Đây là lần thứ hai Quán Thanh Xuân làm chương trình về riêng một thành phố, sau Hà Nội, Hải Phòng – thành phố của những cánh buồm, chính là điểm hẹn của tháng 7.
Các khách mời lần này đều là những văn nghệ sĩ người Hải Phòng: Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ Đặng Tiến, nhạc sĩ Duy Thái, NSƯT Quang Thắng, ca sĩ Phạm Thu Hà...
Nhạc sĩ Duy Thái, tác giả của ca khúc nổi tiếng “Lời của gió” hóa ra không có vận đào hoa như nhiều đồng nghiệp của anh đồn đại. Duy Thái trần tình: “Cứ tưởng liều mình yêu thì cũng được yêu lại, hóa ra không phải. Có lần tôi cũng nhắm mắt đưa chân, thẳng thắn bày tỏ với một cô: “Anh rất quý em, anh yêu em!”. Không ngờ cô ấy ráo hoảnh hỏi lại: “Anh nói thật hay đùa đấy?”. Tôi bảo nói thật chứ! Cô ấy nghiêm giọng: “Này anh nghiêm túc đi nhé!”. Nghe từ nghiêm túc là tôi biết tuyệt vọng rồi, xong rồi”.
Không gian Hải Phòng được tái hiện tại trường quay |
Các khách mời từ phải qua: nhạc sĩ Duy Thái, NSUT Quang Thắng, ca sĩ Phạm Thu Hà |
Nhận xét về người Hải Phòng, nhạc sĩ Duy Thái cho rằng: “Người Hải Phòng tưởng thô ráp nhưng rất thành thật, phố cong mà người thẳng. Vùng đất Hải Phòng tạo cho con người ở đây sự mạnh mẽ. Tôi yêu dòng sông, mảnh đất ấy và nghĩ sẽ sống mãi ở đây”.
Một tiết lộ thú vị là trước khi thành nhạc sĩ, Duy Thái từng là diễn viên kịch và hoạt động trong đoàn kịch Hải Phòng suốt nhiều năm liền.
Ca sĩ Phạm Thu Hà mặc dù có cảnh quay ở gần cuối nhưng chị đến trường quay từ rất sớm. Ngồi trong cánh gà nghe các nghệ sĩ đàn anh kể chuyện Hải Phòng, Thu Hà lặng lẽ rơi lệ vì cảm động. Ký ức Hải Phòng đối với ca sĩ “Bài hát ru cho anh” gắn liền với những gánh hàng rong và những món ăn đường phố ngon không tả nổi như: giá bể xào, bánh đa cua, bánh ướt... Cô cũng tự nhận dù thời gian sống ở Hà Nội nhiều hơn Hải Phòng nhưng trong cốt cách cô vẫn là người con đất cảng: ngông, ngang và cũng... ngốc.
Ca sĩ Phạm Thu Hà chinh phục khán giả với ca khúc Bến cảng quê hương tôi của nhạc sĩ Hồ Bắc. |
Nói về Hải Phòng, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho biết: Đây là mảnh đất nhiều tài năng hội tụ, là ngọn nguồn của văn nghệ Việt Nam: người đầu tiên khởi sự tiểu thuyết Việt Nam là nhà giáo Hoàng Ngọc Phách với tác phẩm “Tố Tâm”, học trò của Hoàng Ngọc Phách là nhà thơ Thế Lữ cũng lớn lên ở Hải Phòng, cạnh đó là Lan Sơn, Lê Đại Thanh, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng... Trong âm nhạc thì có Hoàng Quý, Đỗ Nhuận, Văn Cao và sau đó là Đoàn Chuẩn.
Nguyễn Thụy Kha tiết lộ một chi tiết rất thú vị về Đoàn Chuẩn: “Nhà nước mắm Vạn Vân (rất nổi tiếng ở Hải Phòng giai đoạn trước) sử dụng Đoàn Chuẩn như trưởng ban tuyên truyền của hãng. Tất cả nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn in ra đều giới thiệu nước mắm Vạn Vân ở đằng sau. Ngày nay thương hiệu nước mắm Vạn Vân đã phai mờ, nhưng nhạc Đoàn Chuẩn còn mãi”.
Ca sĩ Trọng Tấn biểu diễn "Thành phố hoa phượng đỏ" |
Chùm ca khúc về thành phố Hải Phòng xuất hiện trong Quán thanh xuân tháng 7 gồm: Em đến thăm anh một chiều mưa, Tìm tên anh bên bờ cát, Bến cảng quê hương tôi, Chiều trên bến cảng và Thành phố hoa phượng đỏ...
Chương trình Quán thanh xuân tháng 7: Ký ức về những cánh buồm sẽ được phát sóng vào lúc 20h40 ngày 18/7 trên kênh VTV1.