Nhạc sĩ Đăng Ninh: Nặng lòng cùng ca Huế

Nhiều sáng tác của nghệ sĩ Đăng Ninh đến với du khách gần xa khi họ đến thăm HuếẢnh: Trần Nguyễn Anh
Nhiều sáng tác của nghệ sĩ Đăng Ninh đến với du khách gần xa khi họ đến thăm HuếẢnh: Trần Nguyễn Anh
TP - Từ thủa thiếu thời tóc để chỏm mò cua bắt ốc nuôi thầy dạy nhạc, đến giờ tóc đã bạc màu, cuộc đời của nhạc sĩ nghệ sĩ ca Huế Đăng Ninh luôn gắn với đàn nhị, đàn tranh, âm thầm lặng lẽ với một tình yêu âm nhạc cổ truyền. Gặp phóng viên, bác trăn trở: “Vì sao đàn ca tài tử, cải lương ngày càng phát triển mà ca Huế của đất cố đô lại ngày càng tàn lụi hả cháu ơi?”.

Bắt ốc nuôi thầy

Nghệ sĩ Đăng Ninh sinh năm 1945 trong gia đình làm nông ở huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Từ nhỏ, cậu bé sống bên dòng sông Bến Hải đã rất mê âm nhạc cổ truyền. Cậu bé tự làm đàn bầu bằng những ống sữa bò, căng dây đàn để chơi ngày đêm. Mẹ của cậu thủa còn trẻ cũng rất mê hát ca Huế và từng đi theo gánh hát cùng với nghệ sĩ Châu Loan (sau này nghệ sĩ Châu Loan ra Hà Nội và thường hướng dẫn Bác Hồ ngâm thơ chúc Tết). Thấy con trai mê âm nhạc quá, bà mẹ trẻ bèn mời cụ Duyến là nghệ nhân chơi nhạc Huế nổi tiếng trong vùng (người từng dạy cho bà và Châu Loan) về nhà dạy cho con trai.

Cậu bé Ninh mê nhạc, mê đàn, học hết nhạc cụ này lại muốn học thêm nhạc cụ khác. Gia đình bèn mời thầy ở lại trong gia đình để tiện dạy cho con trai. Nghệ sĩ Đăng Ninh kể: “Gia đình chúng tôi khi đó cũng đạm bạc lắm. Mỗi lần muốn có cái ăn ngon, tôi lại ra đồng mò cua bắt ốc cả ngày để về làm cơm mời thầy ăn. Thầy cảm thương tôi, nên ở lại trong nhà và dạy dỗ tôi suốt 4 năm ròng”.

Nghệ sĩ Đăng Ninh còn nhớ hình ảnh thầy Duyến thế này: “Thầy có dáng phong lưu, nghệ sĩ, quần áo trắng tinh. Khi về sống ở làng, để hòa đồng cùng mọi người, thầy phải lấy bùn đất mà nhuộm hết quần áo sang màu nâu”.

Cậu bé sông Gianh đã học hết cả 4 cây đàn tranh, bầu, nhị, nguyệt và học hát các bài bản nhạc Huế từ ông thầy. Ban đầu, vài bạn bè cũng theo học thầy Duyến nhưng rồi rơi rụng hết cả, chỉ còn một mình cậu bé Ninh với thầy.

Bom cắt đầu đàn

Một hôm Ty văn hóa Vĩnh Linh về tận nhà để tuyển Đăng Ninh vào đoàn văn công Vĩnh Linh. Khi ấy, Vĩnh Linh là khu vực đặc biệt, nơi nguy hiểm nhất miền Bắc. Toàn bộ người già, trẻ em, người bệnh tật đều được sơ tán ra Nghệ An. Những người ở lại giữ đất giữ Vinh Linh đều như là một người lính giữ giới tuyến.

Nhạc sĩ Đăng Ninh: Nặng lòng cùng ca Huế ảnh 1 Nghệ sĩ Đăng Ninh vẫn ngày ngày say mê với cây đàn Ảnh: Trần Nguyễn Anh

Nghệ sĩ Đăng Ninh vào đoàn nghệ thuật Vĩnh Linh phụ trách âm nhạc, kèm cặp thêm anh em trong đoàn, viết các vở kịch ngắn, soạn các ca khúc ca ngợi người dân sông Gianh anh hùng. Đoàn chưa tới vài chục người, khi diễn toàn đi trong công sự, đường hào, trong tầm súng tầm pháo của đối phương. Nghệ sĩ kể: “Chúng tôi ở lại Vĩnh Linh, ngày nào cũng đối mặt với cảnh chiến tranh tàn phá. Lâu lâu nghe nói có ký kết gì đó, tình hình được yên, buổi tối được bật đèn sáng mà tập nhạc thì cảm giác khoan khoái vô cùng. Còn lại thì hầu hết ở lán và nằm hầm”.

