Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: Tôi không còn muốn làm thợ đàn

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: Tôi không còn muốn làm thợ đàn
TP - Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tâm sự, ông cảm thấy mệt mỏi với đời sống âm nhạc xô bồ. Ít người biết, đời ông gắn bó với một thời âm nhạc Sài Gòn sôi động. Với Trịnh Công Sơn ngày sáng tác bài hát đầu tiên - “Ướt mi”. Với những ca sỹ lừng danh Lệ Thu, Khánh Ly, Thanh Thúy, Elvis Phương…

> Nguyễn Ánh 9: Im lặng là vàng
> Nguyễn Ánh 9 từ giã sân khấu ca nhạc

Tôi gặp nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lần đầu tiên qua lời giới thiệu của ca sĩ Ánh Tuyết tại một quán cà phê gần chùa Vĩnh Nghiêm. Khi đó nom ông khá tươi tắn, nụ cười hóm hỉnh. Sau đó không lâu, ông tuyên bố giã từ sân khấu lớn để trở về với không gian âm nhạc phòng trà.

Lần này, tôi tìm đến phòng trà nhỏ cách không xa sân bay Tân Sơn Nhất để tìm ông. Câu đầu tiên ông thốt lên là: “Tôi cảm thấy quá sức mệt mỏi”.

Người nhạc công thầm lặng

“Tôi quê gốc ở Điện Bàn, Quảng Nam. Nhà không có ai theo nghề nhạc, tôi là người duy nhất trong nhà đi chơi nhạc. Tôi tự học đàn và tự học sáng tác. Lúc đầu cũng đàn chập chững, rồi nghề dạy nghề. Trịnh Công Sơn khi viết bài Ướt Mi ở phòng trà Anh Vũ đường Bùi Viện, nơi đào tạo các ca sĩ nổi tiếng như Thanh Thúy, Lệ Thu, sau này là Khánh Ly... Chính tôi là người tập cho Thanh Thúy hát bài đầu tiên đó của Trịnh Công Sơn”.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Ánh (tên thật của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9) dường như không bị thôi thúc bởi khát vọng nổi tiếng hay sự thúc đẩy bởi nhu cầu gửi đi những thông điệp? Ông chăm chút công việc đệm đàn: “Lúc đó ban nhạc có nhạc trưởng, tôi chỉ lo phần việc đệm piano của mình. Khi nhạc trưởng nghỉ tôi mới lên phụ trách, viết hòa âm, phần đệm”.

Những năm 1960, sau khi làm ở phòng trà Anh Vũ ở Sài Gòn, 11 rưỡi khuya nghỉ, chàng trai trẻ qua vũ trường học hỏi nghề nghiệp của ban nhạc Philippines. Một thời gian, người đàn của họ không làm nữa, họ mời Nguyễn Đình Ánh vào ban nhạc. Khi đó các ban nhạc Philippines nổi tiếng, gần như đứng đầu châu Á về trình độ biểu diễn. “Tôi đã làm việc với họ mấy năm, nhờ đó biết thêm nhiều kiến thức mới” - nhạc sĩ kể lại.

Tài năng đệm đàn của ông được khẳng định. Năm 1970, chính ông là người đi sang Nhật Bản cùng Khánh Ly để giới thiệu trên đài truyền hình Nhật Bản hai ca khúc của Trịnh Công Sơn là Diễm xưa và Ca dao me. “Phía Nhật Bản yêu cầu đệm bằng đàn ghi ta cho hợp với phong cách của Trịnh Công Sơn và tôi đã đệm cho Khánh Ly bằng ghi ta”.

Đằng sau các sáng tác, đôi khi còn là câu chuyện cuộc đời. Khánh Ly chơi thân thiết với cả hai chàng trai, Trịnh Công Sơn - tác giả bài hát và Nguyễn Đình Ánh, người đệm cho cô hát ca khúc ấy. Sau chuyến đi, hai tác phẩm của Trịnh Công Sơn được giới thiệu phổ biến ở Nhật Bản. Cũng trong chuyến đi đó, bài “Không” cũng ra đời.

