Nhạc sĩ 8X từ chối du học để giữ hồn Việt

Đặng Tuệ Nguyên cùng Phó An My và các nghệ sĩ tập luyện cho đêm Độc hành. Ảnh: N.M.Hà.
Đặng Tuệ Nguyên cùng Phó An My và các nghệ sĩ tập luyện cho đêm Độc hành. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Du học là con đường tối ưu của nhiều bạn trẻ hiện nay nhưng ở tuổi 17, Đặng Tuệ Nguyên đã từ chối lời mời của Nhạc viện Paris để chỉ học trong nước. Gần đây anh được biết tới khi liên tục cùng Phó An My cho ra mắt những tác phẩm piano đối thoại với nghệ thuật truyền thống. Họ tiếp tục song hành trong đêm nhạc Độc hành 1/12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, lấy cảm hứng từ văn hóa và âm nhạc của người Tày-Nùng.

Phó An My có vai trò như thế nào trong sự nghiệp sáng tác của Nguyên?

Sự kết hợp giữa nhạc sĩ và nghệ sĩ biểu diễn thường xuyên xảy ra ở thời kỳ cổ điển hay đương đại. Sự gặp gỡ giữa Nguyên và chị Phó An My phải nói là đồng điệu cả về sáng tạo và biểu diễn. Đây là một sự kết hợp có duyên. Trước đấy đa phần tác phẩm Nguyên viết xong, các nghệ sĩ đến lấy biểu diễn chứ chưa có sự hợp tác ăn ý như với Phó An My.

Một vài tác phẩm của Nguyên được đưa vào Nhạc viện giảng dạy. Thỉnh thoảng lắm có người quen tự nhiên gọi bảo có chương trình đánh bài của Nguyên đấy. Nên nhiều concerto cho piano viết ra cũng để đấy, có cơ hội nào để dựng được đâu. Mà dựng thì có ai nghe hay không. Đất sống cằn cỗi như vậy, mình cứ nuôi đam mê thôi. Việc kết hợp này là cơ hội để tác phẩm của mình được thành hình và vang lên. Tác phẩm có “lên” được hay không một phần do nghệ sĩ biểu diễn thổi hồn vào đấy.

Nguyên và My không đến mức phải bỏ tiền ra chơi nhạc chứ?

Hồi đầu thấy My gọi điện bảo: “Bù lỗ thôi, bán đàn đi!”. Đấy là đêm Bóng đầu tiên. Lúc đầu bao giờ cũng thế, chưa có kinh nghiệm tổ chức thì cũng bị chi nhiều vào những việc lung tung mình không tính toán được thì lỗ thôi. Về sau hòa là may quá, cười được rồi. Cũng thấy vui vì bạn bè ủng hộ, âm nhạc của mình cũng có đối tượng khán giả
nhất định.

Sự xa rời đại chúng trong công việc đang theo đuổi có bao giờ làm Nguyên phải suy nghĩ?

Nhạc sĩ thời hiện đại có nhiều cơ hội, nhiều cách kiếm tiền. Bây giờ không nhạc sĩ nào lại không biết máy tính, không biết phối khí hoặc thu thanh. Có nhiều vũ khí hơn, cuộc sống của mình cũng dễ chịu hơn. Mình có thể làm nhiều việc khác như viết nhạc phim, nhạc múa để phục vụ cho đam mê của mình.

Những gì các bạn đang làm khá gần với thế giới, Nguyên có kế hoạch nào để xuất khẩu âm nhạc của mình?

Nhiều tác phẩm mình đã gửi ra nước ngoài đặc biệt là Mỹ. Nhiều người ngạc nhiên kinh khủng, bảo chưa bao giờ nghe hay nhìn thấy cái gì tương tự. Họ cực kỳ hứng thú và muốn mua đĩa, mua bản thu thanh, đủ để thấy tác phẩm của mình có sự hấp dẫn với nước ngoài. Nhưng mình chưa có ý định thu thanh hay phát hành vì nhiều yếu tố. Trước đây các cuộc Đối thoại biên chế tới mười mấy người, đê tổ chức ra nước ngoài trình diễn hay thu thanh nói chung khó khăn. Sắp tới hy vọng sẽ có nhiều cơ hội hơn.

Dự án Độc thoại tới đây của Nguyên và My là một cách tinh giản biên chế?