Năm 1965, Mỹ thả bom cháy cả trường học. Năm 1966, bom Mỹ đốt cháy hết cả làng, máy bay bắn phá khắp Vĩnh Linh. Nghệ sĩ Đăng Ninh và vợ là diễn viên cùng đoàn đào hầm trú ẩn, đi phục vụ khắp các trận địa. Có khi cả đoàn đang vác đàn trống đi qua những đồi cát, máy bay địch lao tới, mọi người nằm hết xuống cát, yên rồi, lại đứng dậy đi tiếp. Có hôm vào tới trận địa, máy bay địch bắn phá, các nghệ sĩ cùng dân địa phương chống trả quyết liệt. Giặc đi rồi thì đàn nhị lại kéo lên trên chiến hào.

Nghệ sĩ Đăng Ninh kể: “Có lần tôi đang ngồi đánh đàn biểu diễn trên trận địa, bom đạn vẫn nổ đâu đó mà chúng tôi vẫn diễn như thường. Bất ngờ một mảnh bom văng tới, cắt đứt đầu cây đàn nhị của tôi trước mặt tất cả mọi người. Lúc ấy, chúng tôi không sợ hãi đâu, chỉ nói với nhau: Gớm, tí nữa thì nó cắt vào ngay cổ mình rồi”. Nói xong, lại vẫn diễn tiếp vì khán giả không ai chịu ra về.

Niềm vui người nghệ sĩ

Cuộc sống vất vả gian khổ mà cũng nhiều niềm vui. Bác Đăng Ninh kể: “Chúng tôi từ Vĩnh Linh, được đưa lên xe ra Nghệ An để biểu diễn phục vụ đồng bào Vĩnh Linh sơ tán ngoài đó. Kỷ niệm thật khó quên vì lần đầu tiên chúng tôi được ra khỏi vùng giới tuyến ác liệt. Ra tới Nghệ An, mọi người vô cùng ngạc nhiên, không ngờ ở giới tuyến vẫn có một đoàn văn công bài bản. Đồng bào đồng hương, nghe tiếng nhạc quê hương cất lên, không ai cầm được nước mắt”.

Nghệ sĩ Đăng Ninh bảo: “Thời chiến tranh, chúng tôi biểu diễn không có chuyện tiền bạc, diễn xong không ai nghĩ đến cát xê. Tiếng là nghệ sĩ mà lúc lên thì ở lán, lúc xuống thì ở hầm. Ấy thế mà cảm xúc nhiều, viết rất nhiều liên khúc các ca cảnh cho đoàn, cùng các bài ca lẻ ca ngợi tinh thần chiến đấu của người Vĩnh Linh. Vừa diễn xong, máy bay lại bổ nhào xuống ném bom. Vợ chú thấy máy bay cũng nhào ra bắn súng trường. Sống vô tư lắm, thường bảo: Ở sông Gianh này, nhiều người còn gian khổ hơn mình, phải biết làm nghệ thuật tốt để động viên mọi người”.

Sau năm 1975, nghệ sĩ Đăng Ninh về làm việc ở Đoàn ca kịch Huế. Cuộc sống cũng thật là khó khăn. Tôi còn nhớ những năm 1990, tôi vào Đoàn ca kịch Huế chơi, bác tôi Trần Ngọc Oanh là Trưởng Đoàn ca kịch Huế và bác dâu nghệ sĩ Mộng Điệp là phó đoàn. Căn phòng hai bác tôi, lãnh đạo của đoàn mà bé xíu và vách ngăn làm bằng phên tre. Bác Mộng Điệp chỉ vào phên tre bảo tôi: “Căn phòng được chia làm hai cháu ạ. Hai bác ở bên này còn bên kia là gia đình chú Đăng Ninh, bố của của sĩ Vân Khánh”. Tôi biết tiếng chú Đăng Ninh từ ngày đó. Bác Mộng Điệp tôi cũng bảo: “Đăng Ninh là người có tài, tâm huyết với nghề, âm nhạc rất vững. Nay có con gái là ca sĩ Vân Khánh theo nghề cha, hát ca Huế, cải lương, dân ca các miền hay nên chú ấy rất vui”.