30 tuổi nổi danh với bài hát đầu tay

“Không! Không! Tôi không còn yêu em nữa”. Lời bài hát của Nguyễn Đình Ánh đã từng làm thổn thức bao trái tim.

Nhạc sĩ kể rằng hôm đó, ở Nhật, sắp đi lên cầu thang, bất chợt ông nhìn Khánh Ly và cất lên tiếng hát. Tôi hỏi: “Người con gái trong bài nhạc là ai?”. Ông nói: “Mối tình với một người bạn tuổi học trò. Gia đình muốn môn đăng hộ đối. Tính là sẽ học thành tài thì kết sui gia. Nhưng rồi...”. Ông lại kể: “Hồi đó Khánh Ly mới 18 tuổi, hát ở phòng trà Anh Vũ. Cô ấy hay đi coi phòng trà đó, ai cũng đinh ninh cặp này sẽ cưới nhau cơ đấy”. Tôi hỏi vui: “Cô ấy... có phải Khánh Ly không?”. Người nhạc sĩ già lắc đầu: “Không, không”.

Chuyến đi Nhật lúc ấy, Nguyễn Đình Ánh đã có vợ và hai con... Ba mươi tuổi, bất ngờ, người đàn ông có gia đình đầm ấp hạnh phúc ấy lại thốt lên một lời hát đầu tiên trong đời mình: “Không! Tôi không còn yêu em nữa”.

Sau chuyến đi Nhật về thì có đại nhạc hội. Khánh Ly nói với Nguyễn Đình Ánh: “Anh nên viết tiếp bài Không hôm nọ đi, để hát trong nhạc hội lần này”. Nguyễn Đình Ánh bèn viết thêm đoạn giữa, còn đoạn đầu và đoạn cuối của bài hát giai điệu giống nhau. Khi diễn ra đại nhạc hội, Khánh Ly đã nhường cho Elvis Phương hát bài Không, còn cô hát ca khúc của Trịnh Công Sơn. Ngay lập tức ca khúc Không gắn với nghệ danh nhạc sĩ “Nguyễn Ánh 9” phổ biến khắp nơi.

Sở dĩ nhạc sĩ lấy tên Nguyễn Ánh 9 làm bút danh là để tránh trùng tên với một vị vua Triều Nguyễn và mong một điều gì đó tốt đẹp sẽ tới, đồng thời: “Chưa có ai lấy số làm tên, nên cũng là cách để người ta biết đến mình” - Ông nói như vậy.

“Không” và Đặng Lệ Quân

“Đặng Lệ Quân, danh ca, người đẹp nổi tiếng của Hồng Kông, Đài Loan và châu Á đã hát bài Không khoảng năm 1971, 1972 gì đó”. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhớ lại, vào thời điểm ấy, bài hát phổ biến ở Việt Nam và tiền tác quyền bán bản in bài nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhận được đủ mua một chiếc ô tô.

“Vào năm 1971, bài Không thịnh hành ở Hồng Kông, Đài Loan đến mức hang cùng ngõ hẽm đều nghe thấy hát” - ông nhớ lại. “Có thể Đặng Lệ Quân không biết đó là bài hát của tôi. Khi hát ở Nhật, cô đề: nhạc Coppy, không biết nhạc của ai. Sau này cô ấy mới biết nhạc của tôi”.

Các bài hát Việt Nam phổ biến ở châu Á là cực ít. Nổi tiếng nhất có bài Nắng Chiều (Lê Trọng Nguyễn) phổ biến trong tiếng Nhật, tiếng Hoa, tiếng Anh, tiếng Thái, tiếng Campuchia, bài Diễm Xưa, Ca dao mẹ (Trịnh Công Sơn) phổ biến trong tiếng Nhật. Giờ đây, Nguyễn Ánh 9 thật bất ngờ khi bài Không của mình cũng phổ biến trong tiếng Nhật và tiếng Hoa. “Tôi không hiểu vì sao mọi người thích bản nhạc của tôi- ông nói - có lẽ nó có nét giai điệu và ca từ phù hợp với đông đảo người châu Á chăng?”.

