dừng lại khi phát hiện một cô bé và mẹ mắc kẹt dưới đống đổ nát.

"Họ đang khóc vì hoảng sợ. Chúng tôi chạy đến, cố kéo họ ra. Chúng tôi kéo được cô bé con ra ngoài, nhưng người mẹ vẫn bị kẹt", Ng nói thêm. Lúc đó, ông nhìn thấy cơn sóng thần đang ập đến trước mắt.

"Bạn tôi bế cô bé lên, chạy theo hướng ngược lại với sóng thần. Anh ấy leo lên cây, ngồi ở đó cùng với bố con cô bé", Ng kể lại. "Chúng tôi không thể cứu được người mẹ".

Tình huống lúc đó rất "ồn ào và đáng sợ", gió rít inh tai, sóng ầm ầm và nhà cửa rung chuyển. Ng tìm được vùng đất cao hơn, ở lại đó tới khi sóng thần qua đi. Sau 30 phút, khi xác định tình hình đã an toàn, anh quay lại chỗ mẹ cô bé. Thật may mắn người mẹ vẫn sống sót, đang kêu cứu và hét lên đau đớn vì bị mảng bêtông đè lên đùi.

"Tôi quay lại, ở bên cô ấy vì không thể giúp được gì. Tôi nghĩ cô ấy sắp chết. Cô ấy kẹt ở đó khoảng một tới hai tiếng, cho tới khi vài người dân địa phương chạy tới giúp đỡ. Chúng tôi nâng được mảng bêtông lên và kéo cô ấy ra", người đàn ông Singapore nhớ lại.

Nhân chứng sóng thần Indonesia: 'Gió rít inh tai, sóng ầm ầm đổ vào' ảnh 1 Francois, bạn của Ng, an ủi cô bé mà họ cứu được trong thảm họa. Ảnh: CNA.

Cuối cùng, ông được chỉ tới một trung tâm cứu hộ khẩn cấp do một số người địa phương thành lập, nơi Ng gặp lại anh bạn Francois và bé gái. Trung tâm cung cấp cho Ng và khoảng 40 người sống sót khác chăn đệm, nước uống.

"Một số người đã khóc, nhưng nói chung tất cả đều bình tĩnh", Ng nói. 

Sau đó, ban tổ chức cuộc thi nhảy dù tìm thấy Ng và Francois, đưa họ tới một cánh đồng trống và hướng dẫn họ ở đó tới khi trời sáng.

"Suốt đêm chúng tôi vẫn cảm thấy rung chấn", Ng cho hay.

Ban đầu ông không thể liên lạc với gia đình vì đường dây điện thoại và mọi kết nối bị gián đoạn do động đất, sóng thần. Sau đó, ông liên lạc được với vợ và hướng dẫn bà thông báo cho Bộ Ngoại giao Singapore về tình hình của mình.

Hôm sau, Ng tìm đường trở về khách sạn Mercure. "Trên đường đi, tôi thấy con phố chính chạy dọc bãi biển bị hư hại. Lều bạt bị cuốn trôi, nhà cửa sụp đổ, rác rưởi khắp nơi", ông nói. Ng trèo lên tầng thứ 4 của khách sạn bằng một cái thang, lấy búa đập vỡ cửa sổ và lấy lại đồ đạc, bao gồm hộ chiếu.

Với sự giúp đỡ của ban tổ chức cuộc thi dù lượn, lực lượng không quân Indonesia đã tiến hành một cuộc sơ tán tại sân bay nội địa Palu. Những người được sơ tán, bao gồm Ng, được đưa lên máy bay quân sự lúc đầu giờ chiều hôm 29/9 và hướng về Makassar, sau đó là Jakarta.

"Sân bay không mở cửa cho máy bay dân dụng vì tháp không lưu đã đổ sập", Ng cho biết. Khi đến Jakarta, Ng đặt chuyến bay về Singapore. Ông về nước lúc nửa đêm ngày 30/9.

Nhân chứng sóng thần Indonesia: 'Gió rít inh tai, sóng ầm ầm đổ vào' ảnh 2 Quang cảnh khách sạn Mercure sau động đất và sóng thần. Ảnh: CNA.

"Tôi rất vui khi gặp lại vợ và về đến nhà", ông nói. Ng khi đó cũng biết tin 5 thành viên trong đội dù lượn của mình vẫn đang mất tích. "Trải nghiệm này thực sự rất sốc. Tôi nhận ra chẳng thể chuẩn bị trước cho một trận động đất thế này".

"Tôi cứ cho rằng chúng ta có thể học mọi thứ để đối phó khi có động đất, nhưng lúc nó đột ngột xảy ra, lực chấn động quá mạnh, ta thậm chí không thể chạy trốn", Ng bày tỏ. "Tôi quá may mắn khi lúc đó vừa ra khỏi khách sạn".

Động đất mạnh 7,5 độ ngoài khơi đảo Sulawesi xảy ra vào chiều tối 28/9 tạo ra sóng thần tàn phá khu vực ven biển Palu và thị trấn Donggala. Giới chức ước tính ít nhất 1.200 người thiệt mạng và dự kiến tiếp tục gia tăng. Lực lượng cứu hộ Indonesia đang chạy đua tìm kiếm nạn nhân còn mắc kẹt ba ngày sau thảm họa. Khoảng 16.700 người mất nhà cửa và 2,4 triệu người cần viện trợ nhân đạo. Chính phủ Indonesia đã chi 37 triệu USD ứng cứu khẩn cấp.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.