Theo nhà nghiên cứu Võ Quê: “Đăng Ninh ký âm nhiều bài bản ca Huế, dân ca phục vụ công tác giảng dạy cho thế hệ trẻ. Từ năm 1996 đến 2002 Đăng Ninh đã tham gia đào tạo nhiều lớp học trò ở trường Văn hoá Nghệ thuật Tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghệ sĩ Đăng Ninh cũng đã được Đoàn ca kịch Huế mời tham gia chuyển thể một số kịch bản sân khấu như "Đồng tiền Vạn Lịch", "Lưỡi gươm trừngphạt", "Hương Xuân", "Vú cát", "Sự tích cây tương tư"..

Làm sao bảo tồn ca Huế?

Năm tháng trôi qua, các bác tôi đều đã qua đời, không còn ai chỉ cho tôi về âm nhạc Huế. Tôi vẫn thường ghé thăm chú Đăng Ninh, người nghệ sĩ lão thành nay đã nghỉ hưu. Được nghe chú diễn lại những kỹ thuật ca Huế lúc sinh thời các bác tôi và các nghệ sĩ lão thành ở Huế biểu diễn tôi xin làm học trò của chú, và chú vui vẻ chấp nhận, ân cần truyền cho tôi những ngón đàn Huế. Chú lại lấy những lời các bác tôi từng chỉ cho chú để chỉ lại cho tôi. Như chú bảo: “Bác Mộng Điệp của cháu cả đời không màng tiếng tăm tiền bạc, chỉ một lòng với ca Huế. Chú cũng không thích tham gia các hội hè, không thích những thứ hư danh, chỉ yêu cây đàn”.

Nghệ sĩ Đăng Ninh tâm sự: “Cháu à, chú lo cho ca Huế quá. Người ta chỉ nhìn thấy bề nổi của ca Huế thôi, đó là nhã nhạc cung đình, đó là những thuyền ca Huế. Nhưng bây giờ về các làng quê, thử hỏi có mấy làng còn giữ được truyền thống hát ca Huế, như cách mà quan họ hay đờn ca tài tử vẫn làm được? Chú đã đi đến nhiều làng cổ ở Huế, nơi ấy, tìm được người biết đầy đủ vài ba bản nhạc cổ truyền của Huế là hiếm hoi vô cùng”.

Chú Đăng Ninh lại bảo: “Chú cũng viết nhiều tác phẩm đoạt giải cao, soạn nhiều vở kịch, mà tác phẩm gần đây nhất là huy chương vàng cho tác phẩm ca Huế về biển đảo. Nhưng lòng mình vẫn còn đau xót khi về làng diễn ca Huế ố tang ố tang tình tang… thì lớp trẻ không thích nghe, các bạn chỉ quen nghe nhạc hiện đại và nhạc nước ngoài thôi”. Ông hiến kế: “Để bảo tồn phát triển ca Huế trong các làng quê, cần  tổ chức nhiều các cuộc thi ca Huế giữa các làng, các huyện với nhau. Động viên con cháu, động viên các bậc bố mẹ để cho con cháu theo học hát dân ca. Liên hoan ca nhạc thì nhiều đấy, nhưng liên hoan dân ca thường niên dành cho người dân và việc bảo tồn âm nhạc dân gian từ trong từng ngôi làng, từng mái nhà thì vẫn chưa làm được”. 

10/2018

Nhận xét về Nghệ sĩ Đăng Ninh, nhà nghiên cứu Võ Quê viết: “Những năm 1960, Qua làn sóng phát thanh, thính giả trên mọi miền đất nước đã có dịp thưởng thức các tổ khúc dân ca như "Tâm tình Bến Hải sông quê", "Chiến công Cồn Tiên Dốc Miếu" do nghệ sĩ Đăng Ninh soạn. Sau năm 1975 khi theo đoàn ca kịch Trị Thiên về Huế, ông đã soạn rất nhiều bài ca Huế. Du khách, khán giả trong cả nước rất cảm xúc khi nghe các tổ khúc về Huế của Đăng Ninh: "Gửi Huế yêu thương", "Đẹp sao xứ Huế"...

MỚI - NÓNG