Ngày nay, tìm trên Youtube người ta vẫn thấy ca khúc Không, được Đặng Lệ Quân biểu diễn rất tình cảm. Theo Nguyễn Ánh 9, ca sĩ Khánh Ly đã nhường cho Elvis Phương hát bài Không trên sân khấu, còn cô đã thu đĩa bài này. “Tôi cũng như Trịnh Công Sơn, coi Khánh Ly như một người em gái vậy đó”- nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nói: “Sau bài Không, tôi viết tiếp các bài Không 2, Một lần cuối cho em, Tình khúc chiều mưa, Buồn ơi chào mi...”.

Nhạc sỹ đi làm ở… bến xe

Sau năm 1975, các phòng trà đóng cửa. Nhạc sĩ thất nghiệp. Miệng ăn núi lở, nhạc sĩ phải bán cả chiếc đàn piano của mình để nuôi con. Nguyễn Ánh 9 xin đi làm ở bến xe miền Tây. Anh thực sự làm công nhân. Đi soát vé. “Mình ký lệnh xuất bến thì tài xế mới đi đổ xăng dầu, rồi đi đón khách. Xe ra cổng, đếm trên xe xem đúng số người không, có khi xe 50 chỗ mà chở 70 người”. Người nhạc sĩ già tủm tỉm: “Biết tác giả bài Không, tài xế và lơ xe khoái”.

Kiếm được chỗ làm thời bao cấp không dễ dàng. Chính ông xin cho nhạc sĩ tài hoa Lê Hựu Hà một chân soát vé tại Bến xe Miền Đông. Họ hứng lên còn lập đội văn nghệ của bến xe. Đến năm 1978, ông xin nghỉ việc. “Đi làm từ 3 giờ sáng đến tối mịt. Nhà tôi ở xa. Trễ một chuyến xe buýt, coi như trễ ngày làm, có thể bị đuổi việc. Vừa mệt vừa sức ép, tôi xin nghỉ việc”.

Rồi cuộc sống hậu chiến dần ổn định. Một số người bắt đầu muốn cho con cái họ được học nhạc. Người nghệ sĩ đệm đàn lừng danh đã nhờ vào đám học trò con nhà giàu mới nổi để mà tìm lại cảm hứng với cây đàn sau nhiều năm quên bẵng. “Đến mãi năm 1984 Sài Gòn mới có nhà hàng ở trung tâm thành phố lập ban nhạc phục vụ trong khi khách ăn uống. Lúc đó chúng tôi chỉ chơi nhạc không lời, chưa có ca sĩ!”.

Ngươi ta lại thấy hình ảnh người nhạc sĩ giản dị với cây dương cầm, như một người vô danh, bên cạnh những mâm tiệc thịnh soạn giữa thời bao cấp nghèo khó. Trong một lần tiệc như thế, vị khách Nhật đã lên sân khấu hát một bài. Người đệm đàn sững sờ không tin tai mình, đó chính là ca khúc Không, được dịch sang tiếng Nhật. Người nhạc công giới thiệu với các thực khách rằng “Chính tôi là tác giả ca khúc này” khiến cho những người tham dự bữa tiệc kẻ thì bán tín bán nghi, kẻ thì ngơ ngác, thán phục.

“Tôi không sáng tác mà đó là tiếng lòng”

Nhạc sĩ lui về ẩn mình ở phòng trà ca nhạc. Ảnh: T.N.A
Nhạc sĩ lui về ẩn mình ở phòng trà ca nhạc. Ảnh: T.N.A.
 

Ngồi bên hông phòng trà ca nhạc nhỏ bé, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nói rằng ông viết nhạc không phải từ thôi thúc sáng tác tác phẩm mà đó là tiếng lòng ông, nó vang rất tự nhiên. “Cả đời tôi chỉ viết được chừng 40 ca khúc. Thần tượng của tôi là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, người sáng tác rất hay về mùa thu”. Nhạc sĩ nói rằng thời của ông không ít nhạc sĩ sáng tác nhạc để bán cho các nhà xuất bản, nhất là dòng nhạc bolero, nhưng ông chưa bao giờ nghĩ tới chuyện kiếm tiền.