Câu chuyện Độc hành là sự phát triển về mặt tư duy. Những gì đúc kết từ các cuộc đối thoại trở thành độc thoại. Đây là một hình thức quay trở lại cổ điển. Cái khác căn bản là tác phẩm này sẽ quốc tế hóa được. Trước đối thoại với truyền thống nào thì bắt buộc phải có mặt nghệ nhân của truyền thống đấy. Còn bây giờ bất kỳ nghệ sĩ nào trên thế giới đều có thể chơi được.

Độc thoại dựa trên chất liệu Tày - Nùng. Nhưng nghe trực quan không thấy rõ màu sắc dân tộc. Tác giả có thể giải thích?

Có nhiều phương pháp phát triển âm nhạc dân gian. Đa số nhạc sĩ lựa chọn thang âm điệu thức. Việc phát triển đấy đối với Nguyên là chưa đủ. Vì vẫn dựa trên tính toán kiểu phương Tây. Quan trọng nhất trong âm nhạc Việt Nam là cái hơi. Cái hơi này cực kỳ khó để nắm bắt được. Ví dụ 5 âm đấy chỉ cần xếp lệch là thành Trung Quốc hoặc thành dân tộc khác. Mang đến được không gian của dân tộc đấy, hơi thở của âm nhạc của họ là Nguyên hướng tới. Và trong tác phẩm này cũng thấy thấp thoáng đâu đó nội tại chính là đối thoại - được tinh giản, thu nhỏ lại trong yếu tố câu, đoạn.

Quá trình lên miền núi tìm chất liệu có câu chuyện nào nhạc sĩ cảm thấy thú vị?

Nguyên đi điền dã nhiều rồi. Chuyến này đi cùng nghệ sĩ biểu diễn để có cùng cảm nhận. Lần đi này vẫn như mọi khi, rất tiếc yếu tố dân tộc bị biến tướng. Họ bị Tây hóa kể cả về hình thức hát. Vì những người dạy hát lại học nhạc phương Tây ở nhạc viện về. Họ hát lời mới mà chính họ cũng chẳng biết. Lời cổ phải hát Nôm Tày cơ. Theo Nguyên biết, chưa có dân tộc nào lại thờ cây đàn của mình như người Tày. Tính là cây đàn thiêng có rất nhiều huyền tích và không ai lại đánh tốp cả. Cái tốp đó là theo phương Tây... Nó cũng giống như việc cả Tây Nguyên hát nhạc Nguyễn Cường nhưng nhạc Tây Nguyên gốc không phải như thế.

Tương lai Nguyên cũng không có nhu cầu tu nghiệp nước ngoài?

Không. Vì con đường mình đã định hình. Mình ở đây để nghiên cứu ra được cái chất của mình đã là khó lắm rồi. Bây giờ mình bị lan man vào những câu chuyện của người nước ngoài không cần thiết. Đi học thành ra biến mình thành người khác.

Bố và bác ruột đều là nhạc sĩ. Nguyên theo con đường sáng tác có do gia đình tiêm nhiễm hay bắt ép?

Hoàn toàn do mình lựa chọn. Ngày xưa Nguyên đang học piano hệ chính quy thì đột nhiên thích sang Sáng tác. Lúc đấy viết một bài hát có chất quan họ xong nói với gia đình con muốn bỏ khoa. Đến khi có hai vợ chồng giáo sư người Pháp sang nghe tác phẩm đầu tay của mình thích lắm, mang về Nhạc viện Paris diễn. Xong gọi điện mời Nguyên sang, nuôi ăn ở và sẽ đưa vào Nhạc viện Paris học. Lúc ấy mình quyết định không đi, vì đã ý thức mình phải ở Việt Nam. Trong khi bố mẹ rất tiếc thì mình nói: “Con phải học ở nhà thì mới ngấm được chất Việt, dần dần mới có tiếng nói riêng của mình”. Lúc mới sáng tác, Nguyên ảnh hưởng cực kỳ lớn âm nhạc Pháp. Nên hai ông bà giáo sư nghe đặc biệt thích vì họ thấy họ trong đấy… kho tàng Việt Nam rất nhiều chất liệu hay, chỉ là mình có chắt lọc tổng hợp thành chất folklore cho mình được hay không.

MỚI - NÓNG