Sau năm 1975, ông mất 5 năm để viết bài hát Cô đơn. “Nó giống như nhạc bán cổ điển” - ông nói đó là tác phẩm ông “ưu ái nhất”. Ông nói người ảnh hưởng đến ông nhiều nhất là Chopin, nhạc sĩ thiên tài chết sớm vì bệnh lao: “Ông ấy (Chopin) chỉ biết chơi nhạc và yêu”.

Trong công việc đệm đàn: “Tôi thường xuyên nghiên cứu âm nhạc dân gian 3 miền để phối khí hòa âm và đệm đàn cho phù hợp với sáng tác và biểu diễn của các nhạc sĩ, ca sĩ”. Nhạc công chuyên đệm piano cho các ca sĩ ở Việt Nam rất hiếm. Đàn piano là nhạc cụ đặc trưng của âm nhạc phương Tây, bởi vậy phải có kiến thức và kỹ thuật uyên thâm mới sử dụng được nó nhuần nhuyễn khi kết hợp với các ca khúc giàu tính dân gian của âm nhạc Việt Nam.

“Tôi phải tìm hiểu dân ca các vùng làm sao, rồi áp dụng hợp âm cho đúng. Trước tiên phải nắm vững bài hát, phải thuộc bài hát để biết chỗ nào sâu lắng chỗ nào sôi động, thì đàn cho ca sĩ hát mới hay”. Đệm đàn, với Nguyễn Ánh 9 là hoàn thiện một tác phẩm khi trình diễn: “Ca sĩ và người đệm phải ăn rơ với nhau để đưa ra một tác phẩm hay nhất”.

Tôi không rút lại nhận xét của mình

Nhạc sĩ tâm sự sau vụ scandal với các ca sĩ mới đây: “Đôi khi các ngôi sao chú ý kỹ thuật nhiều quá, họ thành công về kỹ thuật, nhưng không thành công về mặt tâm hồn. Tôi nhận xét như vậy và tôi bị mang tiếng. Tôi chỉ nói thật. Ca sĩ biết nghĩ lại nên cám ơn tôi, tôi muốn họ hát hay hơn mà”.

Bài báo nọ đăng lên, nhận nhiều phản ứng. “Tôi nói tôi bằng lòng xin lỗi nếu họ tự ái, nhưng thực sự tôi không đả phá mà tôi góp ý. Giọng họ rất hay, sao tự phá giọng của mình. Thanh Lam hát bài Lối cũ ta về rất hay, mà có cần gào thét đâu. Phát biểu đụng chạm thì tôi xin lỗi, nhưng tôi vẫn nói, tôi không rút lại lời nói của mình”.

Ông nói rằng ông nghĩ lại thấy mình buồn. Thôi kệ, mình rút về đàn ở khách sạn, phòng trà nhỏ. “Đệm cho ca sĩ hạng B, hạng C mà hát có hồn còn hơn ra sân khấu đệm cho người nổi tiếng mà hát lại không có hồn. Nhạc công thì thành thợ đàn. Thậm chí người ta diễn, mà người đánh đàn nói chuyện với nhau nom thật phi nghệ thuật”.

Con trai ông, nhạc sĩ Nguyễn Quang, là nhạc sĩ biểu diễn piano và phối khí nổi tiếng hiện nay. Nhưng nhạc sĩ cũng nói: “Tôi chưa hài lòng với con tôi đâu, vẫn còn những cái chưa chín muồi”.

Ông lại thở dài: “Hai cha con mà hầu như không nói chuyện với nhau, mạnh ai nấy đi làm. Làm chung show, mạnh cha thì cha tới tập, mạnh con thì con tới tập”. Người nhạc sĩ kỳ cựu nói: “Tuổi trẻ thích sự sáng tạo. Nhưng, sự sáng tạo nào cũng phải dựa vào bài hát, có hợp mới hay, không hợp nghe kỳ lắm. Con tôi, tôi cũng góp ý như thế”.

9/2013

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...